Trên địa bàn tỉnh hiện có 30 phóng viên thường trú của 14 cơ quan báo chí Trung ương như Báo Nhân Dân, Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Pháp luật Việt Nam, Báo Dân tộc và Phát triển, Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Bắc, Báo Tài nguyên và Môi trường, Tạp chí Kinh tế nông thôn, Tiền Phong… Mỗi tờ báo, mỗi đơn vị báo chí có tôn chỉ, mục đích và quy tắc hoạt động riêng, nhưng tựu trung, các phóng viên đại diện đều là những người tiên phong trên mặt trận thông tin, tuyên truyền, gần dân, sát thực tế, là những “cánh tay nối dài” của cơ quan chủ quản… góp phần đưa thông tin trong tỉnh Lào Cai đi xa, vươn xa. Đa số phóng viên thường trú là người nơi khác được điều động đến công tác tại địa phương, nên phải sống xa gia đình; có người may mắn được trở về nơi mình sinh ra để công tác, cũng có người qua công tác thường trú đã bén duyên với người Lào Cai và trở thành công dân miền biên giới này.
Là phóng viên thường trú duy nhất của Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Bắc tại Lào Cai, phóng viên An Kiên được hưởng sự “tự do” lớn trong công việc. Anh có quyền tự quyết định mọi hoạt động, từ việc lên kế hoạch cho đến thực hiện các sản phẩm báo chí. Tuy nhiên, chính anh thừa nhận “sự tự do này đi kèm với trách nhiệm lớn”.
Phóng viên An Kiên tâm sự: Với việc một mình phụ trách địa bàn rộng, tôi phải tự xây dựng mạng lưới thông tin và giải quyết mọi vấn đề phát sinh. Đôi khi điều này gây ra áp lực không nhỏ, nhất là khi phải làm việc trong những tình huống khẩn cấp mà không có sự hỗ trợ từ các đồng nghiệp tại cơ quan chủ quản. Hoặc có lúc thấy đồng nghiệp thuộc cơ quan báo chí của tỉnh đi tác nghiệp luôn có người đồng hành, tôi lại chạnh lòng vì mình luôn “độc bước”. Ngoài ra, vì cơ quan ở xa nên việc thiếu cơ hội giao lưu, học hỏi với các đồng nghiệp cũng khiến tôi gặp không ít khó khăn trong việc duy trì và nâng cao trình độ chuyên môn. Với tinh thần trách nhiệm và niềm đam mê với công việc, tôi luôn nỗ lực tự học hỏi, cập nhật kiến thức và kỹ năng để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
An Kiên là một trong số ít phóng viên thường trú được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Lào Cai, nhờ đó anh có nhiều thuận lợi trong công việc. Trong gần 10 năm gắn bó với công việc phóng viên thường trú trên chính quê nhà, anh đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong mắt những người trong nghề và độc giả Lào Cai cũng như vùng núi cao Tây Bắc.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề báo, trong đó có hơn 5 năm gắn bó với Lào Cai, phóng viên Nguyên Hoa - thường trú Tạp chí Kinh tế nông thôn tại Lào Cai đã trở thành tác giả quen thuộc trong cộng đồng những nhà báo chuyên viết về nông dân và nông thôn miền núi vùng Tây Bắc nói chung, Lào Cai nói riêng. Không ngại khó khăn, chị luôn đam mê tìm kiếm và viết những câu chuyện cảm hứng từ lòng nhiệt huyết của nông dân.
Con số gần 20 tin, bài mỗi tháng cho thấy tần suất những chuyến công tác và năng suất làm việc của nữ phóng viên thường trú luôn tràn đầy cảm hứng với đề tài về nông dân, nông thôn. “Nông dân vốn vất vả, nông dân vùng núi cao còn vất vả gấp trăm lần so với miền xuôi. Vì thế, tôi luôn muốn đi đến tận nơi, nghe họ nói và viết về những tấm gương tốt, những việc làm hay của nông dân".
Phóng viên Nguyên Hoa sinh ra ở Thái Bình, chị tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2001 và từng có gần 20 năm công tác ở nhiều tờ báo lớn tại Hà Nội. Đến năm 2018, chị lên Lào Cai, lập gia đình và gắn bó với công việc phóng viên thường trú. “Tôi thích công việc phóng viên thường trú vì nó phù hợp với nhu cầu và khả năng của tôi. Ở nơi này, tôi vừa được làm công việc mình yêu thích, vừa có một gia đình hạnh phúc. Đây là may mắn, cũng là niềm tự hào của tôi”, chị Nguyên Hoa nói thêm.
Có lẽ chính tình yêu đã biến đất lạ thành quê hương nên mặc dù công việc đôi khi phải đối mặt với những khó khăn, vất vả như đường sá xa xôi, nguy hiểm hoặc thời tiết xấu, chị Nguyên Hoa vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ngoài An Kiên, Nguyên Hoa, còn có các nhà báo thường trú khác như Quốc Hồng, Vũ Thắng, Trọng Bảo, Bích Hợp… đều là những cái tên quen thuộc và tạo được uy tín đối với địa phương bằng kỹ năng làm nghề và bằng tình yêu với mảnh đất biên cương - nơi luôn có sự đồng hành của báo chí trong hành trình phát triển và hội nhập.