Theo số liệu của ngành y tế tỉnh, hiện 100% huyện, thị xã, thành phố và 87,5% xã, phường có người nhiễm HIV. Tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới chiếm 76,5%, lây truyền chủ yếu qua đường máu chiếm 59,5%. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, HIV có xu hướng tăng nhẹ qua đường tình dục không an toàn, từ 23,9% (năm 2015) lên đến 30% (năm 2023), lứa tuổi thanh niên (từ 16 - 29 tuổi) chiếm 43,7%.
Thành phố Lào Cai và các huyện Văn Bàn, Bảo Thắng, Bát Xát là những địa phương trong tỉnh có người nhiễm HIV cao. Trên địa bàn huyện Bảo Thắng ghi nhận tổng số 575 người nhiễm HIV, 263 người còn sống. Tỷ lệ nhiễm HIV cao tập trung tại thị trấn Phố Lu, Tằng Loỏng và xã Xuân Giao, chủ yếu người nhiễm là nam giới, trong nhóm nghiện chích ma túy, độ tuổi từ 15 - 40. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, số người nhiễm HIV ở Bảo Thắng có chiều hướng gia tăng ở phụ nữ, lây nhiễm qua đường tình dục.
Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đang được đẩy mạnh tại Bảo Thắng, trong đó, tăng cường công tác truyền thông đặc biệt là đối với các đối tượng có hành vi nguy cơ cao, như nghiện ma túy, mại dâm, nhóm thường xuyên di biến động. Trung tâm Y tế huyện Bảo Thắng cũng đẩy mạnh tuyên truyền trong Tháng phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (tháng 6/2024), Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (tháng 12/2024); phối hợp với các ban, ngành của huyện, các xã, thị trấn lồng ghép phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Cùng với đó, 8 nhân viên tiếp cận cộng đồng trên địa bàn đã cấp phát hàng nghìn bơm kim tiêm sạch cho đối tượng nghiện chích ma túy, góp phần can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV. Họ cũng là lực lượng quan trọng tiếp cận tư vấn và cung cấp thông tin về chăm sóc sức khỏe, tình dục an toàn, kiến thức pháp luật... cho người dân.
Tại thị xã Sa Pa phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1998, đến nay đã lan rộng ra 16/16 xã, phường trên địa bàn thị xã. Tính đến ngày 31/10/2024, thị xã Sa Pa đã ghi nhận 148 ca nhiễm HIV, 122 ca chuyển sang giai đoạn AIDS, trong đó 96 trường hợp đã tử vong. Số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống là 52 người. Đối tượng nhiễm HIV chủ yếu là nam giới trẻ tuổi từ 25 - 40 có liên quan đến tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn.
Trong những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thị xã Sa Pa được triển khai đồng bộ từ thị xã đến các xã, phường, có sự vào cuộc của các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và sự quan tâm của cả cộng đồng, đạt những hiệu quả và chuyển biến tích cực, kiềm chế được tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư năm 2024 ở mức 0,2%. Tuy nhiên, số người mới nhiễm HIV trên địa bàn thị xã Sa Pa vẫn được phát hiện hằng năm, kiến thức chung về HIV/AIDS và việc thực hiện hành vi an toàn phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư vẫn hạn chế, đặc biệt là trong các nhóm người sử dụng ma túy, những người quan hệ tình dục không an toàn, người dân tộc thiểu số.
Toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV, gần 1.400 người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị thay thế bằng thuốc Methadone. Mỗi năm có trên 3.000 người được xét nghiệm HIV và hàng chục nghìn lượt người được tiếp cận truyền thông, chương trình phát miễn phí bao cao su, bơm kim tiêm...
Ông Lục Hậu Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, mỗi người cần nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về HIV/AIDS, giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn, tác hại của ma túy, cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ. Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cần sự góp sức của cả cộng đồng trong việc chủ động triển khai các hoạt động truyền thông phù hợp thông qua các kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp, đặc biệt qua mạng internet. Hơn hết, cần bảo đảm quyền con người trong tiếp cận dịch vụ y tế, không có sự phân biệt đối xử, đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, đặc biệt đối với các nhóm dễ bị tổn thương và phải đảm bảo tính sẵn có của các dịch vụ y tế với chi phí hợp lý, đảm bảo chất lượng.