Đi ra rừng cây gần nhà, chị Nguyễn Thị Phượng, ở bản Nà Luông, xã Nghĩa Đô (Bảo Yên) nhanh tay chọn những chiếc lá dứa rừng thuôn dài, mềm mượt nhưng bền dai đem về làm đế yến.
Trước ngày hội xuân, chị em người Tày sẽ lên rừng, tìm chọn vật liệu làm yến. Vật liệu làm yến rất đơn giản, như lá cây, ống tre, lông gà, chỉ buộc... Nếu đồng bào Tày ở Nghĩa Đô dùng lá dứa làm đế yến thì bà con ở xã Võ Lao (Văn Bàn) lại đan đế yến bằng lá chuối. Bà Lương Thị Cháu, thôn Chiềng 2, xã Võ Lao cho biết: để làm được quả yến đòi hỏi sự khéo léo của chị em, từ chọn lá cây, đan thân yến, gắn lông gà, đến cách chơi… Nhìn qua thì rất đơn giản nhưng mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mẩn, chăm chút.
Khi chuẩn bị đầy đủ vật liệu, dưới mái nhà sàn truyền thống, chị em ngồi quây quần đan yến. Lá dứa, lá chuối được kết các lớp chồng lên nhau thành hình 8 cạnh. Thân yến gần giống quả cầu lông, giữa đế nối một ống tre ngắn cắm vài chiếc lông gà và buộc lại bằng chỉ màu. Một số chị em còn tạo cho quả yến những chiếc tua rua từ những sợi chỉ nhiều màu sắc, thêm phần thẩm mỹ. Theo quan niệm của người Tày, quả yến có đế 8 cạnh và tạo từ 4 chiếc lông gà để cân nhau, giữ thăng bằng khi đánh yến... nhưng cũng hàm ý chỉ 4 phương, 8 hướng.
Từ mùng 3 Tết, sau khi đã hoàn thành các công việc như cúng gia tiên, mo Tham Thát, thăm người thân, đồng bào Tày sẽ ra cánh đồng hoặc bãi đất rộng trong thôn để cùng vui chơi. Trò chơi đánh yến thường chia làm hai đội, có thể nguyên nam, nguyên nữ, có thể cả nam cả nữ xen kẽ. Khi đánh yến, các đội chơi được chia theo thôn để tạo sự hứng thú và động lực khi thi đấu. Trong quá trình đánh yến, các thành viên của hai đội chơi cố gắng đỡ và đánh quả yến sang đội bạn, không để rơi xuống đất. Nếu đội nào để quả yến rơi xuống đất thì đội đó thua.
Đánh yến không chỉ là trò chơi truyền thống của đồng bào Tày, mà còn là phương thức để các chàng trai, cô gái giao duyên, thể hiện tình cảm.