Tại thôn Nà Phung, gia đình ông Sùng Seo Hầu đã chọn quế làm cây trồng chính để thoát nghèo. Từ năm 2014, ông Hầu đầu tư 10 kg hạt giống để gieo trồng hơn 2 ha quế. Vài năm sau, gia đình ông tiếp tục mở rộng diện tích trồng quế lên 5 ha. Sau 5 năm, cây quế bắt đầu được tỉa thưa, mang lại thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm.
Từ năm 2020, mỗi năm gia đình ông trồng thêm hơn 2 ha cây quế và bồ đề trên diện tích đất trồng sắn và ngô kém hiệu quả. Hiện, diện tích quế, bồ đề của gia đình ông Hầu gần 10 ha. Năm 2023, ông Hầu thu hoạch đồi quế hơn 1 ha, thu về 450 triệu đồng. Cùng với số tiền tích lũy, gia đình ông đã xây được căn nhà mới khang trang, sắm sửa đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.
Khác với gia đình ông Hầu, gia đình bà Hoàng Thị Thắng ở thôn Thác Xa lại phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào chăn nuôi. Tận dụng nguồn nước dồi dào của dòng suối gần nhà, gia đình bà phát triển mô hình nuôi vịt bầu chăn thả bán tự nhiên. Buổi sáng, bà Thắng cho đàn vịt ăn rồi lùa ra suối để chúng kiếm thức ăn tự nhiên, chiều muộn thì lùa vịt về chuồng và cho ăn thêm 1 bữa phụ. Thức ăn cho vịt được bà tận dụng từ rau, củ, thân cây chuối và cám ngô. Với phương thức chăn thả này, vịt của gia đình bà nuôi được đánh giá có chất lượng thơm ngon, chắc thịt và khách hàng ưa chuộng. Mỗi năm, gia đình bà nuôi 2 lứa vịt, tổng đàn gần 1.000 con, thu lãi hơn 40 triệu đồng.
Ngoài nuôi vịt, gia đình bà Thắng kinh doanh thêm dịch vụ ăn uống, bán hàng tạp hóa, trồng rừng… Việc linh hoạt phát triển kinh tế đã giúp gia đình bà có nguồn thu ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Với đa phần diện tích là đồi núi nên phát triển kinh tế đồi rừng được chính quyền xã Tân Tiến xác định là chủ lực. Xã đã phối hợp với phòng chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng và chăm sóc cây lâm nghiệp cho người dân. Đến nay, xã có hơn 2.000 ha rừng sản xuất trồng các loại cây như quế, bạch đàn, bồ đề, trong đó diện tích quế chiếm 65% (1.300 ha), đã hình thành được vùng sản xuất hàng hóa.
Tuy nhiên, chu kỳ khai thác của cây lâm nghiệp thường kéo dài từ 6 năm đến 10 năm, vậy nên để lấy ngắn nuôi dài, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển mô hình kinh tế phù hợp như nuôi vịt bầu, chăn nuôi dê, bò và kinh doanh dịch vụ... Việc đa dạng hóa mô hình kinh tế giúp nông dân trong xã không phụ thuộc vào một nguồn thu duy nhất, từ đó giảm bớt rủi ro và tăng khả năng thích nghi với những biến động của thị trường.
Trong thời gian tới, xã sẽ phát triển thêm các mô hình kinh tế như nuôi cá tầm tại các thôn vùng cao, thực hiện rà soát và phát triển mô hình trồng cây gỗ lớn đa tác dụng, mô hình phát triển cây dược liệu gắn với bảo vệ phát triển rừng bền vững, chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn để đa dạng hóa sinh kế. Năm 2024, xã đã phối hợp với các đơn vị dạy nghề trong và ngoài huyện mở 3 lớp dạy nghề ngắn hạn (chăn nuôi, trồng trọt) cho hơn 100 nông dân. Cùng với đó, đã phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức cho người dân đi làm công nhân tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi năm xã tổ chức cho hơn 40 lao động đi làm ngoài địa phương.
Xã đang triển khai xây dựng sản phẩm cây chè dây trở thành sản phẩm OCOP, bước đầu đã triển khai xây dựng vùng nguyên liệu sạch đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Sự kết hợp giữa nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia và sự tham gia của các đơn vị tư vấn sẽ giúp hoàn thiện sản phẩm và đánh giá chất lượng trong quý I/2025. Điều này không chỉ giúp nông dân nâng cao thu nhập mà còn đảm bảo sự bền vững trong sản xuất, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.