Chúng tôi đến HTX Thế Tuấn khi các xã viên đang chuẩn bị đưa mẻ lá đại bi vào nồi chưng cất tinh dầu. Đây là công đoạn quan trọng để biến lá đại bi từ cây dại trở thành sản phẩm OCOP 3 sao.
Anh An Văn Tuấn, Giám đốc HTX Thế Tuấn cho biết: Đại bi hay từ bi xanh, long não hương, đại từ bi… là tên gọi loài cây mọc dại, có ở nhiều vùng đồi núi của huyện Văn Bàn. Theo kinh nghiệm dân gian, người dân địa phương thường dùng lá đại bi làm thuốc chữa cảm sốt, cảm cúm, chữa ho, trừ đờm, đầy bụng, không tiêu, đau bụng, thuốc xông chữa bị cảm… Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, tôi cùng các xã viên đã quyết định phát triển các sản phẩm tinh dầu, trà, cao, nước súc miệng… từ lá đại bi.
Theo anh An Văn Tuấn, trong lá đại bi có tinh dầu nhưng hàm lượng rất thấp, nên việc chiết xuất khó hơn các loại cây khác. Việc thu hoạch và chưng cất tinh dầu thực hiện vào mùa hè và mùa thu sẽ cho hàm lượng tinh dầu cao nhất. Nồi chưng cất cũng được cải tiến phù hợp để thu được nhiều loại sản phẩm khác nhau.
“Để tìm ra công thức chuẩn, thời gian đầu, chúng tôi phải bỏ đi hàng tấn lá đại bi nguyên liệu. Đến nay, HTX Thế Tuấn là một trong rất ít đơn vị trên cả nước chưng cất thành công tinh dầu từ cây đại bi. Năm 2022, sản phẩm tinh dầu đại bi của HTX Thế Tuấn được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao”, anh An Văn Tuấn cho biết.
Bên cạnh sản phẩm tinh dầu đại bi, HTX Thế Tuấn còn nghiên cứu và đưa ra thị trường sản phẩm trà túi lọc đại bi. Đây cũng là sản phẩm chế biến từ cây đại bi của HTX Thế Tuấn được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ngoài ra, HTX Thế Tuấn còn sản xuất nước súc miệng, cao, hoạt lạc cao… chế biến từ cây đại bi.
Từ một loài cây dại, mọc hoang ở vùng rừng núi huyện Văn Bàn, đến nay đã có 2 sản phẩm OCOP và nhiều sản phẩm khác. HTX thu mua lá đại bi giúp người dân có thêm “nghề mới” để nâng cao thu nhập lúc nông nhàn.
Chị Nông Thị Bên, thôn Ken 1, xã Chiềng Ken tâm sự: Những lúc nông nhàn, tôi vào rừng thu hái lá đại bi bán cho HTX Thế Tuấn. Việc thu hoạch đơn giản, cây cao sẽ chặt nhánh tuốt lá, cây thấp thì tuốt lá trực tiếp, giữ lại gốc để lứa sau thu hoạch tiếp. Mỗi kg lá tươi bán 4 nghìn đồng, trung bình mỗi tháng tôi thu 3 - 4 triệu đồng nhờ đi rừng hái lá đại bi bán cho HTX. Tôi cũng khoanh nuôi vài trăm cây tại khu vực rừng sản xuất của gia đình để tiện cho việc thu hái.
Mặc dù đã có sản phẩm và thương hiệu, tuy nhiên đa số nguyên liệu lá đại bi tươi được HTX Thế Tuấn thu mua từ người dân khai thác tự nhiên, dẫn đến nguy cơ thiếu bền vững. “Chúng tôi đã phối hợp với một số hộ khoanh nuôi, bảo vệ cây đại bi, đồng thời thử nghiệm trồng tại một số diện tích để khai thác hiệu quả, bền vững loại cây này”, anh An Văn Tuấn cho biết thêm.
Ngoài chế biến các sản phẩm từ lá đại bi, HTX Thế Tuấn còn nghiên cứu và chiết xuất thành công tinh dầu từ hoa màng tang. Đây cũng là một loại cây dại mọc nhiều ở các vùng rừng núi trên địa bàn huyện Văn Bàn. Sản phẩm tinh dầu hoa màng tang được HTX định hướng xây dựng thành sản phẩm OCOP.
Vùng rừng núi huyện Văn Bàn nói riêng và Lào Cai nói chung có rất nhiều loại dược liệu quý chưa biết cách khai thác, chế biến. Vì vậy, HTX mong góp phần khai thác, phát triển các loại cây dược liệu bản địa. Xa hơn nữa, chúng tôi muốn ngày càng có nhiều người biết đến, được sử dụng các sản phẩm có giá trị dược liệu từ các loài cây mọc hoang dại của vùng rừng núi Lào Cai…