Mở đầu câu chuyện về quần thể pơ mu tồn tại ngay trung tâm thị xã Sa Pa, ông Lương Văn Thời ở tổ 2, phường Phan Xi Păng kể: Xưa kia, núi rừng Hoàng Liên được biết đến như “vương quốc” của các loài cây họ thông, đặc biệt là cây pơ mu. Đây là loại gỗ quý, bền, mùi thơm, chịu được thời tiết khắc nghiệt, được người dân quanh dãy Hoàng Liên Sơn lấy về làm cột, làm vách và cả mái nhà. Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, ngay tại trung tâm thị xã có rất nhiều cây pơ mu cổ thụ với kích thước 1 đến 2 người ôm.
Theo lời kể của ông Thời, gia đình ông vốn không phải là người gốc Sa Pa mà quê ở mãi huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, lên Sa Pa làm kinh tế mới năm 1962. Học hết THCS, ông lăn lộn làm nhiều nghề, đến năm 1976 thì đi học Trung cấp Sư phạm và trở thành thầy giáo, công tác tại xã Bản Phùng (nay là xã Thanh Bình).
Vừa làm giáo viên, ông Thời vừa mày mò buôn gỗ thông để kiếm thêm thu nhập nên hiểu rõ về giá trị của gỗ pơ mu. Thế nhưng, mãi đến năm 1987, khi chuyển về công tác ở Ban Dân vận Huyện ủy, ông Thời mới có “cơ duyên” nắm trong tay kỹ thuật ươm giống và trồng cây pơ mu.
Trầm ngâm hồi tưởng những trang ký ức xưa cũ, ông Thời kể: Năm 1987, tôi tới xã San Sả Hồ làm công tác dân vận thì gặp ông Má A Chư (công tác tại Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã). Trong bữa cơm, không biết câu chuyện đưa đẩy thế nào mà chúng tôi lại nói về cây pơ mu ở dãy Hoàng Liên Sơn. Thế rồi, ông Chư tiết lộ cho tôi “bí mật” ươm trồng loại cây quý này.
Ông Chư bảo “hạt pơ mu rất nhỏ, nhẹ, phải ngâm, ủ mới có thể nảy mầm nên cây con trong rừng tự nhiên càng ngày càng hiếm”.
Ông Chư cho biết, cây pơ mu cũng phân biệt “giới tính”, có “cây đực”, “cây cái” và chỉ có “cây cái”, tán lá xòe rộng mới cho hạt giống. Ông tiết lộ rằng cách trung tâm xã San Sả Hồ hơn 1 ngày đi đường rừng có cây pơ mu “cái” hằng năm cho rất nhiều quả.
“Nắm giữ” được bí mật về cách ngâm, ủ và những cây pơ mu cho hạt giống, ngày nghỉ, ông Thời thuê người dẫn đường lên rừng kiếm hạt giống pơ mu. Sau những ngày đêm “vượt núi, ngủ rừng”, làm thang trèo lên ngọn những cây pơ mu to cỡ 2 người ôm, cao hàng chục mét, ông Thời đã thu được nhiều mớ hạt giống pơ mu từ rừng già Hoàng Liên. Thông thường, ông mất 3 đến 4 ngày, 2 đến 3 đêm ngủ rừng cho một chuyến đi lấy hạt giống pơ mu như thế.
“Bí mật” để pơ mu có tỷ lệ nảy mầm cao là quả phải đủ già nhưng chưa bung nở. Khi hái quả mang về nhà phải ủ trong bóng tối 1 tuần rồi mới phơi dưới nắng nhẹ hoặc trong bóng mát đến khi hạt quả bung nở thì đập lấy nhân hạt. Hạt giống được bỏ trong nước để loại bỏ hạt lép và tiếp tục ngâm với nước theo tỷ lệ “2 sôi, 3 lạnh”, thay nước thường xuyên trong 2 đến 3 ngày, sau đó mang ủ trong khăn ẩm 1 tuần. “Làm như vậy thì tỷ lệ nảy mầm của hạt pơ mu đạt khoảng 60%”, ông Thời cho biết.
Khi ươm được giống, ông Thời bắt đầu trồng những cây pơ mu đầu tiên trên nương, đồi của gia đình và bán giống cho người có nhu cầu. Ông Thời “bật mí”: Thời điểm đó, chỉ có Lâm trường Sa Pa và tôi biết ươm cây giống pơ mu, thông gai nên có nhiều người tìm đến mua về trồng. Trong khi lâm trường bán giá cao, thủ tục rườm rà thì tôi bán giá thấp hơn, không cần giấy tờ nên có nhiều người tìm đến mua, có người ở tận huyện Văn Bàn, rồi tỉnh Yên Bái biết và tới mua pơ mu giống.
Tiếng lành đồn xa, mỗi năm, ông Thời bán ra thị trường hàng vạn cây pơ mu giống. Có thể nói, giống cây pơ mu là nguồn nuôi sống cả gia đình ông trong giai đoạn khó khăn ấy.
“Nhiều cây pơ mu tại các tuyến đường, phố hoặc ở trụ sở các cơ quan, đơn vị của thị xã bây giờ là cây tôi ươm, trồng trong vườn nhà từ 20 đến 30 năm trước”, ông Thời khẳng định.
Dẫn chúng tôi đi thăm quần thể pơ mu còn sót lại, ông Thời tự hào khoe: Thời điểm nhiều nhất tôi có hơn 1 ha pơ mu và thông gai với số lượng hàng nghìn cây. Tuy nhiên, do khó khăn, tôi đã bán số lượng lớn cho các đơn vị trồng cây cảnh quan, công trình và chuyển đổi một phần diện tích sang trồng rau hoặc cho thuê. Nhiều khi “tiếc đứt ruột” nhưng đành phải bán vì miếng cơm, manh áo của cả nhà. Hiện gia đình có khoảng 400 cây pơ mu từ 10 đến hơn 30 năm tuổi, trong đó khu vực homestay của gia đình có nhiều nhất, với khoảng 100 cây. Nhiều cây pơ mu đã đạt chu vi gốc khoảng 1 m. Đặc biệt, năm nay cũng là năm đầu tiên vườn pơ mu có vài cây cho quả.
Cầm trên tay những quả pơ mu là thành quả sau bao năm vất vả ươm trồng, chăm sóc và gìn giữ, ông Thời mừng như bắt được vàng: Đây là tín hiệu rất vui bởi nhiều năm qua, tôi không đủ sức khỏe để đi rừng vài ngày lấy hạt pơ mu về ươm trồng. Nguồn giống quý này sẽ giúp tôi tiếp niềm vui nhân giống và bảo tồn pơ mu.
Song song với việc ươm trồng, chăm sóc và bảo tồn pơ mu trên chính mảnh vườn, rừng của gia đình, ông Thời và các con tận dụng không gian xanh dưới những tán pơ mu, thông gai để làm mô hình homestay đón khách du lịch.
Anh Lương Quốc Hưng (con trai ông Thời) bảo: Sapa Jungle Homestay được lấy cảm hứng chủ đạo từ những cánh rừng của Hoàng Liên Sơn với “linh hồn” là những cây pơ mu. Toàn bộ homestay được làm từ gỗ pơ mu, thông gai do gia đình tự trồng. Không gian homestay cũng tận dụng tối đa những cây pơ mu, thông gai làm nơi trải nghiệm cho du khách. Việc thiết kế homestay hạn chế tối đa những tác động đến cây, bởi pơ mu có bộ rễ rất nhạy cảm, chỉ cần tác động rất nhỏ cũng khiến bộ rễ bị hỏng, cây sẽ chết.
Đi dạo, thưởng trà dưới những tán pơ mu, cảm nhận hương thơm thoang thoảng đặc trưng, nghe ông Thời say sưa chia sẻ về hành trình chinh phục loài gỗ quý của dãy Hoàng Liên Sơn, ai cũng cảm thấy thêm trân trọng quần thể gỗ quý này. Hy vọng “báu vật xanh” trong lòng phố thị sẽ được gia đình ông Thời tiếp tục chăm sóc, gìn giữ, không chỉ giữ màu xanh cho đất, tạo không gian đẹp cho homestay, mà còn trở thành địa chỉ để du khách tìm đến trải nghiệm, tìm hiểu.
Trình bày: Hoàng Thu