Ngày nay, tình trạng mắc tật khúc xạ ngày càng phổ biến trong học sinh, sinh viên, trong đó, các loại tật khúc xạ thường gặp là cận thị, viễn thị, loạn thị. Năm học 2023 - 2024, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trên toàn tỉnh có 5.866/200.260 học sinh mắc tật khúc xạ, chiếm tỷ lệ 2,93%.
Quan tâm đến sức khỏe về mắt của học sinh, các đơn vị y tế ưu tiên triển khai khám mắt trong các chương trình khám bệnh lưu động. Năm 2024, qua thực hiện khám cho học sinh của 9 trường học thuộc huyện Bát Xát và thị xã Sa Pa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phát hiện 184 học sinh mắc tật khúc xạ. Năm học 2024 - 2025, Bệnh viện Sản - Nhi Lào Cai cũng thực hiện chương trình khám sức khỏe tổng quát đầu năm học mới cho 517 học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, qua đó, phát hiện 122 học sinh có bệnh lý tật khúc xạ và rối loạn điều tiết; ngoài ra, một số em mắc các bệnh lý khác về mắt như bệnh lác, nhược thị, viêm giác mạc.
Với chủ đề “Ưu tiên chăm sóc sức khỏe mắt của trẻ em”, Tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh chúng ta hãy cam kết bảo vệ đôi mắt của trẻ em để có thị lực tốt cho hôm nay và ngày mai. Trong đó, cha mẹ, người chăm sóc trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đôi mắt của trẻ, thực hiện một biện pháp quan trọng là giảm thời gian cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử và thường xuyên nhắc nhở trẻ có những thói quen tốt bảo vệ mắt.
Bên cạnh trẻ nhỏ, người lớn cũng cần ưu tiên cho sức khỏe của mắt, như nghỉ giải lao thường xuyên trong hoạt động đọc sách, sử dụng thiết bị kỹ thuật số; đeo kính bảo vệ mắt khi sử dụng các dụng cụ và hóa chất có thể gây hại cho mắt; tránh hút thuốc và tiếp xúc với tia cực tím; đeo kính râm và đội mũ khi ra ngoài trời để ngăn ngừa các bệnh về mắt.
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, thực hiện chương trình phòng, chống mù lòa, Trung tâm Y tế các địa phương đã ban hành kế hoạch hoạt động nhằm phát hiện, quản lý, điều trị các bệnh về mắt cho người dân. Hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh trên hệ thống loa truyền thanh và bằng nhiều hình thức, như tuyên truyền giáo dục, truyền thông trực tiếp đến các hộ gia đình; treo panô, áp phích, tờ rơi… nhằm nâng cao nhận thức trong Nhân dân về cách phòng, chống các bệnh về mắt. Các trạm y tế triển khai khám sàng lọc, tư vấn và phát hiện sớm bệnh về mắt hoặc thông qua hoạt động khám, chữa bệnh tại trạm; lồng ghép với các hoạt động của các chương trình y tế khác như khám sức khỏe người cao tuổi, khám phát hiện bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường... Trong 9 tháng năm 2024, các đơn vị y tế đã khám, điều trị các bệnh về mắt cho 28.462 lượt người; mổ đục thủy tinh thể cho 390 trường hợp và mổ mộng, quặm cho 112 trường hợp.
Đặc biệt, hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường đang gia tăng nhanh chóng. Riêng tại Bệnh viện Nội tiết tỉnh đang quản lý điều trị 3.056 bệnh nhân đái tháo đường. Mỗi năm, toàn tỉnh tổ chức khám sàng lọc cho gần 20.000 người có nguy cơ, qua đó phát hiện gần 700 người mắc tiểu đường. Những bệnh nhân mắc đái tháo đường có nguy cơ biến chứng về mắt cao như gây tổn thương về thị lực, có thể dẫn đến mù lòa bởi các bệnh võng mạc tiểu đường, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp... Bởi vậy, hoạt động quản lý điều trị đái tháo đường đang được triển khai tại các trạm y tế xã sẽ góp phần giúp phát hiện sớm, điều trị kịp thời bệnh ngay từ cơ sở, hạn chế biến chứng, trong đó có phát hiện sớm những bất thường về mắt để điều trị kịp thời.
Đôi mắt được ví như “cửa sổ của tâm hồn”, bởi vậy, mỗi người hãy chủ động bảo vệ, chăm sóc để có đôi mắt khỏe; đến cơ sở y tế khám mắt định kỳ 6 tháng/lần, đặc biệt là những người đã mắc các tật khúc xạ để kịp thời điều trị.