Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt, BHXH tỉnh đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong việc triển khai Đề án 06.
BHXH tỉnh đã ban hành 14 văn bản chỉ đạo, chương trình hành động, kế hoạch tổ chức triển khai và duy trì họp giao ban hằng tháng với BHXH các huyện, thị xã, thành phố để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện đề án, đồng thời phổ biến, quán triệt nội dung đề án đến viên chức và người lao động trong hệ thống BHXH tỉnh.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp, người dân đăng ký, cài đặt, sử dụng ứng dụng “VssID - BHXH số”; sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng “VssID - BHXH số” để khám - chữa bệnh; tuyên truyền đến người tham gia BHYT về lợi ích của việc sử dụng căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VNeID trong khám - chữa bệnh BHYT.
BHXH tỉnh và các địa phương còn thường xuyên tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các đơn vị thực hiện các thủ tục hành chính qua giao dịch điện tử; khuyến khích cá nhân, cơ quan, đơn vị thực hiện thu nộp, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp bằng hình thức không dùng tiền mặt.
BHXH tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh trong việc rà soát, cập nhật số căn cước công dân của người tham gia BHXH, BHYT vào cơ sở dữ liệu, đồng thời đẩy mạnh truyền thông đến người dân về lợi ích khi sử dụng dịch vụ công liên thông, thực hiện tốt quy trình liên thông điện tử đối với 2 nhóm thủ tục hành chính: “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí, hỗ trợ mai táng phí”…
Đến nay, toàn tỉnh có 172/172 cơ sở y tế thực hiện việc khám - chữa bệnh BHYT bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp, với 645.671 lượt người thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp, góp phần công khai, minh bạch và đảm bảo quyền lợi của người thụ hưởng các chế độ. Ngoài ra, toàn tỉnh có 2.862/2.950 đơn vị thực hiện giao dịch trực tuyến qua hệ thống dịch vụ công của ngành BHXH, đạt 97%.
Sau khi được cập nhật và xác thực số định danh cá nhân và căn cước công dân, những lần đi khám bệnh gần đây tôi đã sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử để thay thẻ BHYT giấy nên thuận tiện hơn nhiều, không phải mang nhiều giấy tờ như trước đây.
Bà Vũ Thị Nguyệt, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết tỉnh cho biết: Trước đây, bệnh viện phải kiểm tra đồng loạt nhiều giấy tờ, nhưng hiện nay, người dân chỉ cần căn cước công dân là có thể đăng ký khám - chữa bệnh. Đối với những bệnh nhân tự do, cán bộ y tế chỉ cần quét mã, sau đó nhập đối tượng là có thể hoàn thành thủ tục đăng ký.
Việc sử dụng căn cước công dân gắn chíp khi đi khám - chữa bệnh thay thế thẻ BHYT giấy đã giúp công việc của nhân viên y tế tại bệnh viện đơn giản hơn rất nhiều, đồng thời giảm thủ tục cho bệnh nhân.
BHXH tỉnh cũng duy trì triển khai, thực hiện việc liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính là “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí”; tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình; tiếp nhận từ Cổng dịch vụ công quốc gia để xác nhận và giải quyết cho 6.863 trường hợp hưởng bảo hiểm thất nghiệp; khuyến khích, vận động người dân thực hiện giao dịch điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia và ứng dụng VssID.
Thời gian tới, BHXH tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như trên trang thông tin điện tử của BHXH tỉnh, qua hệ thống loa truyền thanh tại xã, phường, thị trấn, trên mạng xã hội (facebook, zalo…) để người dân tiếp cận nhanh nhất các nội dung liên quan đến việc triển khai Đề án số 06 của cơ quan BHXH; tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn nhằm tăng số người cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID và các dịch vụ công trực tuyến… BHXH tỉnh luôn tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tiếp cận, trải nghiệm các tiện ích mà Đề án 06 mang lại, góp phần thúc đẩy phát triển và xây dựng Chính phủ số và hệ sinh thái “BHXH 4.0”.