Thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất chè búp khô đang đặt ra bài toán khó cho Công ty Cổ phần Phong Hải Lào Cai, một đơn vị sản xuất chè lớn trên địa bàn huyện Bảo Thắng.
Khó hoàn thành kế hoạch
Ông Hoàng Quốc Thành, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Phong Hải Lào Cai cho biết, tính đến hết tháng 7/2023, công ty mới đáp ứng được 30% yêu cầu cung ứng sản phẩm chè búp khô của khách hàng, mặc dù từ tháng 8 - 11 vẫn trong vụ thu hoạch chè; việc đảm bảo theo kế hoạch sản xuất 1.000 tấn chè búp khô theo đơn hàng năm 2023 đang gặp không ít khó khăn. Sau khi cổ phần hóa, Công ty Cổ phần Phong Hải Lào Cai đã đầu tư thêm nhiều máy móc, trang - thiết bị, dây chuyền mới để phục vụ sản xuất, với kinh phí lên tới 40 tỷ đồng, công suất thiết kế sản xuất 60 tấn chè búp tươi/ngày đêm, nhưng hiện sản xuất thực tế mới đạt 50 tấn/ngày đêm.
Ông Hoàng Quốc Thành cho biết thêm, với khó khăn về nguyên liệu như hiện nay, đến hết năm 2023, doanh nghiệp phấn đấu hết sức mới có thể hoàn thành được 80% kế hoạch sản xuất đề ra, như vậy sẽ phải nợ đơn khách hàng đã đặt, vì thế khó khăn lại chồng khó khăn.
Dù là nhà máy chè lớn nhất trên địa bàn huyện Bảo Thắng, nhưng thời gian qua, việc thu mua nguyên liệu chỉ đạt 1/3 sản lượng chè búp tươi đưa về nhà máy để sản xuất. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nguyên liệu chè tại huyện Bảo Thắng giảm là do người dân các xã đã chuyển đổi cây chè sang trồng cây khác.
Cụ thể, theo thống kê của Công ty Cổ phần Phong Hải Lào Cai, đến hết tháng 7/2023, công ty đã thu mua 507,549 tấn chè búp tươi, trong đó mua từ các vùng nguyên liệu của huyện Bảo Thắng chỉ đạt 164,374 tấn (chiếm khoảng 32%), còn lại phải thu mua từ nhiều địa phương khác trong tỉnh để phục vụ sản xuất.
Đâu là nguyên nhân?
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các vùng trồng chè của huyện Bảo Thắng, nhiều nhất là tại xã Phú Nhuận, thị trấn Nông trường Phong Hải, trong những năm gần đây, diện tích chè hàng hóa giảm rất nhiều. Người dân đang chuyển đổi dần sang trồng cây khác hoặc trồng cây quế.
Tại xã Phú Nhuận, phần lớn người dân chuyển đổi vùng trồng chè sang trồng cây quế do những năm vừa qua, cây trồng này có giá trị kinh tế cao. Hộ anh Lưu Văn Niên ở thôn Nhuần 2, xã Phú Nhuận có 0,7 ha cây chè, nhưng đến nay, anh Niên đã bỏ chè chuyển qua trồng cây quế. Anh Niên cho rằng, trồng cây chè mất nhiều công sức hơn, trong khi gia đình anh lại có ít lao động nên chọn trồng cây quế để bớt công chăm sóc và thu hái.
Anh Lý Văn Thống, Trưởng thôn Nhuần 3, xã Phú Nhuận cho biết: Từ năm 2006, Nhân dân thôn Nhuần 3 đã tích cực trồng chè và có thời điểm vùng chè phát triển lên hơn 17 ha, nhưng đến nay cả thôn chỉ còn 7 ha.
Xã Phú Nhuận là địa phương thực hiện các dự án trồng chè từ năm 2003, đến năm 2015, toàn xã đã có 350 ha chè đang cho thu hoạch. Tuy nhiên, đến năm 2020, xã Phú Nhuận chỉ còn 177 ha cây chè. Ông Hoàng Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận cho biết: Từ năm 2016 - 2019, do thị trường chè biến động và cây chè ở Phú Nhuận không đáp ứng được thị trường nên người trồng chè chuyển đổi cây trồng.
Còn tại thị trấn Nông trường Phong Hải, năm 2015, toàn thị trấn có hơn 120 ha chè, đến nay chỉ còn khoảng 60 ha cây chè. Nguyên nhân vùng trồng chè giảm mạnh cũng được xác định do giá bán chè búp tươi giảm thấp và bấp bênh, cùng với đó giá phân bón tăng cao, đặc biệt là địa phương đang thiếu nguồn nhân lực lao động cho thu hái chè nên người trồng chè đã chuyển đổi cây trồng khác.
Bài cuối:Cần giải pháp xóa bỏ nghịch lý