Đuổi theo giặc lửa
4 giờ sáng 20/2, chúng tôi theo chân một cánh quân chữa cháy rừng do thiếu tá Vàng A Hồ, Ban chỉ huy Quân sự thị xã Sa Pa chỉ huy tiến về tâm điểm cháy. Tham gia mũi chữa cháy này là hơn 20 dân quân phường Cầu Mây.
Từ Trung tâm chỉ huy, cả đoàn di chuyển bằng xe máy mất gần một tiếng đồng hồ trên tuyến đường lổn nhổn đất đá đến thác Séo Mý Tỷ, sau đó tiếp tục đi bộ ngược núi.
Rừng núi Séo Mý Tỷ đang vào mùa đẹp nhất trong năm, hoa đào, hoa sơn tra nở thắm dọc đường đi nhưng chỉ đi cách chúng tôi 1 tiếng đi bộ là rừng cây xơ xác bị lửa thiêu rụi. Thiếu tá Vàng A Hồ cho biết khu vực này là một trong những điểm phát sinh đám cháy và chỉ trong chiều và tối 19/2 đã biến cả vùng núi xanh mướt với thảm thực vật này thành một màu xám xịt.
Chúng tôi tiếp tục ngược núi đi vào sâu trong khu vực gần vùng lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên thì sự tàn phá của giặc lửa càng ghê gớm hơn. Cánh rừng đúng vào luồng gió thổi bị ngọn lửa không thương tiếc đốt sạch từng ngọn cỏ, gốc cây, ngay cả những phiến đã đứng lên nghênh gió cũng bị nung cháy khô khốc, vỡ vụn.
Dòng suối Séo Mý Tỷ len lỏi giữa cánh rừng mùa khô không đủ trở thành đường băng cản lửa khi cơn gió ào ào dễ dàng bốc những tàn tro ném xa cả trăm mét. Những cánh rừng loang lổ phía trước đã nói lên tất cả.
Anh cán bộ kiểm lâm dẫn đường cho biết khu vực này hầu hết là cây tái sinh, cây guột (cỏ tế) đã khô nên khi có mối lửa thì bốc cháy rất nhanh, mấy ngày nay lại có thêm gió khô nóng thổi thì chẳng khác nào bão lửa.
Đi qua những cánh rừng trơ trọi chúng tôi theo con dốc xuống thung lũng để tìm đường vượt suối lên điểm cao nơi ngọn lửa đang bốc lên ngùn ngụt chực chờ tiến vào nuốt những cây cổ thụ trong rừng già.
Thắng giặc lửa trên đỉnh Séo Mý Tỷ
Không một phút chần chừ, ngay khi tiếp cận được điểm cháy, thiếu tá Vàng A Hồ cùng lực lượng dân quân khẩn trương phát đường băng cản lửa, chặt những cành cây to lao vào quật những gốc cây vừa mới bén lửa. Mọi thứ được kiểm soát quá dễ dàng khiến chúng tôi nhận thấy có gì đó không ổn. Bất ngờ gió mạnh nổi liên hồi và liên tục đảo chiều khiến ngọn lửa khó kiểm soát, một loạt tiếng nổ lớn vang lên khi ngọn lửa nóng phủ lên một búi trúc, khói đen nghi ngút xòa xuống khiến ai nấy mắt cay xè, ho sặc sụa.
Nhận thấy tình hình vượt khỏi dự tính, thiếu tá Vàng A Hồ lệnh cho cả đội rút xuống vị trí thấp hơn để đảm bảo an toàn. Chúng tôi vừa trượt xuống dốc thì một đợt gió tiếp theo ập đến nhấc cả tảng lửa ập vào nơi trước đó cả đoàn vừa nấp tránh khói và chỉ phút chốc nó đã nuốt gọn tất cả, thật là hú vía.
Thiếu tá Hồ kiểm tra lại quân số thì thiếu 4 đồng chí, trong đó cả Chỉ huy trưởng Quân sự phường Cầu Mây. Sử dụng các thiết bị liên lạc cũng không thấy trả lời, bây giờ quay lên cũng không còn đường. Tim đập thình thịch, ai cũng hồi hộp, lo lắng, 15 phút trôi qua dài dằng dặc, khi cơn bão lửa tạm thời lắng xuống, anh Má A Chơ, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự phường Cầu Mây đã trở đội hình. Thì ra lửa ập vào trong khi chúng tôi tụt xuống vị trí thấp hơn thì anh dạt sườn bên cạnh để tránh luồng gió vừa để trinh sát hiện trạng điểm cháy này báo cáo về Trung tâm chỉ huy.
Anh Chơ cho biết khi nghe tin có cháy rừng tại xã Tả Van, lực lượng dân quân xã đã được lệnh sẵn sàng tinh thần tham gia ứng cứu, đến tối 19/2 khi nhận được lệnh của Ban chỉ huy Quân sự thị xã Sa Pa, toàn bộ chiến sĩ dân quân được huy động đã chuẩn bị xong quân tư trang chỉ chờ rạng sáng là lên đường.
Thào A Pao, chiến sĩ trẻ lần đầu tiên trong đời tham gia chữa cháy không khỏi lo lắng khi phát đường băng mà ngọn lửa chỉ chực nuốt chửng cả tổ đội dân quân nhưng nghĩ về những chiến sĩ dân quân xã bạn cả đêm qua hành quân cứu rừng ngủ lại trên các điểm cao, Pao tự hạ quyết tâm cho mình phải góp sức sớm thắng giặc lửa để về nhà.
Chiều 20/2, tiết trời dịu mát, gió cũng tạm lắng, những đốm lửa trên đỉnh Séo Mý Tý nhỏ dần rồi tắt lịm chỉ còn một vài cột khói bốc lên từ những gốc cây rừng cháy âm ỉ. Thiếu tá Vàng A Hồ cùng tổ đội dân quân lại hành quân ngược núi lấy nước đổ vào từng gốc cây, xử lý tàn lửa. "A lô, báo cáo Tham mưu trưởng, điểm cháy tại Séo Mý Tỷ đã được khống chế, không để lửa lan vào rừng già, chúng tôi sẽ cử một bộ phận ứng trực và di chuyển quân sang điểm cháy khác. Báo cáo hết" - giọng thiếu tá Hồ sang sảng giữa rừng Hoàng Liên, trên điểm cao 1.900m.
Tại Trung tâm chỉ huy chữa cháy, các đồng chí thành viên cũng thở phào khi các mũi, hướng chữa cháy liên tục báo về nhiều điểm cháy đã được khống chế.
Nghẹt thở cứu rừng Dền Thàng
Cuối giờ chiều 19/2, xuất phát từ một điểm cháy đã bùng phát thành 3 điểm thuộc Tiểu khu 286 và 292a gồm: Điểm cháy đầu tiên khu vực Nà Háng hướng khu dân cư Séo Mý Tỷ; điểm cháy khu vực Nà Háng hướng đi thôn Dền Thàng; điểm cháy khu vực Nà Háng giáp thôn Hàng và thôn San 1 thuộc xã Hoàng Liên.
Đến sáng 21/2, các điểm cháy đã cơ bản được khống chế. Tuy vậy với sự phức tạp của thời tiết lãnh đạo Trung tâm chỉ huy chữa cháy vẫn quyết định giữ các lực lượng cắm chốt trên núi đề phòng bất trắc.
Đúng như dự đoán, đầu giờ chiều, một điểm cháy mới phát sinh tại thôn Dền Thàng. Ngay lập tức các lực lượng được cơ động từ vị trí các điểm cháy đã được kiểm soát, khống chế sang điểm cháy mới.
Điểm cháy mới phát sinh ở vị trí không quá phức tạp nhưng lại đúng vào thời điểm khi một số lực lượng đã bắt đầu rục rịch rút quân, các lực lượng cũng đã thấm mệt sau khi dồn sức cứu rừng hai ngày qua. Nếu không sớm dập tắt đám cháy phát sinh này không chỉ ảnh hưởng đến thành quả chữa cháy những ngày qua mà còn bào mòn sức lực của các lực lượng chữa cháy.
Bóng tối bao trùm, ngọn lửa đỏ rực trên đỉnh núi, không khí căng thẳng tại Trung tâm chỉ huy, một cuộc họp khẩn được tổ chức ngay trong đêm và thống nhất huy động thêm lực lượng hành quân thần tốc tiếp cận, xử lý các điểm cháy. Có những người vừa xuống núi chỉ kịp chợp mắt chưa đầy một tiếng đồng hồ lại tiếp tục lên đường.
Rạng sáng 22/2, khoảng 600 người thuộc các lực lượng đã được huy động tiếp cận điểm cháy, xiết chặt vòng vây, giành giật từng gốc cây với giặc lửa. Từ Tổ chỉ huy tiền phương, đại tá Nguyễn Văn Đô, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh liên tục điện đàm thúc giục, động viên các mũi tiến công. Với sự ủng hộ của thời tiết cùng nỗ lực của các lực lượng đến 8 giờ sáng, điểm cháy phát sinh nay đã được dập tắt hoàn toàn.
Giữ lại màu xanh
Đây không phải là lần đầu tiên khu vực rừng thuộc thôn Séo Mý Tỷ, Dền Thàng xảy ra cháy bởi vậy có những người đã tham gia chữa cháy vài lần. Trong số các lực lượng tham gia cứu rừng thì các đội dân quân, tổ bảo vệ rừng và người dân địa phương là lực lượng chủ lực bởi họ là những người có sức khỏe lại thông thuộc địa hình, có nhiều kinh nghiệm chữa cháy rừng.
Suốt những ngày qua, ông Giàng A Xoá, thôn Séo Mý Tỷ tham gia dẫn đường cho lực lượng dân quân cứu rừng. Ông xoá sinh ra và lớn lên ở Séo Mý Tỷ, dòng suối, cánh rừng nơi đây đã chở che cho bao thế hệ người Mông, sản vật dưới tán rừng là sinh kế bền vững của hàng trăm hộ dân bởi vậy chăm sóc, bảo vệ rừng như là lẽ sống của ông Xoá và đồng bào mình. Ngay ngày đầu bùng phát cháy rừng, ngọn lửa tàn ác đã thiêu rụi cả nương thảo quả của gia đình, đau xót lắm ấy vậy nhưng từ hôm đó đến nay, ông tham gia phát đường băng ngăn giặc lửa cùng dân quân vẫn chưa kịp quay lại kiểm tra nương thảo quả của mình.
Trở về với khuôn mặt sạm đen vì khói than, anh Sùng A Giống, thôn Lèng Hồ 2, xã Hoàng Liên cho biết ngay ngày đầu được huy động, từ 3 giờ sáng anh và các chiến sĩ dân quân xã Hoàng Liên đã hành quân lên núi cứu rừng. Núi cao, vực sâu, khó khăn không thể kể hết nhưng những cánh rừng xanh trước mặt như thôi thúc mọi người tiến về phía trước dập lửa.
16 giờ, chiều 22/2, sau khi các điểm cháy được dập tắt hoàn toàn, được lệnh của Trung tâm chỉ huy, các lực lượng bắt đầu rục rịch xuống núi.
Suốt 3 ngày qua, anh Lý A Sẩu, Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng thôn La Ve, xã Bản Hồ và các thành viên trong tổ của mình đã di chuyển hàng chục cây số trên núi từ điểm cháy này sang điểm cháy khác. Đêm tối họ cũng ngủ lại rừng, tổ đội của anh là vị trí tiền tiêu phát hiện và xử lý đám cháy phát sinh đầu tiên và kịp thời báo cáo về Tổ chỉ huy tiền phương để kịp thời huy động, tổ chức lực lượng.
Chủ tịch UBND xã Tả Van Lê Mạnh Hào cho biết trong cuộc chiến giành giật với giặc lửa, cứu rừng Hoàng Liên, toàn bộ các hộ dân trong thôn Dền Thàng, Séo Mý Tỷ đã tham gia chữa cháy, ngoài ra 5 tổ đội bảo vệ rừng và lực lượng dân quân xã cũng là lực lượng tuyến đầu.
Chưa thấy ở đâu có sự chỉ đạo thống nhất, đồng lòng, quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền địa phương đến sự chung sức của người dân như Lào Cai.
Theo báo cáo của UBND thị xã Sa Pa, từ ngày 19/2 - 22/2, thị xã phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Vườn Quốc gia Hoàng Liên, các sở, ngành khác và các cơ quan liên quan, các xã, phường và Nhân dân địa bàn đã huy động với gần 3.000 lượt người tham gia chữa cháy tại xã Tả Van. Riêng ngày 22/2 huy động tham gia chữa cháy khoảng 860 người (trong đó lượng trực tiếp tham gia chữa cháy trực tiếp trên 600 người).
Ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục phó Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và PTNT) chia sẻ: Trong nhiều vụ cháy rừng xảy ra ở các địa phương cả nước chưa thấy ở đâu có sự chỉ đạo thống nhất, đồng lòng, quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền địa phương đến sự chung sức của người dân như Lào Cai.
Ông Nguyễn Hữu Thiện cũng nhấn mạnh trong nhiều bài học kinh nghiệm đảm bảo cho công tác chữa cháy rừng hiệu quả thì sự huy động lực lượng tại chỗ đặc biệt là sự tham gia, đồng lòng của người dân địa phương là điểm mấu chốt.
Đến 17 giờ, ngày 22/2, theo thống kê sơ bộ các điểm cháy thuộc thôn Séo Mý Tỷ và thôn Dền Thàng, xã Tả Van có diện tích cháy khoảng 35ha (trong đó 4ha rừng trồng thay thế; còn lại 31ha chủ yếu là rừng không có trữ lượng, rừng nghèo, cỏ tranh, lau lách và thảm thực bì).