Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng các kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh triển khai, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình hành động, định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ theo Đề án 06 ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy về đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 - 2025.
Từ năm 2020 - 2022, toàn tỉnh đã thực hiện 100 đề tài, dự án (78 đề tài nghiên cứu khoa học; 16 dự án thuộc chính sách khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; 6 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi do Trung ương ủy quyền cho địa phương quản lý).
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Nhiều đề tài, dự án được áp dụng vào sản xuất tạo ra sản phẩm mới có năng suất, chất lượng cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Những tiến bộ khoa học và công nghệ cơ bản áp dụng nhiều trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học mang tính đột phá về sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Đơn cử như đối với cây lúa, đã lai tạo được 4 giống lúa mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, gồm 3 giống lúa lai (LC25, LC212, LC270) và 1 giống lúa thuần Tân Thịnh 15.
Giống lúa LC25 đã và đang được gieo cấy nhiều tại các tỉnh, thành phố miền Bắc, khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Các giống lúa lai LC212, LC270 được nông dân Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định ưa chuộng, lựa chọn để gieo trồng do đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với thâm canh tăng vụ. Còn đối với giống lúa thuần Tân Thịnh 15, mặc dù mới đưa vào sản xuất nhưng đã chứng minh được khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh và đặc biệt chất lượng gạo ngon, đã được nhân rộng với quy mô 15 ha tại các huyện Văn Bàn, Bảo Thắng, Bát Xát.
Đối với cây dược liệu, thông qua các dự án nghiên cứu khoa học đã góp phần chủ động nguồn giống, đảm bảo mục tiêu phát triển cây dược liệu theo Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hoá tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại nhiều địa phương vùng cao đã hình thành vùng trồng cây dược liệu theo chuỗi giá trị và từng bước hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng gắn với bảo quản, sơ chế, chế biến, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý. Nổi bật là đề tài nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất giống và trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế (đương quy, đan sâm, cát cánh) theo hướng tiêu chuẩn GACP-WHO, triển khai tại huyện Bắc Hà, giúp địa phương chủ động được 100% giống cây cát cánh, 80% giống cây đương quy.
Không chỉ trong nông nghiệp, nhiều lĩnh vực khác cũng đạt nhiều thành tựu nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ.
Đối với giáo dục và đào tạo, đã triển khai nhiều công trình khoa học đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực và đề xuất các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng cho các trường chuyên nghiệp; xây dựng tài liệu bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên tiểu học, tài liệu hướng dẫn hướng nghiệp phân luồng cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông; tài liệu giáo dục kỹ năng sống an toàn cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học.
Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, nhiều công trình có tính phản biện khoa học đối với các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án, từ đó tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế.
Trong lĩnh vực y tế, đã ứng dụng hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ vào điều trị bệnh tại hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện. Đặc biệt, nâng cao chất lượng khám - chữa bệnh, như ứng dụng phẫu thuật thay khớp háng bằng vật liệu nhân tạo; kỹ thuật sinh học phân tử trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm trùng hô hấp; ứng dụng giải pháp nâng cao năng lực cấp cứu giảm thiểu tử vong trẻ sơ sinh...
Tuy nhiên, việc ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng tiến bộ khoa học và công nghệ vẫn còn một số hạn chế. Các đề tài khoa học có quy mô nhỏ, chỉ giải quyết những vấn đề đơn lẻ, phục vụ chủ yếu cho một ngành, một cơ sở. Việc tiếp cận thông tin, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ còn hạn chế, nhất là đối với các gia đình ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích huy động nguồn nhân lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học trong, ngoài tỉnh tham gia đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển sản xuất chưa đủ mạnh…
Một số đề tài, dự án sau nghiệm thu được đưa vào ứng dụng chỉ 1 hoặc 2 năm đầu, sau đó không duy trì hoặc không mở rộng ứng dụng. Một số địa phương chưa quan tâm nhiều đến việc phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; việc bố trí nguồn tài chính đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế.
Để giải quyết các vấn đề đặt ra, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ triển khai nhiều giải pháp, trong đó thực hiện triệt để cơ chế đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với địa chỉ ứng dụng thực tế; nâng cao vai trò của địa phương, cơ sở trong việc phối hợp với sở và các ngành để lựa chọn và nhân rộng kết quả các đề tài, dự án mang tính khả thi.
Cùng với đó, khuyến khích các tổ chức và cá nhân tự đầu tư kinh phí nhân rộng các kết quả nghiên cứu đã thành công vào sản xuất tại doanh nghiệp và hộ gia đình, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.