Chúng tôi chủ động liên hệ lấy đầy đủ thông tin về chế độ, quyền lợi của người lao động, sau đó đăng tải lên facebook, zalo để kết nối người lao động với đơn vị tuyển dụng
Fanpage Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh được khởi tạo từ tháng 1/2016, đến nay đã thu hút gần 7.000 lượt người theo dõi và hơn 5.000 lượt thích trên nền tảng facebook. Nắm được nhu cầu sử dụng facebook ngày càng cao của người dân, trung tâm đã đẩy mạnh hoạt động giới thiệu, tư vấn việc làm, tư vấn pháp luật lao động, xuất khẩu lao động và các chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên fanpage. Liên tục mỗi ngày, trung tâm cử cán bộ phụ trách fanpage thường xuyên đăng tải, cập nhật các nội dung liên quan đến việc làm trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Bên cạnh thông tin do người sử dụng lao động gửi đến, Trung tâm rất cẩn trọng khi khai thác, nắm nhu cầu tuyển dụng mà các tổ chức, cá nhân đăng tải
Là cầu nối cung - cầu lao động của người dân trên địa bàn tỉnh, trung tâm đã triển khai quản trị số hóa lao động trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu cơ bản về tình hình lao động, việc làm, người tìm việc - việc tìm người trên phần mềm ứng dụng, quản lý, dự báo thông tin thị trường lao động do trung tâm quản lý (tại địa chỉ https://login.laocai.gov.vn) và Cổng thông tin điện tử việc làm Việt Nam (tại địa chỉ http://csdl.vieclamvietnam.gov...). Hiện nay, trung tâm đang thu thập dữ liệu về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu việc làm của người lao động để phục vụ phần mềm dự báo thông tin thị trường lao động do trung tâm quản lý và tiến tới sẽ hòa vào phần mềm cung - cầu lao động của Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).
Trong 6 tháng đầu năm 2023, trung tâm đã tổ chức tuyên truyền, tư vấn chính sách lao động, việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động, bảo hiểm thất nghiệp… cho hơn 12.300 lao động; giới thiệu việc làm mới cho 744 lao động.
Để công tác tư vấn, giới thiệu việc làm đạt hiệu quả, trung tâm đã tận dụng triệt để các hình thức giao dịch việc làm trên môi trường điện tử, như cổng thông tin điện tử, facebook và zalo. Đối với hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, trung tâm nhận qua bưu điện, hộp thư điện tử. Ngoài ra, trung tâm tăng cường tổ chức và tham gia các phiên giao dịch việc làm trực tuyến. Từ năm 2021 đến nay, bình quân mỗi năm trung tâm tổ chức 6 phiên giao dịch việc làm online thông qua ứng dụng zalo, skype, zoom meeting. Với hình thức tổ chức trực tuyến, quy mô các sàn giao dịch, thị trường lao động được mở rộng hơn so với hình thức trực tiếp, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người lao động và doanh nghiệp.
Xác định xu thế tất yếu trong chuyển đổi số, trung tâm chú trọng nâng cao trình độ cho cán bộ; khai thác những tiện ích công nghệ mang lại để nâng cao hiệu quả hoạt động. Từ năm 2020 đến tháng 6/2023, trung tâm đã tương tác, tư vấn giới thiệu việc làm cho gần 6.000 lượt người qua các nền tảng số; giúp hơn 2.000 lao động trên địa bàn tỉnh có việc làm mới từ hình thức tư vấn này. Nhiều lao động đã có việc làm mới với thu nhập ổn định từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Ông Trương Hồng Trường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh cho biết: Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tư vấn, giới thiệu việc làm giúp triển khai các văn bản liên quan đến công tác lao động, việc làm được nhanh chóng, kịp thời; tư vấn cho người lao động, giới thiệu việc làm, kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp sẽ thuận lợi, nhanh chóng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cần nhanh chóng sửa đổi Luật Việc làm, quy định việc tư vấn, kết nối việc làm online, trên các nền tảng mạng xã hội để tạo điều kiện cho hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm hoạt động hiệu quả, tiến tới tự chủ theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.