Trên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ của Sa Pa, nơi đất trời giao thoa trong mây mờ, những cây chè Shan tuyết cổ thụ vài trăm năm tuổi lặng lẽ vươn cao. Chính tại nơi này, ông Nguyễn Cao Sơn, nghệ nhân văn hóa ẩm thực trà Việt Nam chia sẻ hành trình đầy tâm huyết để đưa trà Shan tuyết Hoàng Liên Sơn từ vùng núi cao ra thế giới.
Chạm duyên cùng trà cổ
“Tôi nhớ là một ngày nắng đẹp năm 2017, trong chuyến đi khảo sát cùng lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Hoàng Liên, tôi tình cờ đứng giữa rừng chè cổ thụ mọc tự nhiên trên độ cao gần 1.000 mét. Những cây chè Shan tuyết ở đây không giống bất kỳ giống chè nào tôi từng gặp. Chúng sừng sững, mạnh mẽ với khối rễ dày, cứng cáp cắm sâu vào đá, lá xanh thẫm phủ lớp lông mịn màng như sương tuyết. Khi quả già rụng xuống, chúng tôi mới nhận ra đó là cây chè. Quả thật, tôi như thấy mình quá nhỏ bé trong dòng chảy miên viễn của thiên nhiên” - nghệ nhân văn hóa ẩm thực trà Nguyễn Cao Sơn kể lại.
Ở vùng này, người dân địa phương thường hái lá chè để pha nước uống hoặc nhai tươi, giúp giải khát trong mỗi chuyến đi rừng vất vả. Ông Sơn bắt đầu những thử nghiệm đầu tiên, hướng dẫn người dân từ cách hái lá, sao chè, ướp trà. Đó cũng là hành trình tìm hiểu, lắng nghe và được nghiên cứu, ghi chép lại tỉ mỉ về: độ cao, khí hậu, cách thức, thời gian thu hoạch, sản lượng, chế biến... Mỗi búp tôm đều được ông xử lý cẩn thận, kỹ lưỡng. Ông chia sẻ: "Có những đêm, tôi thức trắng bên chảo sao chè, bàn tay lấm lem khói bếp, để rồi vỡ òa khi cảm nhận hương trà dậy lên, thuần khiết và sâu lắng như tiếng nhạc của gió ngàn".
Khi thưởng thức trà Shan tuyết, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt dịu nơi đầu lưỡi, hương thơm mát như cỏ non sau mưa và dư vị sâu lắng, đọng lại như sương sớm trên lá. Đó là sự giao hòa của đất trời, là tinh hoa của những ngày nắng mưa đan xen trên đỉnh Hoàng Liên Sơn.
Thu hoạch chè Shan tuyết Hoàng Liên Sơn không phải là công việc đơn giản. Từ năm 2022, ông Sơn bắt đầu thử nghiệm thu hái, mỗi vụ chỉ thu được khoảng 20 kg búp tươi, chế biến ra gần 3 kg trà khô. Quy trình được thực hiện thủ công, không xâm hại cây chè, giữ nguyên tinh hoa tự nhiên của từng búp chè. Từ gần chục kg trà khô gom được, nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn cho ra đời các sản phẩm như: Nụ trà “Rồng móng đỏ”, Bạch trà, được làm từ mắt chè và tôm búp đầu tiên của cây chè, mang màu sắc và hương vị độc đáo. Đặc biệt, các sản phẩm này đều được chế biến thủ công, sao chảo tỉ mỉ để giữ trọn hương vị tự nhiên, đậm đà của núi rừng Hoàng Liên Sơn. Sau 2 năm thử nghiệm, tháng 10/2024, nghệ nhân văn hóa ẩm thực trà Nguyễn Cao Sơn tự tin mang 3 sản phẩm trà Shan tuyết Hoàng Liên Sơn tham dự Cuộc thi trà quốc tế tại Paris do Tổ chức nâng cao chất lượng nông sản châu Âu (AVPA) tổ chức. Cả 3 sản phẩm: Trà rồng đỏ Hoàng Liên Sơn (trà vàng), Trà ký ức Hoàng Liên Sơn (trà lên men sống), Trà thác nước Hoàng Liên Sơn (trà lên men sống) đều xuất sắc đoạt giải, gồm 2 giải Đồng và 1 giải Ấn tượng, mở ra cơ hội hợp tác cho cây chè Hoàng Liên Sơn với các doanh nghiệp lớn tại châu Âu.
Trước khi đến với cây chè cổ thụ Hoàng Liên Sơn, nghệ nhân văn hóa ẩm thực trà Nguyễn Cao Sơn đã thành công tạo ra sản phẩm tinh túy mang thương hiệu Cao Sơn trà từ những vùng trà Shan tuyết cổ thụ ở những địa phương khác của vùng Tây Bắc. Từ Cuộc thi trà quốc tế AVPA Paris đầu tiên năm 2018, đến nay, sản phẩm của Cao Sơn Trà Việt Nam đã đoạt được 21 giải thưởng do Hội đồng giám khảo là các chuyên gia trà quốc tế thẩm định và bình chọn.
Cơ hội vươn xa
Những ngày cuối năm, nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn lặng lẽ tất bật với những tiệc trà nghi lễ Quốc gia đón tiếp đoàn khách cấp cao. Ông không chỉ chuẩn bị trà, mà còn chắt lọc từng khoảnh khắc của cuộc gặp gỡ, để mỗi tách trà đều chứa đựng tinh thần của dân tộc. Bằng sự tinh tế và khéo léo của một nghệ nhân ẩm thực, tách trà nóng ấm áp mang hương vị đậm đà bản sắc dân tộc là thông điệp giản dị nhưng sâu sắc về sự tôn trọng và lòng hiếu khách của người Việt, thể hiện qua những giọt trà ngọt ngào, chắt chiu tình cảm trong mỗi buổi lễ trọng đại, nối dài những nhịp cầu kết nối giữa các quốc gia.
Giấc mơ của nghệ nhân văn hóa ẩm thực trà Nguyễn Cao Sơn không dừng lại ở những ly trà thơm ngon, bổ dưỡng. Ông muốn xây dựng một cộng đồng gắn bó với cây chè cổ thụ, từ người dân Tây Bắc đến những người yêu trà khắp thế giới, không chỉ bảo tồn, mà còn phát triển bền vững.
Ông Sơn luôn tin rằng Sa Pa là nơi đất lành để gieo mầm cho giấc mơ của mình. Nơi đây, không chỉ có thiên nhiên thơ mộng và hùng vĩ, mà còn là điểm dừng chân của những người tinh tế, hiểu và trân trọng giá trị của thiên nhiên với hàng triệu du khách quốc tế mỗi năm. Không chỉ nổi bật bởi cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng và khí hậu trong lành, Sa Pa còn là nơi du khách tìm đến để tận hưởng sự chăm sóc sức khỏe toàn diện. Khách hàng tại đây đa phần là những người có tư duy hiện đại và chú trọng đến sức khỏe. Họ tìm kiếm sản phẩm tự nhiên, an toàn và mang tính bản địa cao. Đây chính là cơ hội lớn để quảng bá sản phẩm trà Shan tuyết Hoàng Liên Sơn, biến Sa Pa không chỉ là điểm đến du lịch mà còn là nơi lan tỏa văn hóa trà Việt. Tại những phòng trà ở Sa Pa, Hà Nội và cả ở Pháp đang mở cửa, những tách trà thơm ngon đang kể với du khách về cây chè Shan tuyết cổ thụ, về văn hóa và con người vùng núi Hoàng Liên Sơn hùng vỹ.
Không dừng lại ở việc sản xuất và kinh doanh, ông Nguyễn Cao Sơn đặt mục tiêu bảo tồn và nhân rộng giống chè Shan tuyết cổ thụ núi Hoàng Liên. Những quả chè già được thu nhặt để nhân giống, mở rộng vùng nguyên liệu. Đồng thời, ông kết hợp với các hợp tác xã địa phương, đào tạo kỹ thuật thu hái và chế biến cho bà con, giúp họ nâng cao thu nhập và ổn định sinh kế. Trong tương lai, ông Sơn dự định kết nối với các vùng chè đặc sản như Tây Côn Lĩnh (Hà Giang), Mộc Châu (Sơn La), Suối Giàng (Yên Bái) để xây dựng chuỗi giá trị bền vững đưa chè Shan tuyết của Sa Pa - Lào Cai nói riêng và chè Shan tuyết của Việt Nam nói chung, trở thành biểu tượng văn hóa, kinh tế trên thị trường quốc tế.