Nhân dịp Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam và Trung Quốc tổ chức Giao lưu hữu nghị quốc phòng lần thứ 8 tại Lào Cai từ ngày 11 - 12/4/2024 thành công tốt đẹp, Báo Lào Cai đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Trung tỉnh Lào Cai về tăng cường giao lưu hợp tác hữu nghị thời gian gần đây để làm rõ hơn mối quan hệ ngoại giao giữa tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
* Phóng viên:Xin đồng chí giới thiệu sơ lược về đặc điểm, truyền thống, lợi thế của Lào Cai trong giao lưu hợp tác với Trung Quốc?
* Đồng chí Dương Đức Huy: Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới nằm ở phía Tây Bắc của Việt Nam với diện tích tự nhiên 6.383,89 km2, tiếp giáp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Với vị trí địa chính trị quan trọng, Lào Cai là tỉnh nằm trên trục giao thông huyết mạch, gồm cả đường bộ, đường sắt, đường sông và trong tương lai gần có đường hàng không; đặc biệt là tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai (Việt Nam) nối với Vân Nam (Trung Quốc) và tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Vì vậy, Lào Cai trở thành cầu nối, thúc đẩy sự phát triển, giao lưu trên các lĩnh vực giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á với vùng Tây Nam của Trung Quốc. Hiện tại, Lào Cai đã và đang trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa ở vùng thượng lưu sông Hồng.
Thiên nhiên đã ban tặng cho Lào Cai điều kiện tự nhiên phong phú, địa hình đa dạng, nguồn tài nguyên dồi dào, là tiềm năng to lớn để phát triển nông nghiệp với nhiều loại rau, hoa, quả và dược liệu có giá trị (như tam thất, đẳng sâm, đương quy, đỗ trọng, xuyên khung, nấm linh chi…). Lào Cai có cảnh quan thiên nhiên đẹp, tiêu biểu như dãy Hoàng Liên Sơn với đỉnh Phan Si Păng (nóc nhà Đông Dương) gắn với Khu Du lịch quốc gia Sa Pa cùng nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, tạo nên nhiều loại hình du lịch gắn với các địa danh như Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên, Mường Khương, Si Ma Cai… Nguồn tài nguyên khoáng sản như mỏ apatit, mỏ sắt Quý Xa, mỏ đồng Sin Quyền, mỏ graphít Nậm Thi và nhiều tài nguyên khoáng sản quý, hiếm đã tạo đà cho nền công nghiệp khai thác và chế biến.
Lào Cai có bề dày lịch sử, nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc của dân tộc, cách đây gần 20.000 năm đã là nơi cư trú tập trung của nhiều nhóm, ngành dân tộc khác nhau, tiêu biểu như người Tày, Nùng, Dao, Mông, Giáy, Kinh, Mường… Các phong tục, tập quán, các nền văn hóa của các dân tộc với bản sắc khác nhau hội tụ tại vùng đất này tạo nên những đặc sắc về văn hóa, xã hội của Lào Cai.
Trong công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước, đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo được phát huy, tạo nên sức mạnh tổng hợp; cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, là lợi thế so sánh để Lào Cai phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.
Xuất phát từ vai trò, vị trí địa chính trị của tỉnh, Lào Cai đã 2 lần được lãnh đạo cấp cao hai nước tin tưởng lựa chọn tổ chức chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc (lần thứ 2 năm 2015 và lần thứ 8 diễn ra trong 2 ngày 11 và 12/4/2024). Đây là hoạt động chính trị quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Với truyền thống hợp tác hữu nghị cùng với vị trí địa lý, tiềm năng lợi thế của hai tỉnh Lào Cai và Vân Nam sẽ bổ sung, hỗ trợ nhau trong quá trình giao lưu, hợp tác cùng phát triển.
* Phóng viên:Các hoạt động hợp tác hữu nghị giữa Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) trong thời gian gần đây đạt nhiều kết quả quan trọng. Đồng chí có thể nêu một số ví dụ để thấy hiệu quả của những hoạt động này?
* Đồng chí Dương Đức Huy: Trong những năm qua, với sự nỗ lực chung của cả hai bên, xu hướng phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai tỉnh không ngừng phát triển theo hướng toàn diện và thu được những kết quả tích cực, đó là:
Thứ nhất, về giao lưu hữu nghị: Hai bên thường xuyên duy trì trao đổi đoàn các cấp, các ngành sang giao lưu nhằm tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị, trong đó có các đoàn của lãnh đạo hai tỉnh thường xuyên thăm hỏi lẫn nhau. Năm 2015 và năm 2017, lãnh đạo cao nhất của hai tỉnh đã triển khai ký kết các thỏa thuận triển khai giao lưu hữu nghị, thúc đẩy và mở rộng hợp tác hữu nghị giữa hai bên. Đặc biệt, cuối năm 2023, Đoàn công tác của tỉnh Lào Cai do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu đã có các cuộc hội đàm, trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam và một số địa phương thuộc tỉnh Vân Nam. Đến nay, đã có 6 cặp huyện, thị xã, thành phố của hai tỉnh ký kết thỏa thuận thiết lập quan hệ huyện/thành phố hữu nghị; 6 cặp thôn, bản hai bên biên giới và 10 đồn biên phòng của tỉnh Lào Cai với 19 đơn vị biên phòng của tỉnh Vân Nam tổ chức kết nghĩa hữu nghị. 2 năm qua, vào dịp đầu năm, hai bên đã phối hợp tổ chức Chương trình Liên hoan chào Xuân qua biên giới và Liên hoan Nhân dân biên giới Việt ‑ Trung lần lượt tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và tỉnh Lào Cai (Việt Nam).
Thứ hai, hợp tác về thương mại, đầu tư: Hằng năm, hai bên luân phiên tổ chức Hội chợ thương mại biên giới Việt - Trung tại thành phố Lào Cai và huyện Hà Khẩu để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm hàng hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương nhân hai bên gặp gỡ, trao đổi và ký kết hợp đồng. Năm 2022, mặc dù bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất - nhập khẩu qua cửa khẩu hai bên vẫn đạt gần 2,3 tỷ USD; năm 2023 đạt hơn 2,1 tỷ USD. Trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có 11 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vốn đầu tư từ Trung Quốc, trong đó có 5 dự án đến từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với tổng vốn đầu tư 377 triệu USD. Trung Quốc đang là một trong những quốc gia đầu tư FDI lớn nhất tại tỉnh Lào Cai.
Thứ ba, hợp tác về du lịch: Việc phối hợp đẩy mạnh kết nối, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, mô hình hợp tác du lịch “hai quốc gia một điểm đến” của hai bên đã có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao chất lượng, số lượng các tour du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Hầu hết các tuyến điểm du lịch tại Vân Nam (Trung Quốc) và các tuyến điểm du lịch tại Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) đã được khai thác tốt. Thống kê năm 2023, tổng lượng khách đến Lào Cai đạt hơn 7,2 triệu lượt, trong đó khách du lịch có quốc tịch Trung Quốc nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai khoảng gần 300 nghìn lượt (chiếm khoảng 54% trong tổng lượng khách quốc tế đến với Lào Cai). Khách Việt Nam sang Trung quốc đạt trên 748 nghìn lượt. Quý I/2024, tổng lượng khách đến Lào Cai đạt trên 2,3 triệu lượt, khách du lịch có quốc tịch Trung Quốc nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai hơn 120.000 lượt (chiếm khoảng 46,9% trong tổng lượng khách quốc tế đến với Lào Cai), khách Việt Nam sang Trung Quốc là 416.000 lượt. Hai bên cũng thường xuyên tổ chức quảng bá xúc tiến du lịch thông qua Hội chợ Thương mại quốc tế Việt - Trung, Hội chợ Du lịch quốc tế Côn Minh…; thông qua hợp tác song phương và đa phương để mở thêm tuyến du lịch cho khách Trung Quốc sang Việt Nam và ngược lại.
Thứ tư, giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực văn hóa - xã hội: Hợp tác về lĩnh vực giáo dục đạt nhiều kết quả quan trọng, có nhiều lưu học sinh của tỉnh Lào Cai đang theo học tại các trường đại học, học viện thuộc tỉnh Vân Nam. Các cơ sở giáo dục hai bên cũng không ngừng tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, đẩy mạnh hợp tác, góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa hai địa phương. Giải đua xe đạp “Một đường đua hai quốc gia” tại thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) và huyện Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam) được tổ chức trong những năm gần đây đã thu hút nhiều vận động viên từ các tỉnh, thành phố của cả hai nước tham gia.
Thứ năm, hợp tác về kết nối giao thông: Hai bên đã tích cực trao đổi và thực hiện các thủ tục để triển khai xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bản Vược (Bát Xát, Lào Cai, Việt Nam) - Bá Sái (Hà Khẩu, Vân Nam, Trung Quốc). Ngày 12/12/2023, hai bên chính thức ký kết Hiệp định và Nghị định thư xây dựng cầu. Đây là cơ sở để hai bên cùng phối hợp triển khai các công việc tiếp theo. Hai bên cũng tích cực phối hợp thúc đẩy việc triển khai lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435 mm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và trao đổi, thống nhất phương án kết nối để sớm đầu tư xây dựng trước đoạn đường sắt kết nối từ Ga Lào Cai (Việt Nam) đến Ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc).
Thứ sáu, hợp tác về nông nghiệp: Hai bên đã thiết lập cơ chế phối hợp hành động, cùng kiểm soát cháy rừng qua biên giới; phối hợp ngăn chặn các hành vi chặt phá rừng, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản qua biên giới; tích cực triển khai các hoạt động giao lưu, hợp tác về nông nghiệp theo các thỏa thuận hợp tác đã ký kết, như chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng cây dâu tằm, cây ăn quả, canh tác rau...
Thứ bảy, hợp tác trong công tác quản lý biên giới, cửa khẩu: Các cơ quan quản lý biên giới hai bên đã phối hợp triển khai thực hiện tốt nội dung 3 văn kiện pháp lý về quản lý biên giới được Chính phủ hai nước ký kết. Thường xuyên tổ chức đàm phán song phương để thống nhất việc xây dựng các công trình kè sông, suối biên giới theo phân cấp của Ủy ban Liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Xây dựng mô hình “Cửa khẩu kiểu mẫu” tại cặp Cửa khẩu Quốc tế đường bộ Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc).
Thứ tám, hợp tác trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm: Hai bên thường xuyên trao đổi và tiếp nhận thông tin tội phạm, hợp tác truy bắt các đối tượng tình nghi phạm tội, tội phạm lẩn trốn qua biên giới, kịp thời bàn giao cho nhau xử lý, phục vụ tốt công tác điều tra, phá án, phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới, góp phần đảm bảo trật tự trị an khu vực biên giới.
Thứ chín, hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: Hai bên đã thống nhất những nội dung hợp tác như: Quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước và môi trường sinh thái của các sông, suối biên giới; bảo vệ môi trường khu vực nông thôn biên giới; kiểm soát việc vận chuyển, xuất - nhập khẩu các phế thải, chất thải, chất độc hại qua biên giới…; các huyện, thành phố biên giới của hai bên cũng ký kết chương trình phối hợp về công tác bảo vệ môi trường và bảo vệ đa dạng sinh học.
Thứ mười, hợp tác về quản lý lao động qua biên giới: Hai bên tích cực nghiên cứu và thúc đẩy hợp tác về quản lý lao động qua biên giới, phối hợp thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động qua biên giới, ngăn chặn tình trạng người lao động xuất cảnh trái phép. Theo thỏa thuận giữa hai bên, thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19, tỉnh Lào Cai đã đưa hơn 1.000 lao động sang làm việc tại các doanh nghiệp hoạt động tại huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam.
* Phóng viên:Xin đồng chí cho biết các nhân tố thúc đẩy quan hệ giao lưu, hợp tác giữa Lào Cai nói riêng, các địa phương biên giới phía Bắc Việt Nam nói chung với Trung Quốc trong thời gian tới?
* Đồng chí Dương Đức Huy: Có rất nhiều nhân tố thúc đẩy quan hệ giao lưu, hợp tác hai bên, trong đó phải kể tới các nhân tố sau:
- Nội dung Tuyên bố chung “Về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12 - 13/12/2023, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến hợp tác giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam.
- Kết quả chuyến thăm và làm việc của Đoàn công tác tỉnh Lào Cai (Việt Nam) tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh dẫn đầu với Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam, Vương Ninh (từ ngày 24 đến 27/1/2024). Đặc biệt là nhận thức chung của lãnh đạo hai bên về tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nội dung lãnh đạo hai đảng, hai nhà nước và hai tỉnh đã ký kết từ trước trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, xây dựng kết cấu hạ tầng và kết nối giao thông; tăng cường hoạt động giao lưu hữu nghị giữa hai tỉnh.
- Những thành quả quan trọng trong hợp tác toàn diện giữa hai bên trong những năm qua, cùng với tiềm năng, lợi thế, dư địa trong hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực xuất - nhập khẩu hàng hóa sau khi Việt Nam nâng cấp tuyến đường cao tốc, mở rộng đường sắt khổ tiêu chuẩn, xây dựng cửa khẩu thông minh, cửa khẩu kiểu mẫu Lào Cai - Hà Khẩu...
Những chủ trương thông suốt của hai Đảng, hai Nhà nước cùng với tiềm năng, lợi thế của hai bên sẽ là cơ hội để thúc đẩy quan hệ giao thương hàng hóa, phát triển du lịch, dịch vụ và giao lưu văn hóa, thể thao giữa hai tỉnh.
* Phóng viên:Với vai trò của mình, Hội Hữu nghị Việt - Trung sẽ làm gì để tiếp tục vun đắp, củng cố, làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị hai bên, thưa đồng chí?
* Đồng chí Dương Đức Huy: Việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai tỉnh Lào Cai và Vân Nam trong những năm qua không thể tách rời sự ủng hộ to lớn của lãnh đạo cấp cao hai nước và sự vào cuộc tích cực của Nhân dân hai nước, trong đó Hội Hữu nghị Việt - Trung có vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân hai nước, do đó thời gian tới hội xác định một số nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, bám sát tư tưởng chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác ngoại giao, nhất là của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, trong đó phát huy vai trò của 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân để tăng cường công tác tuyên truyền, tham mưu, tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa, giao lưu nhằm nâng cao sự hiểu biết giữa lãnh đạo cấp cao, các cơ quan chuyên môn và Nhân dân hai tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc), góp phần quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Hai là, quán triệt sâu sắc nhận thức về tầm quan trọng của quan hệ hai Đảng, hai nước và Nhân dân Việt Nam - Trung Quốc, đồng thời nâng cao nhận thức về vai trò và những đóng góp quan trọng của Hội vào tăng cường quan hệ hai Đảng, hai nước, là cầu nối thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, du lịch, văn hóa, Nhân dân... giữa hai tỉnh.
Ba là, Hội tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu - tham mưu chiến lược và thông tin đối ngoại; chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, hội viên, đặc biệt quan tâm xây dựng thế hệ hội viên trẻ...
Bốn là, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động tốt hơn nhằm tiếp tục góp phần tăng cường, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống; thúc đẩy, khẳng định vai trò của đối ngoại nhân dân, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc và hai tỉnh Lào Cai - Vân Nam đi vào thực chất, hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân, doanh nghiệp hai tỉnh và giữ gìn, thúc đẩy mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
* Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!