Có mặt tại thôn Chính Chư Phìn, xã Lùng Thẩn trong buổi truyền thông về bình đẳng giới và các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em, chúng tôi ấn tượng với phương pháp tuyên truyền sáng tạo, hấp dẫn của anh Thào Seo Tếnh, Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng của thôn.
Cầm trên tay tờ rời in những hình ảnh và khẩu hiệu tuyên truyền về bình đẳng giới, anh Tếnh vừa giới thiệu, vừa giải thích cặn kẽ bằng tiếng dân tộc mình. Thi thoảng hội trường thôn lại rộ lên những tiếng cười, hỏi ra thì được biết, với mỗi tình huống trong tờ rời, anh đều lấy ví dụ thực tế từ bản thân và gia đình mình để bà con dễ hiểu hơn. Ví dụ như đàn ông dân tộc Mông ngày trước không bao giờ vào bếp nấu cơm, giặt quần áo hoặc bế con, nhưng nay anh sẵn sàng chia sẻ việc nhà với vợ, anh còn đưa vợ đi chơi chợ phiên, cùng bàn bạc mọi chuyện lớn, nhỏ trong gia đình.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm trưởng thôn, anh Tếnh nắm rõ hoàn cảnh từng gia đình và có cách tuyên truyền, thuyết phục để cánh “mày râu” trong thôn cùng tham gia việc thôn, cùng giúp vợ việc nương đồi, chăm sóc và nuôi dạy con cái.
Anh Tếnh tâm sự: Để tuyên truyền cho bà con, trước hết mình phải làm gương. Là đàn ông, bên cạnh làm những việc nặng trong gia đình, tôi còn giúp vợ chăm sóc con, chia sẻ việc nhà. Từ những việc làm cụ thể đó, tôi chia sẻ trong các buổi họp thôn, buổi truyền thông.
Được biết, Tổ truyền thông cộng đồng thôn Chính Chư Phìn có 10 thành viên, trong đó có 8 thành viên là nam giới ở nhiều lứa tuổi, từ người cao tuổi, trung niên và thanh niên. Thành viên được lựa chọn là những người có uy tín, tư duy tiến bộ trong cộng đồng, có kiến thức xã hội.
Xã Lùng Thẩn có 5/7 thôn đặc biệt khó khăn, được thụ hưởng Dự án 8, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, một số hủ tục vẫn tồn tại, do đó các định kiến và khuôn mẫu giới cũ kỹ ăn sâu, bám rễ trong đời sống đồng bào. Hội Phụ nữ xã đã thành lập các tổ tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Điều đặc biệt, thành viên của các tổ có sự góp mặt của nhiều nam giới.
Chị Hoàng Thị Lói, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Lùng Thẩn cho biết: Trong cộng đồng dân tộc Mông có những định kiến về giới khiến chị em rất thiệt thòi, như phải có con trai để thừa kế tài sản, áp lực lao động đè nặng lên vai, không được đi học và tham gia hoạt động xã hội... Những vấn đề rút ra từ thực tế này được lồng ghép vào các buổi tuyên truyền tại thôn, hộ gia đình. Trước hết là phải làm cho phụ nữ biết tự bảo vệ mình, sau đó là giúp nam giới hiểu và biết chia sẻ với phụ nữ trong gia đình. Hơn 1 năm qua, trên địa bàn xã không xảy ra bạo lực gia đình. Các gia đình luôn hướng đến mục tiêu nuôi con khỏe, dạy con ngoan, các con đến tuổi đi học đều được đến trường.
Đơn cử như trường hợp của chị Ly Thị Seo, một phụ nữ đã thoát khỏi định kiến về giới để có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc hơn. Trước đây, mỗi khi trong thôn có đám cưới hoặc đám về nhà mới, chồng chị thường đi uống rượu cả ngày mới về nhà. Mỗi lần chồng uống rượu say xỉn lại mắng chửi thậm tệ mấy mẹ con, đôi lúc còn đánh chị, ấy vậy mà chị chỉ biết ngồi im nghe. Nắm được thông tin, hoàn cảnh của chị Seo, Tổ tuyên truyền đã mời hai vợ chồng tham gia các buổi sinh hoạt của Tổ truyền thông xóa bỏ định kiến về giới do Hội Phụ nữ xã tổ chức. Đến nay, chồng chị đã thay đổi nhiều, chăm chỉ trồng ngô, chăm sóc cây ăn quả, cùng vợ chia sẻ việc nhà.
Trước đây, do điều kiện kinh tế - xã hội nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhiều hủ tục còn tồn tại nên phụ nữ và trẻ em gái vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chịu nhiều thiệt thòi trong việc tham gia các hoạt động xã hội và cộng đồng.
Thực hiện Dự án 8 về “Thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, huyện Si Ma Cai đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm giải phóng phụ nữ ra khỏi một phần công việc của gia đình, thực hiện quyền bình đẳng giữa nam và nữ. Huyện đã thành lập 29 tổ truyền thông cộng đồng, với 262 thành viên, trong đó 172 thành viên là nam (chiếm hơn 65%). Các thành viên nam giới là những người có uy tín trong cộng đồng, tầm ảnh hưởng, có thời gian đồng hành với phong trào phụ nữ, tích cực đóng góp cho hoạt động hội và sự tiến bộ của phụ nữ tại địa phương.
Các tổ xây dựng quy chế, duy trì sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 1 lần. Tại đây, mỗi gia đình chia sẻ câu chuyện của gia đình mình để các thành viên nghe, từ đó tư vấn, giúp đỡ phụ nữ tự tin, mạnh dạn hơn trong việc phát huy vai trò của bản thân trong gia đình, cộng đồng.
Chị em đã chủ động, tự tin hơn trong phát triển kinh tế cũng như tham gia các hoạt động xã hội. Những kết quả trên có phần đóng góp quan trọng của các tuyên truyền viên là “đấng mày râu” thành viên của các tổ truyền thông cộng đồng.