Bà Hằng lựa chọn chơi bóng chuyền hơi vì đây là môn thể thao phù hợp với lứa tuổi, dễ chơi, lại đông vui. Hơn nữa, đến sân bà còn được gặp gỡ nhiều người cùng sở thích, cùng độ tuổi, sau khi chơi bóng, cùng nhau trò chuyện, chia sẻ về cuộc sống. Do đó, hầu như bà Hằng không nghỉ buổi tập nào. Ngày nào không được ra sân là lại thấy nhớ, thấy thiếu vắng. Bà Hằng còn cùng các thành viên Câu lạc bộ Bóng chuyền hơi tổ 9, thị trấn Khánh Yên tham gia và đoạt nhiều giải thưởng tại các giải thể thao của huyện, của tỉnh. Đặc biệt, nhờ việc tập luyện thể thao thường xuyên mà sức khỏe bà Hằng ngày càng tốt hơn.
Cách nhà văn hóa tổ 9 không xa là Nhà văn hóa tổ 8, thị trấn Khánh Yên với các sân chơi bộ môn mới du nhập về Việt Nam - Pickleball. Mỗi ngày, thường có từ 30 - 40 người đủ mọi độ tuổi tham gia tập luyện. Tiếng cười nói vui vẻ hòa cùng tiếng vợt bóng vang lên, khiến không gian nhà văn hóa thêm náo nhiệt, sôi động.
Không chỉ thỏa mãn đam mê chinh phục môn thể thao mới, pickleball còn giúp anh Nam và người dân ở đây luyện tập sức khỏe, cải thiện vóc dáng. Đặc biệt, môn thể thao này cũng phù hợp với mọi lứa tuổi nên nhiều gia đình còn đưa con, em tới cùng tập luyện mỗi ngày.
Trên địa bàn thị trấn Khánh Yên có khoảng 11 sân pickleball, đều do người dân tự đóng góp kinh phí làm sân. Điều đó cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của môn thể thao mới, cũng như phong trào tập luyện thể dục, thể thao trong Nhân dân trên địa bàn thị trấn ngày càng phát triển sâu rộng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Văn Bàn, từ sau dịch Covid-19, phong trào tập luyện thể dục, thể thao trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, mỗi năm đều tăng thêm từ 1 - 2 câu lạc bộ/đội thể thao. Văn Bàn rất quan tâm tới việc phát triển thể thao quần chúng, từ việc đầu tư cơ sở vật chất, công tác bồi dưỡng, huấn luyện, đến cơ chế, chính sách đãi ngộ, khen thưởng kịp thời.
Thời gian tới, huyện tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh lộ trình xây dựng Nhà thi đấu thể thao huyện; tăng cường hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư, mua sắm, bổ sung trang thiết bị, dụng cụ luyện tập thể thao cho các xã, thị trấn đáp ứng nhu cầu tập luyện của Nhân dân. Hằng năm, Phòng Văn hóa và Thông tin sẽ tham mưu UBND huyện tổ chức định kỳ các giải thể thao cấp huyện để tạo nguồn vận động viên chất lượng tham gia các giải thể thao cấp tỉnh.
Trên địa bàn huyện Văn Bàn hiện có 60 câu lạc bộ thể dục, thể thao hoạt động thường xuyên (31 câu lạc bộ tại các xã, thị trấn; 29 câu lạc bộ tại các đơn vị, trường học), 133 đội văn nghệ - thể thao phong trào; 100% xã, thị trấn có nhà văn hóa, khu thể thao được lắp đặt dụng cụ vui chơi, giải trí cho người già và trẻ em; 16/21 xã có sân vận động; 100% cơ quan, trường học, đơn vị có sân luyện tập thể dục, thể thao, đáp ứng nhu cầu tập luyện thường xuyên của học sinh, giáo viên, cán bộ, chiến sĩ và người dân. Số người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên trên địa bàn huyện đạt khoảng 41%; số gia đình hoạt động thể dục, thể thao thường xuyên đạt khoảng 31%.
Đặc biệt, các môn thể thao dân tộc như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, ném còn… cũng được nhân rộng, với mỗi thôn, tổ dân phố có ít nhất 1 đội thể thao dân tộc, đại diện địa phương tham gia hoạt động văn hóa, thể thao trong và ngoài huyện. Con số hơn 1.000 vận động viên tham gia Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn đầu tháng 9 vừa qua là minh chứng rõ nét cho sự phát triển sâu rộng của thể thao quần chúng trên địa bàn. Đây cũng là tiền đề để địa phương tiếp tục đẩy mạnh phong trào thể thao quần chúng phát triển hơn nữa.