Sa chân vào “vũng lầy” vì bạn bè rủ rê, lôi kéo, anh V.Đ.K. (thôn Luổng Láo, xã Cốc San, thành phố Lào Cai) đã nghiện ma túy. Cũng kể từ đó, kinh tế sa sút, gia đình bất hòa, ngày nào anh cũng tiêu tốn vài trăm nghìn đồng đến cả triệu đồng để thỏa mãn cơn thèm ma túy. Năm 2015, nhờ được cán bộ trạm y tế tư vấn, anh đăng ký tham gia điều trị tại cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện. Từ đó, đều đặn mỗi sáng, anh đến uống Methadone và được bác sỹ tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe bản thân. Anh đang duy trì liều 27 mg/ngày và được cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày. Anh K. hiện đã có một công việc với thu nhập ổn định.
Tôi đã quyết tâm từ bỏ ma túy để gia đình, vợ con đỡ khổ. Nhờ uống thuốc Methadone đều đặn hằng ngày, hiện tôi có thể đi làm, kiếm thêm thu nhập để phụ giúp vợ, con.
Cùng điều trị Methadone với anh K. là anh N.V.V. ở phường Lào Cai (thành phố Lào Cai). Anh V. tâm sự: Tôi làm thợ hồ, bị bạn xấu lôi kéo nên sa vào nghiện ma túy suốt 6 năm nay. Từ khi bước vào vũng lầy này, của cải trong nhà lần lượt “đội nón” ra đi theo những cơn nghiện. Khi biết ở địa phương có cơ sở điều trị cai nghiện bằng Methadone, tôi đã đến đăng ký cai nghiện với quyết tâm từ bỏ ma túy để vợ, con đỡ khổ.
Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone được triển khai đầu tiên tại thành phố Lào Cai vào tháng 10/2013, sau đó lần lượt triển khai đến các huyện Văn Bàn, Bát Xát. Hiện toàn tỉnh có 15 cơ sở điều trị, cấp phát thuốc Methadone tại 5 huyện, thị xã, thành phố, với 1.446 bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc thay thế Methadone. Trong số đó, hơn 1.200 bệnh nhân đã được chuyển vào giai đoạn duy trì ổn định liều, tỷ lệ không sử dụng ma túy đạt 80%.
Y sỹ Trần Quốc Lập (Trung tâm Y tế thành phố Lào Cai) cho biết: Với bệnh nhân điều trị Methadone, cơ thể sẽ được cung cấp lượng chất dạng thuốc phiện vừa đủ giúp thỏa mãn cơn thèm thuốc mà không ảnh hưởng đến hành vi và chức năng của não bộ như dùng heroin. Do hấp thụ qua đường uống nên giảm được nguy cơ lây nhiễm HIV, ít gây nghiện hơn ma túy, không đòi hỏi người bệnh phải tăng liều và chỉ cần dùng 1 lần/ngày.
Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, sau nhiều năm triển khai Dự án điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone trên địa bàn tỉnh, hiệu quả lớn nhất là làm giảm số người tái nghiện, giảm lây nhiễm HIV/AIDS. Nhiều bệnh nhân ổn định hơn về mặt tâm lý, có sức khỏe để lao động, sản xuất, có thu nhập ổn định, giúp giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Methadone là liệu pháp điều trị lâu dài (thậm chí là suốt đời) nên có một số lượng tương đối lớn bệnh nhân không kiên trì, đã bỏ điều trị. Hằng ngày phải đến cơ sở điều trị sử dụng thuốc là một trong những rào cản lớn đối với việc tiếp cận và duy trì điều trị của bệnh nhân, nhất là người sống xa cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc và điều kiện đi lại khó khăn hoặc các trường hợp đi làm xa…
Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 327 về triển khai cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2023 - 2024. Dự kiến năm 2023 - 2024, tỉnh Lào Cai có từ 590 đến 690 người bệnh tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone. Để đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh, tỉnh tiếp tục duy trì 7 cơ sở điều trị methadone và 4 cơ sở cấp phát thuốc methadone đã triển khai năm 2022. Trong 2 năm 2023 - 2024 sẽ lần lượt mở thêm 4 cơ sở cấp phát thuốc methadone tại Phòng khám Đa khoa khu vực Trịnh Tường, huyện Bát Xát; Xuân Quang, huyện Bảo Thắng; Bản Dền, thị xã Sa Pa, và Minh Lương, huyện Văn Bàn.
Điều trị Methadone thay thế các chất dạng thuốc phiện đã và đang là một biện pháp hữu hiệu đem lại hy vọng cho những người nghiện, giúp họ tìm lại chính mình, tự chủ trong cuộc sống.