Khó khăn, lúng túng về hướng dẫn độ tuổi
Trong tạo nguồn đảng viên từ học sinh, một trong những khó khăn phổ biến là điều kiện tuổi. Theo quy định, tại thời điểm xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi (tính theo tháng) trong khi nhiều học sinh có thành tích nổi bật, đã được học lớp nhận thức về Đảng nhưng không đủ 18 tuổi để xem xét kết nạp; một số em đang thực hiện thủ tục xem xét kết nạp Đảng lại đúng vào thời điểm tốt nghiệp ra trường (lớp 12), nhà trường phải giới thiệu các em để địa phương theo dõi. Điều này cũng ảnh hưởng đến quá trình phấn đấu của quần chúng.
Tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Bát Xát, trong 3 năm (2021 - 2023), Chi bộ nhà trường giới thiệu 5 quần chúng là học sinh đã học lớp nhận thức về Đảng về địa phương, trường chuyên nghiệp để tiếp tục theo dõi, bồi dưỡng do không đủ tuổi theo quy định. Tuy nhiên, không phải quần chúng nào trong số này cũng được kết nạp Đảng ở các trường chuyên nghiệp, bởi môi trường học tập, rèn luyện của quần chúng có sự thay đổi, trong khi đó một số trường chưa quan tâm đúng mức công tác tạo nguồn trong sinh viên.
Bên cạnh việc theo dõi, đánh giá thành tích học tập, rèn luyện và tham gia phong trào của học sinh, các chi bộ cần đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị.
Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về độ tuổi của quần chúng là học sinh THPT được cử tham gia lớp nhận thức về Đảng nên một số chi bộ nhà trường cũng lúng túng trong thực hiện. Phần lớn các chi bộ rà soát quần chúng ưu tú, có lý tưởng phấn đấu và sinh trước tháng 5 để đảm bảo có thể kết nạp Đảng tại trường học.
Tăng cường sự phối hợp, trao đổi
Tạo nguồn, phát triển đảng viên từ học sinh không chỉ là mục tiêu của nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, điều này còn tạo không khí thi đua sôi nổi trong học tập, rèn luyện ở các trường THPT. Tuy nhiên, đảng viên trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống, am hiểu về chính trị, các quy định của Đảng sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Năm 2021, Chi bộ Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Bát Xát cử 3 quần chúng ưu tú là học sinh tham gia lớp nhận thức về Đảng, do chưa đủ tuổi theo quy định nên cả 3 quần chúng sau khi tốt nghiệp THPT được chi bộ giới thiệu về địa phương để tiếp tục theo dõi, kết nạp. Tuy nhiên, điều đáng buồn là sau khi kết nạp Đảng một thời gian ngắn, 2 trường hợp bị hủy bỏ quyết định kết nạp Đảng.
Trường hợp thứ nhất là quần chúng H.T.T.N., được chi bộ nhà trường giới thiệu về địa phương để tiếp tục theo dõi, kết nạp. Ngày 20/10/2021, Chi bộ thôn Bản Vền, Đảng bộ xã Bản Qua họp và ra Nghị quyết đề nghị kết nạp đảng viên đối với quần chúng N. Sau đó một ngày, ngày 21/10/2021, N. nhận được giấy báo và làm thủ tục nhập học hệ chính quy tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Lẽ ra N. phải chuyển hồ sơ về trường Đại học Luật Hà Nội ngay khi nhập học để được theo dõi, kết nạp Đảng, tuy nhiên thời điểm đó dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, N. vẫn ở tại địa phương nhưng nhập học và tham gia học bằng hình thức trực tuyến. Bản thân N. do chưa nắm vững các quy định nên cũng không thông tin kịp thời với chi bộ. Tháng 12/2021, Huyện ủy Bát Xát ra Quyết định kết nạp Đảng đối với quần chúng ưu tú H.T.T.N.
Tháng 4/2022, sau khi Trường Đại học Luật Hà Nội ra thông báo sinh viên học tập trung, N. tiến hành chuyển các thủ tục, hồ sơ về nhà trường. Sau khi tiếp nhận, Đảng ủy Khối Các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội phát hiện việc kết nạp đối với quần chúng N. khi em đang là sinh viên Đại học Luật Hà Nội ở Chi bộ thôn Bản Vền là không đúng điều kiện theo quy định, hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng, do vậy đề nghị Huyện ủy Bát Xát hủy bỏ quyết định kết nạp đảng viên đối với N. Đến thời điểm này, N. chưa được kết nạp Đảng trở lại.
Do bệnh dịch, N. còn trẻ, chưa rõ quy định, chi bộ cũng chưa nắm tình hình kịp thời nên dẫn đến sự việc đáng tiếc
Tương tự, trường hợp của quần chúng N.T.K.C., thôn Tân Long, xã Cốc Mỳ cũng bị hủy bỏ quyết định kết nạp Đảng bởi thời điểm chi bộ thôn tổ chức lễ kết nạp đảng viên thì quần chúng này đang là sinh viên hệ đào tạo chính quy tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hai trường hợp quần chúng ưu tú nêu trên cho thấy công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên trong học sinh đang có lỗ hổng nhất định, cụ thể là việc tăng cường trao đổi, phối hợp giữa các cấp ủy, giữa đảng viên với chi bộ còn thiếu sát sao.
Ngoài ra, hiện việc tham gia sinh hoạt chi bộ và chuyển sinh hoạt đảng đối với nhóm đối tượng này chưa có sự thống nhất. Có trường hợp sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, đảng viên làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng về nơi cư trú; có trường hợp lại đợi đến khi có giấy báo trúng tuyển trường chuyên nghiệp mới làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng. Thời hạn thực hiện thủ tục theo quy định là 30 ngày, có trường hợp đảng viên chưa kịp chuyển hồ sơ về nơi cư trú lại nhận được giấy báo nhập học nên thủ tục lại thay đổi. Nhiều đảng viên trẻ trở nên lúng túng nếu cấp ủy liên quan thiếu sự quan tâm.
Trong sinh hoạt chi bộ, do đảng viên là học sinh được kết nạp Đảng vào cuối năm học lớp 12, chỉ tham gia sinh hoạt chi bộ 1 hoặc 2 kỳ nên việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên cũng là một trở ngại. Nội dung sinh hoạt ở các chi bộ nhà trường chủ yếu liên quan đến công tác của cán bộ, giáo viên và nhiệm vụ ngành giáo dục, việc tham gia đóng góp ý kiến của đảng viên là học sinh dường như không có cơ hội. Trên thực tế, việc tham gia sinh hoạt chi bộ ở thời điểm này chủ yếu để đảng viên làm quen với nếp sinh hoạt chi bộ chứ chưa thể tham gia nhiều nội dung và phát huy vai trò của đảng viên như thông thường.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Theo đồng chí Ngô Hữu Quý, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, kết nạp đảng viên trong học sinh là chủ trương đúng của Đảng, nhằm bổ sung nguồn lực trẻ cho Đảng, cho hệ thống chính trị các cấp. Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành kế hoạch kết nạp đảng viên hằng năm và cả nhiệm kỳ, trong đó yêu cầu các đảng bộ chú trọng kết nạp đảng viên là sinh viên, học sinh. Mới đây, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổ chức hội thảo để thúc đẩy công tác kết nạp đảng viên là học sinh, sinh viên trên địa bàn.
Chủ trương tạo nguồn đảng viên là học sinh đã có song trong quá trình thực hiện thì tính chủ động của các chi, đảng bộ là rất quan trọng. Tỉnh ủy yêu cầu các đảng bộ trực thuộc cần chủ động nghiên cứu, có hướng dẫn cụ thể phù hợp với đặc điểm của địa phương về tạo nguồn, kết nạp học sinh vào Đảng. Nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng trong nhà trường, đoàn thanh niên về vị trí, vai trò, tầm quan của công tác tạo nguồn đảng viên trong học sinh. Việc thực hiện bồi dưỡng, kết nạp phải chặt chẽ, bảo đảm đúng quy định, coi trọng cả về số lượng và chất lượng. Trên thực tế, hiện đã có chi bộ nhà trường ban hành nghị quyết chuyên đề về nội dung này.
Những giải pháp từ địa phương, Lào Cai đã và đang chủ động triển khai, tuy nhiên để công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên là học sinh được thực hiện bài bản, thống nhất, Trung ương cần sớm tổng kết Chỉ thị 34-CT/TW ngày 30/5/1998 của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác chính trị tư tưởng, củng cố tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong trường học” để ban hành văn bản chỉ đạo mới phù hợp với tình hình và điều kiện hiện nay.
Cùng với đó, Trung ương sớm có hướng dẫn cụ thể độ tuổi của quần chúng là học sinh THPT được cử tham gia lớp nhận thức về Đảng; về công tác phát triển đảng viên đối với học sinh để các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất. Cùng với đó cần xây dựng, hướng dẫn nội dung, chương trình bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới phù hợp với đối tượng học sinh.