
Năm nay, bà Đỗ Thị Nhuần (tổ dân phố số 2, phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai) đón tết trong niềm vui, phấn khởi hơn mọi năm. Trước tết Nguyên đán ít ngày, bà vinh dự là cá nhân duy nhất của tỉnh Lào Cai đạt danh hiệu “Phụ nữ tiêu biểu” năm 2024, được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và tiếp tục tái cử Bí thư Chi bộ Kim Thành 2, nhiệm kỳ 2025 - 2027.

Bà Nhuần sinh năm 1963 ở xã Hải Sơn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm 1982, bà cùng gia đình chuyển lên huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai sinh sống. Kể từ đó đến nay, Lào Cai đã trở thành quê hương thứ hai của bà và gia đình. Là người nhiệt tình, trách nhiệm, khéo léo, cách đây nhiều năm, bà Nhuần được chị em tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ đội 9, xã Quang Kim, huyện Bát Xát. Năm 2020, sau thực hiện chủ trương sáp nhập địa giới hành chính, bà tiếp tục là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Kim Thành 2, phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai.
Bước chuyển từ nông dân sang thị dân của người dân đặt ra nhiều thách thức trong công tác hội, trong đó khó khăn lớn là việc giúp chị em ổn định cuộc sống. Là người đứng đầu chi hội, bà thường xuyên trò chuyện, vận động chị em phát triển kinh tế, chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp sang dịch vụ. Với kinh nghiệm trong chăn nuôi và kinh doanh vận tải, bà đã tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chia sẻ kinh nghiệm, khuyến khích hội viên tự tin trong phát triển kinh tế; giúp đỡ chị em tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ “Vì phụ nữ phát triển”. Chi hội Phụ nữ Kim Thành 2 đang duy trì mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” với số tiền 30 triệu đồng, hỗ trợ 4 hội viên vay không lấy lãi.
Để gắn kết hội viên, phụ nữ, bà đã tham mưu thành lập mô hình “1+1” với mục tiêu mỗi năm chi hội giúp ít nhất một hội viên có hoàn cảnh khó khăn và mô hình “3 có, 3 biết” (có hội viên tiên phong, có hoạt động hằng tháng, có nguồn lực tổ chức hoạt động và biết mặt, biết hoàn cảnh, biết nhu cầu của hội viên). Bà cũng là nhân tố tích cực trong việc kêu gọi, tập hợp chị em thành lập câu lạc bộ văn nghệ với 15 thành viên và câu lạc bộ bóng chuyền hơi với 20 thành viên tham gia. Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao đã giúp chị em rèn luyện sức khỏe, tạo cơ hội giao lưu, gắn kết, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho phụ nữ địa phương.

Không chỉ là hạt nhân trong các hoạt động của phong trào hội phụ nữ ở địa phương, bà Đỗ Thị Nhuần còn là người phụ nữ “hai vai” khi gánh trách nhiệm bí thư chi bộ khu dân cư trong suốt hàng chục năm qua.
Tổ dân phố số 2 có gần 140 hộ dân, trên 450 nhân khẩu, lại ở địa bàn đang đô thị hóa, thời gian qua, những phần việc, nhiệm vụ đặt ra đối với chi bộ rất nặng nề. Tuy là nữ giới, lại là người đứng đầu, chịu trách nhiệm về các hoạt động ở khu dân cư, vậy nhưng trong suốt nhiều năm qua, bà Nhuần vẫn luôn lan truyền nguồn năng lượng tích cực nhờ tinh thần tiên phong, gương mẫu, tận tụy và trách nhiệm với nhiệm vụ được giao. Gần đây, bà đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở khu dân cư triển khai xây dựng công trình “Tuyến phố điện sáng” với tổng kinh phí trên 80 triệu đồng. Trong đợt mưa lũ lịch sử hồi tháng 9/2024, bà kêu gọi và tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Nổi bật là việc huy động sự ủng hộ từ các hội viên và Nhân dân, tổ chức quyên góp 40 suất quà để hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng, tổng trị giá 20 triệu đồng; kêu gọi hội viên, phụ nữ tham gia nấu ăn và phát trên 2.000 suất cơm cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, tổng trị giá 70 triệu đồng.
“Danh hiệu “Phụ nữ tiêu biểu” không chỉ là phần thưởng mà còn tạo động lực, đặt ra những trách nhiệm lớn hơn đối với tôi trong thời gian tới để xứng đáng với sự tin tưởng của tổ chức hội, với niềm tin yêu của hội viên và Nhân dân”, bà Nhuần bộc bạch.

Gần đến ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), chị Nông Thị Nghì, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bản Lầu (huyện Mường Khương) lại càng bận rộn. Sau giờ làm việc mỗi ngày, chị lại dành thời gian về cơ sở vào buổi tối để đồng hành với chị em trong quá trình tập luyện.

Được biết, dịp 8/3 năm nay, xã Bản Lầu được Hội Phụ nữ huyện lựa chọn để tổ chức hoạt động đồng diễn dân vũ với sự tham gia của 300 hội viên, phụ nữ và chung kết giải bóng đá nữ. Trong nhiều ngày qua, phụ nữ các thôn tập luyện hăng say. Do đặc thù của địa bàn nông nghiệp, ban ngày, chị em bận ruộng nương, kinh doanh nên hoạt động tập luyện chủ yếu vào buổi tối. Là người đứng đầu tổ chức hội ở cơ sở, tối nào chị Nghì cũng dành thời gian đi cổ vũ tinh thần chị em.
Chị Nông Thị Nghì sinh ra trong gia đình người Nùng ở xã Bản Sen, sau khi lập gia đình, chị gắn bó với xã Bản Lầu. Với sự nhiệt tình, sôi nổi, tháo vát trong công tác hội, chị Nghì được chị em yêu mến, tin tưởng.

Trước kia, do điều kiện còn khó khăn, việc tập luyện văn nghệ, thể dục, thể thao là điều xa lạ với chị em nhưng giờ đây Bản Lầu lại là địa phương được đánh giá cao về hoạt động này. Năm 2022, chị Nông Thị Nghì là người khởi xướng và kêu gọi thành lập đội bóng đá nữ đầu tiên ở thôn Na Pao. Trái bóng tròn đã lan tỏa niềm đam mê, tạo không khí vui vẻ trong chị em và dần dần được lan tỏa đến các thôn Na Mạ, Na Nhung, Na Lốc.
Mặc dù sức khỏe không đảm bảo để tham gia cùng chị em, vậy nhưng mỗi khi có thời gian, chị Nghì đều đến cổ vũ, động viên các đội bóng. Bà con nơi đây đã quen với hình ảnh nữ cán bộ hội lúc nào cũng có mặt, xông xáo trong các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao của hội viên, phụ nữ xã. Đó không chỉ là trách nhiệm của nữ cán bộ hội mà với chị Nghì, đó còn là sự gắn kết tình cảm, mang lại niềm vui cho hội viên, phụ nữ.

Nhờ được “tiếp lửa” phong trào, xã Bản Lầu đã thành lập 1 câu lạc bộ khiêu vũ; duy trì thường xuyên 15 đội văn nghệ; 1 câu lạc bộ bóng đá nữ với hơn 35 thành viên, 5 đội bóng đá nữ với hơn 60 thành viên. Các hoạt động văn nghệ, thể thao được duy trì thường xuyên, hiệu quả đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho phụ nữ nơi đây.
Tôi thấy vui và hạnh phúc khi được đồng hành, giúp đỡ để chị em ở các thôn, bản cởi mở, tự tin hơn. Sự tin yêu của chị em và niềm vui sau mỗi hoạt động là hạnh phúc tôi có được sau hơn 10 năm gắn bó với công tác hội ở địa phương

Ở bản Nà Khương, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên có một nữ đảng viên được bà con tin yêu, quý mến, luôn có mặt trong mọi hoạt động của địa phương. Bà là Lương Thị Nương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận bản Nà Khương.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình người Tày có tư tưởng văn minh, tiến bộ, bà Nương may mắn khi được bố mẹ quan tâm cho đi học đầy đủ; khi tham gia công tác xã hội, bà cũng nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện từ phía gia đình. Năm 2011, bà Nương được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Nà Khương và gắn bó với công tác này cho tới nay.

Là địa bàn có đông đồng bào dân tộc Tày sinh sống, trước kia, do cuộc sống khó khăn, việc thu hút, tập hợp hội viên, phụ nữ rất khó khăn. Bà Nương suy nghĩ, để thu hút chị em thì phải đổi mới cách thức vận động, đa dạng hóa hoạt động phù hợp với đặc thù của địa phương. Nhờ sự thay đổi này, chi hội hiện có 98 hội viên tham gia sinh hoạt.
Là Chi hội trưởng, bà Nương tích cực vận động chị em tham gia các phong trào, cuộc vận động do cấp trên phát động; thường xuyên tổ chức vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Nhờ đó, 100% chị em tham gia phong trào “cổng đẹp, rào xanh, vườn rau tốt”; 35 hộ hội viên được gắn biển “Nhà sạch, vườn đẹp”. Trong phát triển kinh tế, phụ nữ bản Nà Khương duy trì tốt các hoạt động sản xuất nông nghiệp; thành lập 4 mô hình homestay (trong đó có 1 homestay của gia đình bà Nương); 1 hợp tác xã phát huy và bảo tồn nghề đan lát truyền thống, mỗi năm cung cấp hơn 1.000 sản phẩm thủ công cho thị trường; duy trì 2 đội văn nghệ ở thôn.
Không chỉ là người đứng đầu tổ chức hội ở cơ sở, năm 2017, bà Nương được tín nhiệm gánh thêm trọng trách Trưởng Ban Công tác mặt trận bản Nà Khương. Ngoài ra, bà cũng tham gia cấp ủy chi bộ ở địa phương. Phát huy vai trò đảng viên, bà Nương luôn tích cực tham gia, đi đầu trong các hoạt động để bà con tin tưởng, làm theo.

Tháng 9/2024, bản Nà Khương bị ảnh hưởng nặng bởi mưa lũ, bà Nương đã trực tiếp giúp bà con tháo dỡ nhà sàn, vận chuyển đồ đạc đến nơi an toàn; nấu ăn phục vụ lực lượng tìm kiếm cứu nạn. Sau mưa lũ, tinh thần đoàn kết được bà Nương khơi dậy khi vận động người dân giúp nhau đổi công cấy lúa, thu hoạch rau màu; dựng lại nhà ở, tái thiết cuộc sống…
Dù gánh trên vai nhiều trọng trách, gặp nhiều áp lực nhưng trong suốt những năm qua, bà Lương Thị Nương chưa một lời kêu than, chưa từng nghĩ đến việc dừng lại. Việc được cống hiến công sức cho quê hương, được chị em tin yêu và quan trọng hơn cả là được chứng kiến tinh thần đoàn kết cộng đồng người Tày ở bản Nà Khương, với bà Nương chính là niềm vui lớn nhất.