Chị Cư Thị Ngọc Linh lập gia đình năm 2018. Vợ chồng chị là người dân tộc Mông đến nay vẫn sống chung với bố mẹ chồng ở thôn Phéc Bủng, xã Bản Phố (huyện Bắc Hà). Chị Linh và chồng là công chức, đang làm việc tại thị trấn Bắc Hà. Một ngày của vợ chồng chị bắt đầu bằng buổi sáng quây quần ăn sáng cùng gia đình, sau đó các thành viên tỏa đi làm công việc của mình.
Bữa sáng của gia đình chị Linh bình thường nhưng chứa đầy hạnh phúc. Trong gia đình, ai dậy sớm sẽ chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, hôm thì mẹ chồng, có hôm là bát mỳ do bố chồng chị chuẩn bị, không quy định phụ nữ phải làm bữa sáng. Quan điểm của bố mẹ chồng chị cũng rất thoải mái, chia sẻ tất cả công việc nhà với con dâu.
Chị Cư Thị Ngọc Linh tâm sự: Phần lớn gia đình người Mông thường có quan điểm phụ nữ phải làm mọi việc trong gia đình, đàn ông không mấy khi giúp vợ làm việc nhà, nhưng quan điểm đó không tồn tại trong gia đình tôi. Các thành viên trong gia đình tôi bình đẳng trên tinh thần chia sẻ mọi việc như nấu cơm, rửa bát, dọn dẹp… mỗi người một việc.
Vợ chồng chị Linh còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục con, gìn giữ truyền thống tốt đẹp của người Mông. Vợ chồng chị làm việc ở thị trấn, thường dùng tiếng phổ thông trong giao tiếp công việc, con trai 4 tuổi cũng học trong môi trường nói tiếng phổ thông nhiều. Nhưng khi về nhà, vợ chồng chị giao tiếp bằng tiếng Mông để con trai không quên tiếng của dân tộc mình. Họ còn dạy con về nét văn hóa tốt đẹp trong những ngày lễ, tết truyền thống của người Mông; kính trên, nhường dưới, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; quan tâm, thăm hỏi người lớn tuổi, sống hòa nhã với những người trong cộng đồng...
Quan điểm của cặp vợ chồng Nguyễn Thùy Dung và Nguyễn Đình Tùng, tổ 3, phường Kim Tân (thành phố Lào Cai) về hạnh phúc gia đình rất đơn giản, đó là thời gian cả nhà đoàn tụ bên nhau.
Cặp đôi hiện có con gái 5 tuổi và chuẩn bị đón em bé thứ hai. Một trong những cách “giữ lửa” của gia đình này là trân trọng những khoảnh khắc bên nhau. Dù công việc bận rộn nhưng chị Dung và anh Tùng đều dành thời gian cùng đến trường đón con. Theo chị Dung, tuổi thơ của con trôi qua rất nhanh, vì thế vợ chồng chị muốn con có tuổi thơ hạnh phúc, tự hào với các bạn khi ngày nào cũng được cả bố và mẹ đón mỗi khi tan học.
Vợ chồng chị còn chia sẻ, hỗ trợ công việc gia đình với nhau như nấu ăn, dọn nhà, tắm cho con... Không có điều kiện đi du lịch ở những điểm nổi tiếng thì cả gia đình trải nghiệm những địa điểm gần thành phố như đồi Nhạc Sơn, chợ Hợp Thành... Qua những chuyến trải nghiệm đó giúp gia đình gắn kết, con trẻ học thêm nhiều kiến thức.
Đã ra ở riêng nhưng vào ngày cuối tuần, vợ chồng chị thường đưa con về ăn cơm cùng bố mẹ hai bên, cho con ở lại cùng ông bà mỗi tối cuối tuần. Vợ chồng chị cũng dạy con những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt như biết quý trọng, giúp đỡ bố mẹ, kính trên, nhường dưới, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ... Nhờ đó mà con gái chị đã hình thành tính cách quan tâm đến các thành viên khác trong gia đình, biết chia sẻ việc nhà với bố mẹ và tự lập khi đến trường.
Gia đình là tế bào của xã hội, chỉ khi các gia đình khỏe mạnh thì xã hội mới phát triển phồn thịnh. Cách người trẻ Lào Cai gìn giữ hạnh phúc gia đình trong cuộc sống hiện đại là giải pháp bền vững chống lại lối sống suy thoái, thực dụng, góp phần xây dựng xã hội ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ.