Học bạ điện tử được số hóa và lưu trữ trên hệ thống trực tuyến, có xác thực điện tử của cơ quan có thẩm quyền, giúp giáo viên có thể nhập điểm, nhận xét học sinh ở bất cứ đâu chỉ cần có thiết bị kết nối Internet. Là một trong những trường học đầu tiên của tỉnh Lào Cai ứng dụng học bạ điện tử, hiện Trường Tiểu học Bắc Cường, thành phố Lào Cai đang lưu trữ hơn 1.800 học bạ số thông qua phần mềm SMAS của Viettel.

Theo cô giáo Trần Thị Minh Chung, Hiệu trưởng nhà trường, việc ứng dụng học bạ điện tử không chỉ giúp giảm bớt áp lực sổ sách cho giáo viên mà còn đảm bảo minh bạch, chính xác trong công tác quản lý điểm số. Một trong những ưu điểm nổi bật của hệ thống là khả năng kiểm tra, giám sát việc nhập điểm, giúp hạn chế tiêu cực và sai sót trong đánh giá học sinh. Nếu có nhầm lẫn trong lúc nhập điểm hoặc nhận xét, giáo viên có thể dễ dàng chỉnh sửa mà không cần tẩy xóa hoặc thay thế như khi sử dụng học bạ giấy. Bên cạnh đó, hệ thống còn tự động tính toán điểm trung bình học kỳ, năm học, giúp giáo viên giảm bớt khối lượng công việc tính toán thủ công và hạn chế sai sót.

Năm học 2024 - 2025 là năm thứ 2 Trường Tiểu học Lao Chải, thị xã Sa Pa sử dụng học bạ điện tử trong việc quản lý hồ sơ học sinh. Cô Ngô Thị Hoài, giáo viên nhà trường chia sẻ rằng, trước đây, giáo viên mất rất nhiều thời gian để nhập điểm và viết nhận xét cho học sinh theo cách thủ công trên học bạ giấy, chỉ cần một chút bất cẩn cũng có thể gây sai sót, ảnh hưởng đến hồ sơ của học sinh. Tuy nhiên, từ khi áp dụng học bạ điện tử, công việc này trở nên thuận tiện và chính xác hơn rất nhiều. Giáo viên không cần ghi lại những thông tin trùng lặp giữa các năm học, hệ thống tự động tổng hợp và lưu trữ dữ liệu. Khi nhập điểm, phần mềm sẽ tự động tính toán điểm trung bình, tránh sai sót do tính toán thủ công. Đặc biệt, quá trình phê duyệt và ký cũng trở nên đơn giản hơn khi có thể thực hiện cho cả lớp chỉ với một lần thao tác, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian.
Bà Dương Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lao Chải khẳng định, không chỉ riêng giáo viên mà học bạ số còn giúp nhà trường thuận tiện trong việc quản lý, tiết kiệm thời gian, chi phí in ấn, quản lý sổ sách, thuận tiện lưu trữ, bảo quản, tăng tính chuyên nghiệp. Để quá trình triển khai học bạ số được thực hiện hiệu quả từ đầu, nhà trường đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho thầy, cô cách thao tác từng bước cụ thể.

Theo báo cáo, 593/593 đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh đã sử dụng phần mềm quản lý nhà trường VNEDU do VNPT Lào Cai và phần mềm SMAS do Viettel cung cấp để quản lý, số hóa thông tin về trường, lớp, học sinh, đội ngũ, cơ sở vật chất...; quản lý hồ sơ điện tử của học sinh, giáo viên. 100% trường tiểu học, THCS, THPT triển khai số hóa hồ sơ (còn gọi là hồ sơ số); đối với nhà trường có học bạ, sổ theo dõi và đánh giá học sinh theo lớp học, sổ đăng bộ; đối với giáo viên có sổ theo dõi và đánh giá học sinh. Ngành giáo dục tỉnh cũng khuyến khích các trường triển khai quản lý các loại hồ sơ trên nền tảng quản lý nhà trường, như sổ ghi đầu bài, sổ chủ nhiệm đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp, kế hoạch bài dạy giáo án; cung cấp các dịch vụ thông tin liên lạc, trao đổi giữa nhà trường với phụ huynh học sinh... Riêng cấp tiểu học đang triển khai thí điểm học bạ số theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phần lớn cán bộ quản lý, giáo viên tại các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh đã thành thạo việc nhập thông tin, thực hiện đánh giá, nhận xét học sinh vào sổ liên lạc điện tử, học bạ số trên phần mềm quản lý giáo dục Việt Nam và sổ liên lạc điện tử. Hằng tháng, giáo viên cập nhật thông tin, gửi nhận xét tình hình học tập, rèn luyện của học sinh. Phụ huynh có thể truy cập phần mềm để biết, từ đó phối hợp với nhà trường, giáo viên quản lý, giáo dục các em kịp thời.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên cập nhật thông tin, kiểm tra giám sát, tư vấn hỗ trợ chuyên môn đối với các phòng giáo dục và đào tạo và trường tiểu học trong quá trình triển khai hồ sơ số, trong đó có học bạ số; tổ chức các đợt kiểm tra chuyên đề về công tác quản lý, sử dụng hồ sơ, học bạ số, chuyển đổi số cấp tiểu học hoặc lồng ghép nội dung trong các kỳ kiểm tra định kỳ theo kế hoạch về triển khai nhiệm vụ cấp tiểu học hằng năm.

Những kết quả bước đầu cho thấy học bạ điện tử là một giải pháp tối ưu, không chỉ giúp giáo viên giảm tải công việc mà còn giúp nhà trường quản lý dữ liệu khoa học, minh bạch hơn. Dù vẫn còn một số thách thức trong quá trình triển khai, nhưng với sự đồng thuận của giáo viên, sự hỗ trợ từ ngành giáo dục và sự phối hợp của phụ huynh, học bạ điện tử hứa hẹn sẽ trở thành một xu hướng tất yếu trong công tác quản lý giáo dục hiện đại.