Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại các trường học trên địa bàn tỉnh và internet trở thành công cụ quan trọng trong việc học tập, tìm kiếm thông tin. Tuy nhiên, đây cũng là môi trường tiểm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với học sinh, cần sự định hướng từ gia đình và nhà trường.
Internet được biết đến là kho thông tin khổng lồ giúp học sinh khai thác tài liệu phục vụ việc học tập. Đây cũng là môi trường để học sinh kết nối, giao lưu, giải trí sau giờ học. Thực tế, rất nhiều học sinh sử dụng, khai thác thông tin trên internet thuần thục, hiệu quả.
Em Nguyễn Hoàng Anh, học sinh lớp 10 chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Lào Cai là học sinh THCS đầu tiên đạt IELTS 8.0. Hoàng Anh tâm sự: Ngoài học trên lớp, em dành nhiều thời gian tự học trên internet thông qua các khóa học trực tuyến. Em thường xuyên nghe nhạc, đọc truyện bằng tiếng Anh để hiểu rõ hơn về cách nói chuyện của người bản xứ. Việc sử dụng internet của em được bố mẹ để cho tự giác, không ngăn cấm hoặc đề ra quy định gì. Tuy nhiên, em luôn tự giới hạn mình chỉ sử dụng internet vào khoảng thời gian nhất định.
Hiện nay, hầu hết các trường học vùng cao được trang bị phòng tin học phục vụ nhu cầu học tập, tra cứu của học sinh. Với 21 máy tính được kết nối mạng, học sinh Trường PTDT bán trú THCS Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương có thêm công cụ để khám phá thế giới tri thức rộng lớn qua cánh cửa của internet.
Ở nhà không có máy vi tính nên chỉ đến giờ Tin học ở trường em mới được truy cập internet. Ngoài kiến thức các môn học, em còn tra cứu thông tin liên quan tới thời sự trong và ngoài nước, hướng nghiệp…
Thầy giáo Nguyễn Quốc Việt, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Tả Gia Khâu cho biết: Việc trang bị hệ thống máy tính kết nối internet góp phần nâng cao toàn diện chất lượng dạy và học. Chúng tôi đã thành lập được kho bài giảng điện tử trên website của nhà trường và cấp quyền truy cập cho học sinh, từ đó các em có thể tra cứu các kiến thức phục vụ nhu cầu học tập. Trường còn mở các trang fanpage, nhóm zalo... giúp học sinh biết cách khai thác tối ưu không gian mạng cho học tập, đồng thời khuyến khích các em tham gia các phong trào, sự kiện, cuộc thi tìm hiểu về pháp luật trực tuyến, tư vấn tuyển sinh...
Tuy nhiên, với tính chất là không gian mở, dễ kết nối nên mạng xã hội, internet là nơi lý tưởng để nhiều đối tượng xấu lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Trên thực tế, không ít học sinh đã coi mạng xã hội, trang facebook cá nhân là nơi để giải trí và thể hiện các hành vi chưa đúng chuẩn mực của mình. Ngoài ra, việc sử dụng internet nhiều cũng ảnh hưởng tới sức khỏe như cận thị, loạn thị, mất ngủ, đau lưng… dẫn tới kết quả học tập sa sút.
Hằng ngày, vợ chồng chị Phạm Thị H., phường Kim Tân, thành phố Lào Cai thường đi làm từ sáng đến hơn 6 giờ tối mới về nhà, 2 con nhỏ ở nhà “làm bạn” với chiếc điện thoại, máy tính có kết nối internet. Thời gian gần đây, chị H. thấy con có những biểu hiện lạ như sống thu mình, không tiếp xúc với bạn bè, không tập trung, hay cáu gắt, thậm chí có hành vi chống đối lại cha mẹ… “Sau khi kiểm tra điện thoại và máy tính của con, tôi phát hiện cháu thường xuyên chơi game. Ý thức được sự nghiêm trọng, tôi và chồng đã kịp thời nhắc nhở hai con, đồng thời nghiêm khắc hơn trong việc cho con sử dụng internet” - chị H cho hay.
Những năm qua, cùng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và chuyển đổi số trong công tác giáo dục, các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh Lào Cai rất chú trọng trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng internet an toàn cho học sinh. Các cơ sở giáo dục tại Lào Cai đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng cho học sinh bao gồm các quy tắc về bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ bản thân khỏi các nguy cơ trên mạng; tổ chức các buổi ngoại khóa về an toàn thông tin trên mạng cho học sinh với các nội dung về nguy cơ tiềm ẩn, cách phòng tránh và sử dụng internet an toàn; mời cán bộ của Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về an toàn thông tin mạng cho học sinh các cấp...
Nhằm giúp các em học sinh, giáo viên nhận biết được tầm quan trọng cũng như mặt trái của internet, quy định của pháp luật về sử dụng mạng xã hội, kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn… Trường phổ thông DTNT THCS và THPT huyện Mường Khương đã phối hợp với Huyện đoàn - Hội đồng đội huyện tổ chức hoạt động ngoại khóa và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh với chuyên đề: Kỹ năng sử dụng mạng xã hội internet thông minh - an toàn.
Tham gia buổi ngoại khóa, học sinh được hướng dẫn cách khai thác, sử dụng thông tin chính thống trên internet, cách kiểm chứng thông tin, cách phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng. Từ đó ý thức được trách nhiệm của mình khi đăng tải, chia sẻ, lan tỏa các nội dung, thông tin trên trang cá nhân hoặc trên các nhóm, diễn đàn; biết lựa chọn thông tin để chia sẻ, đăng tải...
Ngoài ra, cuối năm 2023, 23 trường học tại các xã: Gia Phú (Bảo Thắng), Ngũ Chỉ Sơn (thị xã Sa Pa), Tả Phời (thành phố Lào Cai), Tân Thượng (Văn Bàn) được Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công ty Cổ phần An ninh mạng SCS SafeGate triển khai thí điểm mô hình “Trường học an toàn trên địa bàn tỉnh Lào Cai”. Tham gia mô hình, các trường được lắp đặt thiết bị bảo vệ an toàn thông tin khi truy cập internet. Qua báo cáo cảnh báo an ninh, tình hình sử dụng internet trên ứng dụng di động, các giáo viên nắm được tình hình sử dụng internet trong toàn trường. Đồng thời có thể giới hạn các ứng dụng được phép, không được phép sử dụng trong nhà trường; kích hoạt mặc định chế độ tìm kiếm an toàn SafeSearch trên các nền tảng phổ biến như Google Search, Bing, YouTube để chặn lọc các nội dung không phù hợp.
Các trường học cũng tăng cường phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh trong quản lý, tổ chức hoạt động dạy - học qua internet, yêu cầu phụ huynh học sinh nâng cao trách nhiệm, dành nhiều thời gian đồng hành với con trên môi trường mạng…