Nghị quyết 08 của Huyện ủy Mường Khương về nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề giai đoạn 2020 - 2025 đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 98,9% trở lên; duy trì 100% học sinh mầm non, tiểu học học 2 buổi/ngày; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt trên 73%; duy trì 16/16 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; tỷ lệ học sinh giỏi các cấp đạt 4,8% trở lên.
Thực hiện mục tiêu trên, trong những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, ngành giáo dục và đào tạo huyện cùng cộng đồng đã chung tay chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, mỗi năm học đều đặt ra những mục tiêu mới để chinh phục. Năm học 2024 - 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi ngành giáo dục và đào tạo đặt ra quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về giáo dục mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đã đề ra.
Theo đó, năm học 2024 - 2025, ngành giáo dục và đào tạo huyện Mường Khương đề ra các mục tiêu: Tỷ lệ huy động trẻ từ 3 tuổi đến 5 tuổi ra lớp đạt 99,7%; riêng trẻ 4 tuổi, 5 tuổi ra lớp đạt 99,9% trở lên; tỷ lệ huy động trẻ từ 6 - 10 tuổi ra lớp đạt trên 99,9%; trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; trẻ từ 11 - 14 tuổi ra lớp đạt 99,7%; trẻ từ 6 - 14 tuổi ra lớp đạt 99,7%. Về tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, đối với các xã vùng thấp và trung tâm huyện, cấp mầm non và tiểu học đạt 99,9% trở lên, cấp THCS đạt 99,7% trở lên; đối với các xã vùng cao và vùng khó khăn, cấp mầm non và tiểu học đạt trên 98%, cấp THCS trên 97%.
Tất cả trường phổ thông (cấp tiểu học và THCS) thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo quy định. Toàn huyện có từ 18 giải (Nhất, Nhì, Ba) trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh; có từ giải Ba trở lên trong cuộc thi khoa học - kỹ thuật và sáng tạo thanh thiếu niên cấp tỉnh.
Tỷ lệ học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS đạt từ 99,2% trở lên; tỷ lệ phân luồng sau tốt nghiệp THCS đạt từ 88% trở lên, trong đó các trường thuộc khu vực khó khăn phấn đấu đạt 75% trở lên; phấn đấu có ít nhất 5 học sinh thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Lào Cai, 15 học sinh thi đỗ vào Trường Trung học Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh.
Đến hết năm học 2024 - 2025, toàn huyện phấn đấu có 43/58 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 74,1%. Duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ; phổ cập giáo dục THCS; 16/16 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi (trong đó duy trì 13 xã, thị trấn; đạt mới 3 xã), hoàn thành mục tiêu huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi vào tháng 12/2024.
Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục triển khai hiệu quả nội dung giáo dục về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc địa phương trong trường học, trong đó xây dựng điểm tại các trường thuộc khu vực Na Lốc (xã Bản Lầu), Thanh Bình, Tả Ngài Chồ, Nấm Lư, Cao Sơn và Tả Thàng.
Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu cho Huyện ủy, HĐND, UBND huyện chỉ đạo đảng ủy, UBND các xã, thị trấn giải quyết những vướng mắc, khó khăn về cơ sở vật chất, huy động và duy trì học sinh đi học chuyên cần. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện các hoạt động giáo dục gắn với đổi mới toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong đó, nâng cao chất lượng mô hình trường học gắn với thực tiễn, trường phổ thông dân tộc bán trú gắn với giáo dục hướng nghiệp, hoạt động trải nghiệm, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học; xây dựng “Trường học hạnh phúc”; triển khai các mô hình giáo dục STEM, dạy học song ngữ... trong các cơ sở giáo dục có điều kiện.
Tiếp tục rà soát, xác định đúng lộ trình công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường chuẩn quốc gia theo từng năm và cả giai đoạn 2021 - 2025; chuẩn bị hồ sơ, điều kiện và xây dựng các giải pháp phù hợp, khả thi để đảm bảo các tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia. Chú trọng đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới; ưu tiên đầu tư, bổ sung thiết bị dạy học cho các trường ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; kiểm soát chặt chẽ kế hoạch cải tiến chất lượng trong và sau quá trình đánh giá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục các trường đạt chuẩn quốc gia.
Từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật ở các trường có điều kiện; tiếp tục đầu tư trang - thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo các điều kiện để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tiếp tục tham mưu huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, chuẩn hóa, đồng thời ưu tiên thiết bị dạy học, đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục...