Để hiểu hơn về vùng đất cổ Mường Chăn, chúng tôi tìm đến thôn Bản Pàu, xã Dương Quỳ, gặp ông Hoàng Văn Khiêm (87 tuổi), người cao tuổi trong vùng, cũng là chủ nhân ngôi nhà sàn 3 tầng lớn nhất và cổ nhất của huyện Văn Bàn. Ngồi trong ngôi nhà sàn cổ, nghe những câu chuyện của ông Khiêm về những huyền tích xứ Mường Chăn, tôi như cảm nhận được lịch sử ngàn xưa vọng về.
Khi chúng tôi hỏi về lịch sử vùng đất Mường Chăn và nguồn gốc cái tên Dương Quỳ, ông Khiêm kể: Theo sử sách và ông cha kể lại, Mường Chăn là vùng đất ven suối chăn thuộc châu Văn Bàn, phủ Quy Hóa, trấn Hưng Hóa - một địa danh có từ xa xưa (thời Lê Thánh Tông khoảng năm 1466). Đến khi Pháp đánh chiếm (năm 1886), Văn Bàn được chia thành 4 mường, gồm Mường Khóa (nay là xã Minh Lương), Mường Chăn (vùng đất ven suối Chăn, dưới chân dãy núi Hoàng Liên, thủ phủ là khu vực xã Dương Quỳ hiện nay), Mường Mả (khu vực xã Võ Lao) và Mường Thát (khu vực dưới chân dãy núi Gia Lan, nay gồm các xã Làng Giàng, Khánh Yên Thượng, Khánh Yên Trung, Khánh Yên Hạ, Chiềng Ken, Liêm Phú).
Còn tên gọi Dương Quỳ có thể xuất phát từ truyền thuyết về núi cụ rùa nằm ở địa bàn xã. Dương Quỳ nằm dưới chân dãy Hoàng Liên hùng vỹ, nếu từ trên sườn núi nhìn xuống thung lũng Mường Chăn, người ta thấy bóng dáng một con rùa lớn đang nằm, hai chân trước dang rộng, vươn ra ôm lấy cánh đồng rộng lớn của 3 thôn Mường Bê, Tông Pháy và Bản Pàu.
Chuyện kể rằng, thời xa xưa, cứ vài năm lại có một trận lũ lớn từ trên núi đổ xuống càn qua làng mạc, gây rất nhiều thiệt hại về người và nhà cửa. Để cuộc sống được yên bình, một tộc trưởng đã đứng ra bàn với các bô lão trong vùng sắp một lễ thật to để khẩn cầu Thần núi cứu giúp dân làng tránh được những trận lũ đó. Cảm động trước tấm lòng của người dân, Thần núi đã phái rùa thần xuống giúp ngăn lũ, bảo vệ làng bản. Từ đó cụ rùa cứ nằm đó, lấy thân mình chặn dòng lũ hung hãn, che chở cho bản làng người Tày Mường Chăn. Để tưởng nhớ công ơn cụ rùa, người dân đã đặt tên vùng đất này là Dương Quy (sau này gọi lái đi là Dương Quỳ).
Thực tế, tên gọi Dương Quỳ có từ bao giờ thì không có bút tích nào ghi chép chi tiết, chỉ biết từ năm 1015, địa danh Dương Quỳ đã được xác định rất rõ nét trên bản đồ Việt Nam. Dương Quỳ được nhắc đến nhiều nhất khi người Pháp muốn lập cứ địa ở vùng Tây Bắc, bởi nó gắn với hệ thống đồn bốt người Pháp xây dựng dọc tuyến “độc đạo” từ Phố Ràng thuộc châu Lục Yên (nay thuộc huyện Bảo Yên) qua xã Bảo Hà, vượt sông Hồng bằng bè, thuyền rồi đi qua một loạt xã thuộc huyện Văn Bàn đến Dương Quỳ, qua đèo Khau Co để sang miền Tây Bắc. Khi ấy, từ Hà Nội lên Tây Bắc, người Pháp chỉ có hai tuyến đường là lên Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên hoặc từ Hà Nội lên Lào Cai bằng trục đường sắt Hà - Lào, sau đó xuống ga Bảo Hà rồi đi Văn Bàn vượt đèo Khau Co sang Lai Châu đi Điện Biên - Sơn La.
Dương Quỳ không phải là trung tâm của huyện Văn Bàn nhưng nằm ở vị trí chiến lược, chốt chặn một cửa ngõ rất quan trọng lên Tây Bắc, nên các thời vua chúa trước đó hoặc sau này là người Pháp luôn rất coi trọng vùng đất và con người nơi đây. Minh chứng rõ nhất là trong các đồn bốt ở Tây Bắc thì đồn Dương Quỳ được xây dựng kiên cố nhất và cũng là đồn duy nhất được trang bị hệ thống ra đa hiện đại thời bấy giờ, có thể khống chế cả vùng Tây Bắc và khu vực thung lũng Mường Lò - Nghĩa Lộ (Yên Bái). Cũng nhờ giao thông thuận lợi, nơi đây trở thành trung tâm giao lưu, buôn bán sầm uất của châu Văn Bàn xưa và huyện Văn Bàn nay.
Ở Mường Chăn hôm nay, thời gian như lớp bụi mờ giăng mắc lên quá khứ, đồn Pháp, trạm ra đa, thành quách xưa cũng lùi vào lịch sử nhưng còn đó tên gọi núi cụ rùa hoặc những ngôi nhà sàn trăm tuổi và câu chuyện lịch sử về một thời đấu tranh cách mạng… là minh chứng cho sự phát triển trường tồn của vùng đất cổ này.
Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí La Văn Thắm, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ, sau chiến tranh, Dương Quỳ cũng như hầu hết các địa phương khác của huyện Văn Bàn gặp nhiều khó khăn do hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống thủy lợi manh mún cộng với lối canh tác cũ nên dù đồng đất rất trù phú nhưng năng suất cây trồng, vật nuôi đạt thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.
Phát huy truyền thống cách mạng, từ sau ngày tái lập tỉnh năm 1991 và nhất là từ khi Nhà nước triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, hạ tầng nông thôn ở Dương Quỳ được đầu tư, người dân tập trung phát triển kinh tế, các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.
Năm 2019, xã “về đích” nông thôn mới, các tiêu chí được hoàn thiện, diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn được đổ bê tông; hệ thống thủy lợi được đầu tư bài bản; hầu hết nhà ở của người dân trong xã được xây dựng mới hoặc sửa sang khang trang nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc Tày.
Xã Dương Quỳ có 1.300 hộ, hiện vẫn có hơn 800 hộ còn gìn giữ nếp nhà sàn truyền thống, đây là “kho báu” vô giá để địa phương phát triển du lịch cộng đồng.
“Trải qua các thời kỳ lịch sử, Mường Chăn xưa - Dương Quỳ nay vẫn giữ vai trò quan trọng, là trung tâm cụm phía Tây của huyện Văn Bàn và là cầu nối quan trọng giữa miền xuôi với Tây Bắc qua tuyến đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với tỉnh Lai Châu. Thời gian tới, Đảng bộ xã sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến địa phương đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp, du lịch… phấn đấu đưa Dương Quỳ trở thành xã phát triển của huyện” - đồng chí Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ.
Trong nắng xuân ấm áp, chúng tôi thong dong xe máy đi thăm các thôn, bản để cảm nhận rõ hơn sự vươn mình của vùng đất này. Ở những nơi dấu tích đồn Pháp xưa, giờ đây là những bãi ngô, đồi cây ăn quả xanh mướt và rừng quế bạt ngàn, mang lại cho người dân cuộc sống no đủ. Dương Quỳ ngày càng có nhiều hộ nông dân trở thành triệu phú, diện mạo nông thôn đổi thay từng ngày…