Quay vềE-magazineTheo dõi Báo Lào Cai trênGoogle News
Điểm tựa trong bão giông

Điểm tựa trong bão giông

Bão số 3 (Yagi) trở thành thảm họa thiên nhiên, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân các tỉnh phía Bắc. Bão số 3 đã làm 344 người chết, mất tích; nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại, hoa màu bị ngập úng,… gây thiệt hại về tài sản lên tới 81.503 tỷ đồng. Đặc biệt, mưa lũ đã làm cho nhiều gia đình không còn ai sống sót, một số làng bản bị xóa sổ gần như hoàn toàn. Trong lúc bão lũ hoành hành thì vai trò của hệ thống chính trị đã được phát huy cao độ, trở thành “điểm tựa” vững chắc cho người dân vùng thiên tai, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

diem-tua-trong-bao-giong-22-5937.jpg

Lào Cai - sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh. Do đặc điểm về địa hình, lịch sử hình thành, phát triển, gìn giữ biên cương của Tổ quốc, người dân đã tích lũy nhiều tri thức dân gian, kinh nghiệm trong ứng xử với thiên nhiên và đối phó với thiên tai, đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Trước những dự báo của cơ quan chức năng về tính chất, mức độ nguy hiểm của bão số 3, cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã phát đi nhiều văn bản chỉ đạo, cảnh báo, khuyến cáo người dân cảnh giác, chuẩn bị chu đáo các điều kiện để phòng tránh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hoàn lưu bão gây ra.

diem-tua-trong-bao-giong-42.png
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (Yagi), trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Mặc dù đã có sự chủ động, chuẩn bị chu đáo nhưng sự tàn phá của bão số 3 vẫn ngoài sức tưởng tượng của con người. Hoàn lưu bão số 3 gây ra mưa khắp toàn tỉnh, có nơi mưa to đến rất to với lượng 100 - 200mm/đợt, cùng với lượng mưa lớn trước đó đã để lại hậu quả rất nặng nề chưa từng có trong lịch sử. Từ ngày 9/9, lũ lớn đã xảy ra trên 2 sông lớn chảy qua tỉnh Lào Cai là sông Hồng và sông Chảy, gây ngập úng, sạt lở đất trên diện rộng tại thành phố Lào Cai, Bát Xát, Bảo Yên, Bắc Hà, Bảo Thắng; mưa lớn cũng gây ngập nặng chưa từng có tại trung tâm huyện biên giới Si Ma Cai.

Trong khi lãnh đạo tỉnh và cả hệ thống chính trị đang tập trung chỉ đạo ứng phó, di chuyển, bảo đảm an toàn cho người, tài sản của người dân tại các khu vực bị ngập úng và cô lập thì hàng loạt trận lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ngoài dự đoán đã xảy ra tại nhiều địa bàn của huyện Bảo Yên, Bắc Hà, Bát Xát trong liên tiếp 2 ngày (10 và 11/9). Có những bản làng bình yên bao đời nay như Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên) và Nậm Tông (xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà) chỉ sau một trận lũ quét đã gần như bị xóa trắng hoàn toàn, hơn trăm người dân bị vùi lấp dưới lớp đất đá, bùn nước, nhiều gia đình không còn ai sống sót, nhiều chỗ ngồi trong lớp học vùng lũ đã mãi mãi vắng bóng học sinh ngây thơ, thân yêu.

diem-tua-trong-bao-giong-29.png
Không khí tang thương bao trùm Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên).

Ngay trong tâm lũ và trước khó khăn, hiểm nguy, vai trò của hệ thống chính trị mà nòng cốt là người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội, bí thư chi bộ, trưởng thôn ở cơ sở trong chỉ đạo ứng phó, cứu trợ, cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ đã được khẳng định. Ở cấp tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ngay lập tức họp chỉ đạo phân công các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khẩn trương tiếp cận địa bàn, chỉ đạo triển khai các biện pháp với yêu cầu rất cụ thể. Tại một số địa phương bị thiệt hại nặng đã thành lập sở chỉ huy tiền phương, cử các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp chỉ huy tại hiện trường.

diem-tua-trong-bao-giong-11.png
Đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì cuộc họp chỉ đạo triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 gây ra trên địa bàn.
diem-tua-trong-bao-giong-27.png
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong kiểm tra công tác khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân bị thiệt hại do mưa lũ.
diem-tua-trong-bao-giong-25.png
Đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo huyện Bắc Hà đã tới hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, động viên, hỗ trợ gia đình bị nạn.

Ngay khi tiếp nhận thông tin tình hình thiệt hại lớn, chiều 10/9, đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai đã chủ trì cuộc họp khẩn với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và các sở, ngành, địa phương nhằm chỉ đạo triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 gây ra, nhất là các địa phương đang bị chia cắt mạnh như Bảo Yên, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát; khẩn trương thực hiện các phương án ứng cứu để đảm bảo tính mạng người dân và các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn; những nơi sạt lở, có người mất tích, tất cả lực lượng tổ chức tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ nhưng phải đảm bảo an toàn cho lực lượng trên nguyên tắc sử dụng tại chỗ nơi khó tiếp cận, bị cô lập; bảo vệ tài sản của Nhân dân, doanh nghiệp và Nhà nước; đảm bảo nhu cầu thiết yếu và đời sống người dân, nhất là những nơi đang bị chia cắt, khó khăn; sớm khôi phục sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ; thăm hỏi, hỗ trợ người dân bị thiệt hại về nhà ở, điều kiện sinh hoạt, sản xuất; khôi phục sớm về điện, thông tin liên lạc...

diem-tua-trong-bao-giong-30-6231-8166.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường và đoàn công tác đã đến kiểm tra trực tiếp hiện trường khu vực xảy ra sạt lở tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên).

diem-tua-trong-bao-giong-26.png
Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang đã có mặt và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Si Ma Cai.

Cấp ủy, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, nhất là trong công tác cứu hộ, cứu nạn người chết và mất tích, thành lập sở chỉ huy tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên) và tập trung lực lượng tại các địa bàn xảy ra hậu quả nghiêm trọng như thôn Nậm Tông (xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà), xã A Lù (huyện Bát Xát)... Đó là hình ảnh các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương không quản cách trở, lội bùn nước, vượt hiểm nguy đến động viên, chia sẻ với người dân, đưa ra những quyết định nhanh chóng hợp lòng dân về cứu trợ, tái thiết cuộc sống sau lũ. Đó là hình ảnh của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang không quản hiểm nguy tìm kiếm cứu nạn, tìm người mất tích; hình ảnh đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ, cán bộ cơ sở xả thân băng mình cứu dân trong dòng lũ dữ, giúp dân sơ tán, thu hoạch hoa màu, dọn dẹp nhà ở trong và sau lũ.

diem-tua-trong-bao-giong-12.png
Sự tàn phá khốc liệt do mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện Bát Xát.

Quá trình ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên xả thân vì cộng đồng, vì sự an nguy của người dân, như anh Hoàng Văn Diệp, Trưởng thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên) đã chủ động, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng chỉ dẫn, hỗ trợ các lực lượng chức năng, tìm kiếm người dân thôn Làng Nủ mất tích, phân phối hàng cứu trợ; anh Châu Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Mường Hum (huyện Bát Xát) đã chỉ đạo di chuyển khẩn cấp 130 học sinh và 11 giáo viên Trường THCS và THPT Bát Xát đến nơi an toàn trước khi khu vực này bị sập hoàn toàn; anh Ma Seo Chứ, Trưởng thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà) đã tổ chức kiểm tra và phát hiện vết nứt có thể gây sạt lở đất, từ đó kiên quyết vận động di dời 115 người dân trong thôn đến nơi an toàn, tránh được thảm họa có thể xảy ra...

diem-tua-trong-bao-giong-13.png
Khi phát hiện nguy cơ sạt lở, anh Ma Seo Chứ (trái ảnh), Trưởng thôn Kho Vàng đã kêu gọi 17 hộ dân trong thôn sơ tán lên khu đất cao gần địa bàn, dựng lán trại để lánh nạn.

Chỉ đạo, định hướng lực lượng báo chí, cán bộ, đảng viên tích cực đăng tải, lan tỏa các thông tin, hình ảnh đẹp trong công tác hỗ trợ, chia sẻ cùng nhau vượt khó khăn, qua đó cả nước hướng về Lào Cai, hướng về Làng Nủ; nỗ lực của các lực lượng chức năng và cộng đồng dân cư khắc phục hậu quả sau bão... Bên cạnh đó, xử lý kịp thời thông tin sai trái, xuyên tạc trên mạng xã hội về tình hình mưa lũ gây hoang mang dư luận, phức tạp tình hình.

phat-huy-vai-tro-truyen-thong-trong-ung-pho-khac-phuc-hau-qua-thien-tai.png
Phóng viên Báo Lào Cai chủ động, trực tiếp tác nghiệp để có những bản tin nhanh nhất, chính xác nhất, chân thực nhất nơi tâm lũ.

Cùng với sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là sự chỉ đạo, động viên trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh không chỉ khẳng định vai trò lãnh đạo mà còn “đi cùng” người dân trong ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ, thực sự trở thành “điểm tựa” vững chắc của người dân trong hoạn nạn.

diem-tua-trong-bao-giong-14.png
Sau khi thị sát hiện trường sạt lở đất tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên), đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với tỉnh Lào Cai về công tác khắc phục hậu quả do hoàn lưu bão số 3 gây ra.
diem-tua-trong-bao-giong-43.png
Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đến thăm hỏi người dân và kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả sạt lở đất tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên).
diem-tua-trong-bao-giong-4-9962.jpg

Thiên tai, bão lũ hay bất cứ một sự rủi ro nào cũng là điều không ai mong muốn. Có điều, trong hoạn nạn, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của người dân lại được thắp lên, bùng cháy, lan tỏa ra khắp cả nước và trở thành nguồn sức mạnh nội sinh vô cùng to lớn giúp những bản làng, những phận người bị nạn được chở che, được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua đau thương, mất mát và hồi sinh. Một trong những “đòn bẩy” mang tính quyết định là vai trò của hệ thống chính trị trong phát động, kêu gọi, lan tỏa những giá trị cao đẹp đó.

diem-tua-trong-bao-giong-16.png
diem-tua-trong-bao-giong-15.png
Những đoàn xe cứu trợ hướng về người dân bị thiệt hại do bão lũ.

Trong sự tàn khốc, đau thương do bão lũ gây ra, tình dân tộc, nghĩa đồng bào với truyền thống “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” của người dân Lào Cai cũng như cả nước lại có dịp trỗi dậy, bùng cháy và lan tỏa hơn bao giờ hết. Tinh thần ấy, truyền thống tốt đẹp ấy đã biến thành sức mạnh và nguồn lực to lớn, vượt qua mọi giới hạn về không gian địa lý, vượt qua hiểm nguy, gian khó, kết nối triệu trái tim hướng về người dân vùng thiên tai.

Khi hàng nghìn người dân Lào Cai ở “rốn” lũ quét như Làng Nủ (huyện Bảo Yên), Nậm Tông (huyện Bắc Hà), A Lù (huyện Bát Xát) và nhiều nơi trong tỉnh đang chìm trong đau thương, mất mát và vật lộn với ngổn ngang khó khăn bởi nước dâng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã khẩn trương triển khai hàng loạt giải pháp để một mặt cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, mặt khác kêu gọi sự sẻ chia, giúp đỡ từ mọi nơi, mọi tổ chức, cá nhân và chúng ta đã chứng kiến, thật sự xúc động trước rất nhiều hành động rất đẹp, nhân văn.

loi-cam-on-gui-tu-tam-lu.png
Nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú miễn phí chỗ ăn, nghỉ cho các đoàn cứu trợ bão lũ đến tỉnh Lào Cai.

Đó là hình ảnh của những người dân đã dùng phương tiện ô tô để che chở cho người đi đường hoặc đón lên xe để bảo đảm an toàn khi cơn bão đang điên cuồng càn quét. Đó là hình ảnh của những cán bộ cơ sở vùng cao với đôi chân không mỏi đã băng rừng, vượt suối để tiếp cận sớm nhất hiện trường, cứu giúp người dân bị nạn trong điều kiện sạt lở đồi núi, giao thông chia cắt, liên lạc gián đoạn, đói khát. Đó là nhiều nhà xe, doanh nghiệp vận tải tự nguyện nhận vận chuyển miễn phí người, hàng hóa của người dân vùng lũ hoặc hàng cứu trợ đến vùng lũ…

loi-cam-on-gui-tu-tam-lu-1.png
Những dòng tin nhắn kết nối, giúp đỡ và hỗ trợ được gửi đến trong những ngày huyện Bảo Yên gánh chịu thiệt hại bởi thiên tai.

Chúng ta bắt gặp lại tinh thần thời kháng chiến với các khẩu hiệu: “Hướng về miền Bắc thân yêu”, “Chia sẻ yêu thương, hướng về miền Bắc”, “Lào Cai thẳng tiến”,… trên hàng trăm chuyến xe lớn nhỏ từ mọi miền của Tổ quốc nối nhau ngày đêm vượt quãng đường dài hiểm nguy, vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm và hàng nghìn hội, nhóm, tổ chức, cá nhân thiện nguyện quyên góp vật chất, đồ dùng thiết yếu, tiền cho người dân vùng lũ; tự nguyện sửa chữa miễn phí thiết bị gia dụng, phương tiện đi lại bị hỏng hóc do mưa lũ cho người dân; hàng triệu lời nhắn gửi sẻ chia, động viên của đồng bào cả nước gửi đến người dân và cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố bị thiệt hại bởi mưa bão.

Không chỉ người dân vùng bị thiệt hại nhận sự chia sẻ mà ngay cả nhiều đoàn thiện nguyện cũng nhận lại nhiều tình cảm và sự yêu thương của người dân địa phương. Đó là hình ảnh rất đẹp và xúc động khi rất nhiều người dân hai bên đường có các đoàn xe thiện nguyện đi qua hoặc khu vực ít chịu ảnh hưởng tại huyện Bảo Thắng, thành phố Lào Cai đã tự nguyện quyên góp, chung tay nấu những bữa cơm/suất cơm "0 đồng" mời gọi và phục vụ các đoàn thiện nguyện bất kể ngày đêm, sớm tối; nhiều khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và nhiều nơi khác mời gọi các đoàn thiện nguyện đến nghỉ miễn phí…

diem-tua-trong-bao-giong-39.png
Những bữa cơm, cốc nước nghĩa tình, chứa chan tình cảm của người dân vùng cao Lào Cai dành cho những nhà hảo tâm đã không quản ngại đường xa, từ mọi miền Tổ quốc đến với Lào Cai để chia sẻ sự nhọc nhằn, khó khăn, mất mát.

Còn biết bao hành động, nghĩa cử cao đẹp không thể kể hết của cán bộ, đảng viên, người dân trên khắp cả nước, cả ở nơi bị thiệt hại lẫn những vùng an toàn dành cho nhau. Người dân ở các vùng bị thiên tai như Sa Pa bị lở núi nhưng sẵn sàng nhường nhà ở, phòng nghỉ, nấu ăn miễn phí cho dân. Người dân ở thành phố Lào Cai vừa giúp nhau chạy lũ vừa chia nhau chai nước khoáng, chiếc bánh mì, chỗ nghỉ miễn phí. Các con thuyền vào từng ngõ phố đón dân đến nơi an toàn. Điện mất, chỉ có ánh đèn pin loang loáng tìm gọi người dân lên thuyền. Các dãy phố mịt mù trong đêm nhưng lòng người vẫn sáng.

diem-tua-trong-bao-giong-44.png

Với truyền thống “tương thân tương ái”, “thương người như thể thương thân”, Ban Vận động cứu trợ tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận đăng ký và ủng hộ của hơn 7.200 tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp với số tiền 334,38 tỷ đồng và rất nhiều hàng hóa, thiết bị.

Điều đáng chú ý là những nhà hảo tâm ngày càng tin tưởng vào hệ thống chính trị, trước đây đại đa số họ đến trực tiếp trao quà cho người dân vùng thiên tai, nhưng nay phần đa đăng ký và hỗ trợ thông qua hệ thống chính trị. Số kinh phí ngay lập tức được phân bổ đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương để mua nhu yếu phẩm thiết yếu hỗ trợ Nhân dân; hỗ trợ người dân sửa chữa và dựng lại nhà ở; hỗ trợ cây, con giống cho Nhân dân khôi phục sản xuất. Đây là những nguồn lực rất quan trọng và cần thiết để hỗ trợ người dân phần nào vơi đi mất mát, thiệt thòi và sớm vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống mới.

diem-tua-trong-bao-giong-45.png
Đồng chí Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy động viên, chia tay lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn rời thôn Nậm Tông.
diem-tua-trong-bao-giong-4-3040.jpg

Sau lũ, gần như toàn tỉnh ngổn ngang, tan hoang, khó khăn chồng chất. Thống kê đến nay Lào Cai có 239 người chết, mất tích, bị thương, trong đó 138 người chết (thị xã Sa Pa 9 người, huyện Văn Bàn 2 người, huyện Bắc Hà 30 người, huyện Si Ma Cai 7 người, huyện Bát Xát 15 người, huyện Bảo Yên 75 người); 88 người bị thương và đau xót nhất vẫn còn 13 người mất tích tại các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Yên; gần 11.000 nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi; nhiều hạ tầng và công trình giao thông, điện nước bị hư hỏng. Ước tổng thiệt hại hơn 7.000 tỷ đồng (gần bằng tổng thu ngân sách nhà nước của Lào Cai năm 2023). Cùng với thiệt hại to lớn và tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 cách đây 4 năm, thiệt hại “kép” từ bão số 3 đã để lại những hậu quả rất nặng nề.

diem-tua-trong-bao-giong-6.png

Trước muôn vàn khó khăn như thế, nhưng với ý chí và truyền thống đã được hun đúc, rèn luyện qua lịch sử, với tinh thần đoàn kết, yêu nước, Đảng bộ, chính quyền và cộng đồng 25 dân tộc Lào Cai đã gác lại đau thương, khẩn trương bắt tay khắc phục hậu quả thiên tai, tái thiết và hồi sinh cuộc sống mới. Nhà văn Nguyễn Khải từng nói: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Câu chuyện ở Lào Cai trong ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 là minh chứng thực tiễn và sinh động.

diem-tua-trong-bao-giong-33.png
Khởi công xây dựng, tái thiết khu tái định cư thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên.

Chỉ hơn 1 tuần xảy ra trận mưa lũ lịch sử, trong 2 ngày cuối tuần (21 - 22/9), cùng với sự chung tay, thống nhất của các đơn vị tài trợ, nhà hảo tâm, tỉnh Lào Cai đã phối hợp với các đơn vị liên quan khởi công 3 khu tái định cư cho bà con, đó là 40 căn nhà cho người dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên) và 15 căn nhà cho người dân thôn Nậm Tông (xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà) do Quỹ tấm lòng Việt, Đài Truyền hình Việt Nam tài trợ; 40 căn nhà cho người dân thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà) do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tài trợ. Theo kế hoạch, các khu tái định cư sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2024 để bàn giao cho người dân có nơi ở ổn định.

Bên cạnh hạng mục nhà ở bảo đảm an toàn, công năng sử dụng, toàn bộ khu tái định cư này còn có các công trình khác như trường học, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt của người dân, đặc biệt 40 căn nhà của người dân thôn Làng Nủ (huyện Bảo Yên) được thiết kế mang đặc trưng kiến trúc truyền thống dân tộc Tày. Cũng trong thời gian rất ngắn, các khu tạm cư cho người dân bị mất nhà ở tại Làng Nủ (huyện Bảo Yên), Kho Vàng (huyện Bắc Hà) đã được dựng xong, đáp ứng nhu cầu của người dân trong khi chờ hoàn thành khu tái định cư.

diem-tua-trong-bao-giong-18.png
Khởi công tái thiết khu dân cư thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà).

Nhằm bảo đảm tính chiến lược lâu dài, ngay trong cuối tháng 9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 50-CT/TU về việc khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi) và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tiếp đó, đầu tháng 10/2024, UBND tỉnh đã ban hành Hướng dẫn 414/HD-UBND về thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các gia đình bị thiệt hại về nhà ở do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) trên địa bàn tỉnh. Một trong những nội dung quan trọng tỉnh chỉ đạo là khẩn trương tổ chức ứng phó, hỗ trợ người dân bị thiệt hại, đảm bảo khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh chóng và hiệu quả với phương châm là không để ai bị thiếu đói và có chỗ ở an toàn, mau chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống; đảm bảo an sinh xã hội như cung cấp lương thực, thực phẩm, nước sạch, thuốc men và hỗ trợ chỗ ở tạm thời cho người dân bị ảnh hưởng; không để người dân rơi vào tình trạng thiếu thốn các nhu cầu thiết yếu trong những tháng cuối năm. Chỉ đạo lồng ghép công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương; việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm soát an toàn thiên tai trong tất cả các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro thiên tai.

diem-tua-trong-bao-giong-19.png
Những căn nhà sàn đầu tiên đã hiện hữu ở khu tái thiết Làng Nủ.

Về chính sách hỗ trợ gia đình bị thiệt hại về nhà ở do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi), Lào Cai quy định cụ thể đối tượng được hỗ trợ, điều kiện, nguyên tắc, mức hỗ trợ tương ứng với từng mức độ thiệt hại. Một trong những điểm quan trọng của chính sách này là quy định mức hỗ trợ. Mức hỗ trợ gia đình có nhà ở bị sập, trôi, đổ hoàn toàn hoặc không thể ở được nữa, phải xây dựng lại mới là 100 triệu đồng/nhà/hộ; gia đình có nhà ở bị hư hỏng nặng phải sửa chữa là 25 triệu đồng/nhà/hộ; gia đình phải di dời nhà ở khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền là 80 triệu đồng/nhà/hộ. Riêng đối với các gia đình người có công với cách mạng, gia đình thân nhân liệt sĩ, mức hỗ trợ nếu nhà ở bị sập, trôi, đổ hoàn toàn là 120 triệu đồng/nhà/hộ; gia đình có nhà ở bị hư hỏng nặng phải sửa chữa tối đa 30 triệu đồng/nhà/hộ; gia đình phải di dời nhà ở khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền là 100 triệu đồng/nhà/hộ.

diem-tua-trong-bao-giong-20.png
Đẩy mạnh hoạt động dân vận khắc phục hậu quả sau bão số 3, khôi phục sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bảo Yên.

Hiếm có thời điểm nào trong lịch sử Lào Cai mà việc quyết định triển khai công tác tái thiết, bố trí xây dựng các khu tái định cư cho người dân bị thiệt hại bởi mưa lũ lại được lãnh đạo tỉnh và hệ thống chính trị triển khai thần tốc, được người dân đồng thuận cao như vậy. Thực tiễn hiện nay việc triển khai thực hiện các chủ trương này đã và đang được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh triển khai khẩn trương, nghiêm túc, một số hạng mục đã được thực hiện thần tốc như xây dựng khu tái định cư Làng Nủ (huyện Bảo Yên), rà soát đối tượng và thực hiện chế độ hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng... Thực tiễn này tiếp tục khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tinh thần đoàn kết trong toàn xã hội đã thực sự trở thành điểm tựa vững chắc cho người dân; đồng thời phản bác lại các luận điệu sai trái, phản động, sai sự thật của các thế lực thù địch đối với vai trò và sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống chính trị; củng cố, tăng cường niềm tin của các tầng lớp Nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân.

diem-tua-trong-bao-giong-35.png

Cốt cách và lịch sử văn hóa hào hùng, văn minh, văn hiến, truyền thống đoàn kết, yêu nước, tinh thần tương thân tương ái, thương người như thể thương thân của người Việt Nam, trong đó có Lào Cai như mạch nguồn bất tận vẫn âm ỉ và miệt mài chảy trong huyết quản mỗi người dân. Và như khái quát về “6 điểm tựa Việt Nam” của Thủ tướng Phạm Minh Chính, với sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc khẩn trương, trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp, Lào Cai có niềm tin sẽ sớm chiến thắng khó khăn, thử thách, sớm vượt qua đau thương, mất mát do thiên tai để xây dựng cuộc sống mới tươi đẹp, ấm no, hạnh phúc, bình an.

Trình bày: Khánh Ly

Trong bài có sử dụng ảnh, video của các phóng viên, CTV

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bắt đầu thăm chính thức Vương quốc Campuchia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bắt đầu thăm chính thức Vương quốc Campuchia

Chuyến thăm nhằm tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam - Campuchia đi vào giai đoạn phát triển mới trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác hiệu quả, tôn trọng lợi ích của nhau; góp phần củng cố tin cậy chiến lược và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội và Thượng viện Vương quốc Campuchia.

''Cuộc cách mạng'' tinh gọn bộ máy

''Cuộc cách mạng'' tinh gọn bộ máy

Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó có các cơ quan của Quốc hội.

Bài cuối: Ở đâu khó, có đại biểu hội đồng nhân dân

Dấu ấn những đại biểu dân cử nơi “tâm lũ” Bài cuối: Ở đâu khó, có đại biểu hội đồng nhân dân

Trong các bài viết trước, chúng tôi đã kể câu chuyện về những đại biểu hội đồng nhân dân như bà Trần Hoài Thu, ông Sùng A Siềng, bà Đặng Thị Sinh, họ đều là tấm gương hết lòng vì Nhân dân nơi “tâm lũ”. Trên hành trình thực hiện loạt phóng sự này, chúng tôi còn được gặp gỡ nhiều đại biểu dân cử trong vùng thiên tai. Câu chuyện từ thực tế đời sống, việc làm ý nghĩa của các đại biểu và tình cảm bà con dành cho họ đều khẳng định một điều: Ở đâu khó, có đại biểu hội đồng nhân dân.

Bài 3: Cán bộ "3 cùng" nơi "rốn lũ" Nậm Tông

Dấu ấn những đại biểu dân cử nơi “ tâm lũ” Bài 3: Cán bộ "3 cùng" nơi "rốn lũ" Nậm Tông

“Nơi chốn mình từng đi về trong suốt hàng chục năm qua bỗng một ngày tan hoang. Những người dân bản thân quen giờ chỉ có thể nhìn lại trong bức ảnh chụp vào Ngày hội Đại đoàn kết một năm về trước… Xót xa, đau lòng lắm! Mình phải biến đau thương thành hành động để giúp đồng bào” là những lời tâm sự nghẹn ngào của bà Đặng Thị Sinh, Phó Chủ tịch HĐND xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà về trận lũ kinh hoàng vừa quét qua mảnh đất này.

Quyết tâm chính trị cao nhất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả

Quyết tâm chính trị cao nhất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Bài 2: Người gieo khát vọng ấm no trên vùng lũ A Lù

Dấu ấn những đại biểu dân cử nơi “ tâm lũ” Bài 2: Người gieo khát vọng ấm no trên vùng lũ A Lù

Ngải Thầu tiếng Mông nghĩa là “mũi đá”, trước đây là một xã độc lập nhưng hiện nay đã được sáp nhập vào xã A Lù, huyện Bát Xát. Ở mảnh đất biên giới cheo leo trên sườn núi ấy, ông Sùng A Siềng (dân tộc Mông) là đại biểu HĐND xã A Lù, Bí thư Chi bộ thôn Phìn Chải 1 đã không quản ngại khó khăn, vất vả, tích cực tuyên truyền di chuyển các hộ ra khỏi khu vực nguy hiểm và hỗ trợ người dân vượt qua thiên tai sau cơn bão số 3.

Bài 1: Nữ đại biểu vì dân nơi "tâm lũ" Làng Nủ

Dấu ấn những đại biểu dân cử nơi “tâm lũ” Bài 1: Nữ đại biểu vì dân nơi "tâm lũ" Làng Nủ

Tôi đã ấp ủ bài viết về bà sau cuộc gặp ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên) - nơi vừa chịu bao đau thương do cơn lũ lịch sử gây ra. Người đàn bà ở tuổi 55, dáng người nhỏ bé, quần xắn móng lợn, lúc nào cũng tất tả ngược xuôi nơi “tâm lũ” Làng Nủ. Suốt 20 năm làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Làng Nủ, 20 năm làm đại biểu HĐND xã Phúc Khánh, bà Trần Hoài Thu luôn được bà con quý trọng, mến yêu. Trong cơn lũ lịch sử vừa qua, người đại biểu ấy không một ngày ngơi nghỉ vì đồng bào vùng lũ.

fbytzltw