Trên chặng đường đổi mới mạnh mẽ theo hướng "chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại", hệ thống 64 tờ báo Ðảng trên toàn quốc đã có nhiều sáng kiến vượt lên những rào cản, cách thức tư duy cũ để tạo ra được những thay đổi quan trọng, hợp lý về nội dung, hình thức, nâng cao vai trò, vị thế và chất lượng của hệ thống báo Ðảng, bảo đảm thông tin luôn trúng, đúng, hay và thực sự hấp dẫn công chúng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Những kinh nghiệm đúc kết từ thực tế mang đến bài học quý giá cho việc nhân rộng hơn nữa hiệu quả đổi mới, sáng tạo.
Báo Tuyên Quang luôn chú trọng đổi mới nội dung và hình thức thể hiện các ấn phẩm báo chí. Đối với báo điện tử, tiếp tục tổ chức tìm hiểu, học hỏi và khai thác các thiết bị, công nghệ vào sản xuất chương trình.
Sau Hội nghị Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc năm 2022 tại Đà Nẵng, Báo Tuyên Quang đã tập trung thực hiện những nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, chú trọng đổi mới cách thức thể hiện, phát huy thế mạnh của thông tin báo chí trên môi trường số bằng các sản phẩm phong phú, đa dạng; tăng hình ảnh, số liệu, dữ liệu đồ họa để tuyên truyền về các sự kiện, hoạt động quan trọng và triển khai các chủ trương chính sách một cách dễ hiểu, tiếp cận người dân nhanh chóng và hiệu quả thông qua các tác phẩm media. Những nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch... của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh mới ban hành đều được thiết kế dưới dạng Infographic có điểm nhấn, dễ hiểu, dễ nhớ.
Báo Lào Cai long trọng kỷ niệm 60 năm ngày ra số đầu
Thứ hai, tiếp tục mở rộng đối tượng tiếp cận, cơ cấu các chuyên mục, bổ sung thêm chuyên mục mới cho phù hợp. Báo đã xây dựng Bản tin phát thanh hằng ngày vào 18 giờ 30 phút, tổng hợp thông tin thời sự diễn ra trong ngày trên địa bàn tỉnh, trong nước và quốc tế; tổ chức thực hiện chuyên mục Thiếu nhi trên báo điện tử nhằm tăng tương tác giữa báo với độc giả nhỏ tuổi với hình thức thể hiện thông qua các tác phẩm đa phương tiện.
Thứ ba, phát triển và đưa thông tin chính thống theo xu hướng đa nền tảng của báo điện tử, xây dựng Fanpage chính thức của Báo Tuyên Quang trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, YouTube… một cách bài bản. Đồng thời, bố trí đội ngũ phóng viên, kỹ thuật để thực hiện các sản phẩm thông tin theo nhu cầu của độc giả phát triển trên các kênh để thu hút độc giả và tạo ra nguồn thu từ lượng độc giả xem, phản hồi.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới báo in theo hướng chuyên sâu, xây dựng nội dung tuyên truyền cho từng số báo đáp ứng yêu cầu thông tin thời sự, các sự kiện, vấn đề đang diễn ra bảo đảm kịp thời, đúng định hướng của tỉnh; chú trọng lựa chọn chủ đề được người đọc quan tâm cho từng số báo.
Thứ năm, tổ chức sự kiện, hướng tới đa dạng hóa nguồn thu. Lần đầu tiên, Báo Tuyên Quang tổ chức Gala Nhịp cầu nhân ái sau hơn một năm hình thành chuyên mục "Nhịp cầu nhân ái" nhằm vinh danh các nhà tài trợ, mạnh thường quân và gặp gỡ các hoàn cảnh khó khăn của chuyên mục. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Báo Tuyên Quang online và Fanpage Báo Tuyên Quang online. Báo đã nhận được tài trợ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để tổ chức sự kiện và đóng góp vào Quỹ Nhịp cầu nhân ái của Báo.
*****
Tiếp đà đổi mới tờ báo, sau Hội nghị Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc, Báo Hải Dương định vị lại các sản phẩm theo hướng: Các dòng thông tin thời sự được ưu tiên đưa lên báo điện tử trước để phục vụ công chúng và thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo của tỉnh.
Báo điện tử Hải Dương gia tăng các sản phẩm báo chí đa phương tiện. Quan điểm của Ban Biên tập là bạn đọc có thể đọc, nghe, xem trên Báo Hải Dương. Các sản phẩm: E-magazine, Podcast, đồ họa ngày càng nhiều và hoàn thiện hơn, hấp dẫn hơn. Số lượng tin, bài đồng thời có audio, video clip tăng lên.
Báo Hải Dương đẩy mạnh phát triển các trang mạng xã hội, Fanpage Báo Hải Dương…, từ đó, đây không chỉ là kênh thông tin với hàng trăm nghìn người đăng ký kênh theo dõi mà còn hỗ trợ lan tỏa thông tin của Báo Hải Dương tới bạn đọc.
Hiện nay, số lượng người đọc Báo Hải Dương điện tử đứng thứ hai ở khu vực đồng bằng sông Hồng và trong tốp đầu các báo Đảng địa phương. Cũng so sánh trong hệ thống báo Đảng địa phương, Fanpage Báo Hải Dương đang dẫn đầu ở miền bắc, và đứng thứ ba cả nước về số người theo dõi trong số những trang đã được cấp "tích xanh".
Thúc đẩy chuyển đổi số, nhưng Báo Hải Dương không xem nhẹ báo in. Báo in chuyển trọng tâm sang các ấn phẩm có chất lượng cao. Số báo Xuân Quý Mão 2023 được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, huy động nguồn lực xã hội hóa tăng 55% so số Xuân Tân Sửu 2021. Báo in tăng cường nhận diện, tăng hình ảnh, tăng bài điều tra, phê bình. Số lượng phát hành ổn định.
Ban Biên tập thay đổi phương pháp lãnh đạo tờ báo, chuyển từ định tính sang định lượng. Thường xuyên thống kê các chỉ số liên quan độc giả để chỉ đạo tuyên truyền đáp ứng yêu cầu của người dùng. Các sản phẩm báo in, điện tử và mạng xã hội tổ chức nhận diện lẫn nhau, quảng bá chéo và hỗ trợ lẫn nhau.
Hiện nay, tỷ lệ người đọc báo điện tử Hải Dương qua mạng xã hội đã nằm trong khoảng 35-40%.
*****
Chuyển đổi số báo chí trước hết phải bắt đầu từ đổi mới về tư duy, nhận thức, quan điểm của cá nhân, tập thể lãnh đạo, và lan tỏa tới toàn bộ tòa soạn.
Mặc dù vậy, đối với hầu hết các cơ quan báo chí, việc thiếu những vị trí nhân sự được đào tạo chuyên sâu về công nghệ, có kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm đa phương tiện đang là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm"… Trong khi đó, việc tuyển dụng, thu hút đội ngũ nhân sự này không hề dễ do thiếu định biên, cơ chế, nguồn lực...
Làm thế nào để giải bài toán kinh phí, nhân lực công nghệ thông tin khi các cơ quan báo chí phải cạnh tranh khốc liệt với truyền thông xã hội cả về nội dung thông tin lẫn nguồn thu để thực hiện lộ trình tự chủ, tinh giản biên chế?... Đó là những câu hỏi lớn mà đại đa số các cơ quan báo chí đang thật sự lúng túng, loay hoay chưa tìm ra câu trả lời.
Một thách thức căn bản khác dễ nhận thấy, đó là đường hướng, chiến lược chuyển đổi số đang khá "mông lung" đối với hầu hết các cơ quan báo chí. Vẫn biết, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nhưng bắt đầu từ con người, công nghệ hay nội dung?
Nhận thức được xu thế tất yếu phải chuyển đổi số để tồn tại, từ năm 2018, Báo Hà Tĩnh đã xây dựng và áp dụng quy trình xuất bản theo mô hình tòa soạn hội tụ, tối ưu hóa quy trình xuất bản, tận dụng được nhân lực và trí tuệ tập thể; linh hoạt, chủ động trong việc xử lý thông tin.
Báo Hà Tĩnh cũng chủ động cung cấp thông tin trên Fanpage của báo, thu hút hơn 447 nghìn người theo dõi (tính đến ngày 22/5/2023); thiết lập và quản trị nhiều Fanpage "vệ tinh" và các kênh trên mạng xã hội YouTube, Zalo, TikTok,… đã đạt lượng tương tác khá cao...
Nhờ quyết tâm cao, thực hiện việc xuất bản báo chí đa nền tảng, Báo Hà Tĩnh nhiều năm gần đây luôn duy trì vị trí tốp đầu về lượng truy cập trong hệ thống báo Đảng toàn quốc (theo xếp hạng của Similar Web).
*****
Báo Đảng cần đi đầu trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Sau Hội nghị Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc do Báo Nhân Dân tổ chức tại TP Đà Nẵng, Hội thảo Báo Đảng các tỉnh, thành phố miền trung-Tây Nguyên lần thứ 10 (vòng IV) do Báo Quảng Trị đăng cai tổ chức tháng 4/2023 tiếp tục bàn thảo vấn đề nâng cao chất lượng báo Đảng, tuyên truyền về xây dựng Đảng, trong đó nhấn mạnh chủ đề "Báo Đảng với việc tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới".
Các đại biểu của 19 báo Đảng trong khu vực và 23 báo Đảng các tỉnh, thành phố phía bắc, phía nam tham dự đã bàn thảo và thống nhất nhận định: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ cùng với sự bùng nổ của internet, các mạng xã hội, những vấn đề nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường, tác động của tình hình thế giới…, các thế lực thù địch, phản động lợi dụng các trang mạng xã hội, các kênh thông tin của một số nước phương Tây tăng cường những chiêu thức, thủ đoạn mới để chống phá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, gây hoang mang, kích động hành vi chống đối trong xã hội…
Điều đáng mừng là thời gian qua hệ thống báo chí Việt Nam nhận thức được các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; đã lên tiếng phản bác các luận điệu phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng.
Dù vậy, vẫn rất cần sự vào cuộc và định hướng dư luận một cách nhanh chóng, kịp thời của các cơ quan chức năng cũng như các cơ quan báo chí, trong đó có hệ thống báo Đảng để phát huy tốt nhất hiệu quả đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Báo Đảng cần đề cao trách nhiệm đi đầu trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tình hình mới hiện nay đòi hỏi báo chí cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị ở một cấp độ cao hơn; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với cơ quan báo chí trong việc cung cấp và định hướng thông tin; có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các loại hình báo chí; nâng cao kỹ năng tác nghiệp cho những cây bút bình luận chuyên sâu; hoàn thiện kỹ năng, tiếp cận nhanh các công cụ, thiết bị mới, giữ vững bản lĩnh chính trị, tuân thủ nghiêm quy trình tác nghiệp của người làm báo để sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có nội dung đặc sắc, có hàm lượng chất xám cao, có sức cuốn hút, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân.
*****
Sự bùng nổ của truyền thông số, mạng xã hội đặt ra cho báo Đảng địa phương những yêu cầu thay đổi rất lớn. Chúng tôi phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba để đưa thông tin nhanh, chính xác, nhưng phải bảo đảm không xa rời tôn chỉ, đồng thời phải định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội.
Báo Đồng Nai đã thay đổi quy trình xử lý tin tức, cải tiến quy chế chuyên môn cho phù hợp theo hướng thông tin phải nhanh, gọn, hiện đại, linh hoạt trên từng nền tảng khác nhau.
Ban Biên tập tìm mọi cách khuyến khích anh em tìm tòi, sản xuất tin tức, nội dung cho cả báo điện tử lẫn báo in. Đáng mừng là Báo Đồng Nai điện tử hiện có lượng truy cập trong nhóm báo Đảng địa phương đứng đầu cả nước.
Cũng do xu hướng chung, báo in bị mất dần vị thế, quảng cáo và phát hành sụt giảm, trong khi đó, việc dịch chuyển sang phát triển, đổi mới báo điện tử, đưa báo điện tử trở thành kênh thông tin chính và nơi thu hút nguồn thu chính của các tòa soạn báo địa phương có vẻ như đang chậm hơn so với yêu cầu.
Mong muốn của chúng tôi là làm sao sản xuất các nội dung địa phương cho thật tốt và phải tiếp cận được đông đảo bạn đọc theo hướng "bạn đọc ở nền tảng nào thì báo Đảng có mặt ở nền tảng đó".
Hiện Báo Đồng Nai cũng đang nâng cấp trang web, đổi mới giao diện, nghiên cứu thực hiện nội dung đa dạng hơn, gần gũi hơn với đời sống người dân trên một số nền tảng và cũng đang tính toán đến việc đầu tư bài bản, lâu dài hơn trong phát triển Báo Đồng Nai điện tử.
Thách thức tiếp nữa không chỉ riêng đối với Báo Đồng Nai mà là chung của mọi tờ báo Đảng địa phương. Đó là vẫn còn sự chậm chạp trong chuyển đổi tư duy ở nhiều bộ phận, vị trí trong tòa soạn.
Giải pháp cho vấn đề này, Ban Biên tập cần liên tục đưa ra yêu cầu cụ thể về đổi mới, tổ chức huấn luyện, đào tạo theo hướng nhân sự báo địa phương phải "đa nhiệm vụ, đa nền tảng" chứ không thể làm báo "tà tà" kiểu cũ. Trong thời gian qua, Báo Đồng Nai đã tích cực cho anh em tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân, tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ tại tòa soạn, và bước đầu đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức và cách thức tổ chức sản xuất nội dung.
*****
Báo Đảng ở các tỉnh, thành phố đang trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đó là yêu cầu cao hơn về nhiệm vụ trong tình hình mới. Các cơ quan báo Đảng địa phương phải thực hiện tự chủ tài chính, tinh giản biên chế.
Đi đôi với đó là yêu cầu nâng cao chất lượng, tăng khối lượng nội dung, mở rộng hình thức truyền tải thông tin... Chúng tôi nhận thức: thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy là cơ hội để Ban Biên tập và anh em nâng cao trách nhiệm, học hỏi để nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện nhiệm vụ.
Để hỗ trợ, trong ba năm gần đây, Báo Đắk Nông thường xuyên tổ chức tập huấn, tự tập huấn về nghiệp vụ cho toàn cơ quan về tòa soạn hội tụ và các phương thức, nghiệp vụ làm báo hiện đại.
Cơ quan đầu tư hệ thống quản trị nội dung mới, hội tụ (gồm quản trị nội dung các loại hình báo chí và quy trình tác nghiệp). Song song với đó là yêu cầu đổi mới mạnh mẽ nội dung thông qua thực hiện các sản phẩm báo chí hiện đại.
Thông thường, muốn đầu tư hệ thống quản trị nội dung (CMS) và trang thiết bị sẽ lập dự án, quá trình chuẩn bị thường mất một đến ba năm và với kinh phí trên dưới 10 tỷ đồng. Đắk Nông rất khó khăn nên không làm theo hướng này mà chọn hướng đi thuê dịch vụ công nghệ.
Chỉ ba tháng từ khi xin chủ trương, Báo Đắk Nông đã đưa vào hoạt động báo điện tử với giao diện mới, hiện đại và hệ thống quản trị nội dung đa phương tiện, hội tụ.
Kết quả mang lại rất tích cực và rõ rệt. Nội dung trên Báo Đắk Nông (cả báo in và điện tử) có sự đổi mới lớn, thu hút độc giả hơn. Lượng truy cập vào Báo Đắk Nông điện tử tăng đột biến và đứng đầu khu vực Tây Nguyên.
Cuối năm 2022 và đến tháng 2/2023, khi chuẩn bị đổi mới tổng thể quy trình tác nghiệp và thực hiện quản trị nội dung mới, lượng truy cập vào Báo Đắk Nông điện tử thuộc nhóm gần cuối cùng của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Từ năm 2022 trở về trước, Báo Lào Cai được Nhà nước giao chỉ tiêu biên chế và cấp kinh phí hoạt động theo dự toán được duyệt hằng năm.
Tuy nhiên, với xu thế phát triển của báo chí hiện đại và những yêu cầu mới đang đặt ra đối với tờ báo Đảng địa phương, cơ chế tài chính và quản lý nhân lực như vừa đề cập đã bộc lộ những hạn chế, khiến cho cơ quan báo chí thiếu đi sự tự chủ, sự linh hoạt, không thúc đẩy được đổi mới sáng tạo.
Thư của đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh gửi cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động Báo Lào Cai nhân dịp kỷ niệm 60 năm Báo Lào Cai ra số đầu (10/4/1963 - 10/4/2023)
Để tháo gỡ khó khăn này, tháng 9/2022, Báo Lào Cai đã mạnh dạn đề xuất, xin chủ trương và được Thường trực Tỉnh ủy đồng ý cho phép chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên, trên cơ sở Nhà nước đặt hàng các nhiệm vụ thông tin tuyên truyền thiết yếu.
Tỉnh ủy Lào Cai cũng chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Báo Lào Cai, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá dịch vụ thông tin tuyên truyền trên báo in, báo điện tử trình UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở để Nhà nước đặt hàng Báo Lào Cai từ ngày 1/1/2023.
Là cơ quan báo Đảng địa phương đầu tiên trong cả nước được thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng thông tin tuyên truyền thiết yếu, Báo Lào Cai nhận thấy cơ chế này có nhiều ưu điểm, giúp tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc mà nhiều cơ quan báo chí đang gặp phải, nhất là về biên chế, tài chính, nâng cao tính chủ động của đơn vị trong việc sử dụng các nguồn lực để phục vụ hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng tờ báo. Đồng thời, đây cũng là hướng đi phù hợp với quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập của Chính phủ.
Thực tế phối hợp triển khai xây dựng và vận hành cơ chế mới tại Báo Lào Cai, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu sau:
Thứ nhất, phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền tỉnh đối với hoạt động báo chí nói chung, cơ quan báo Đảng nói riêng; từ đó thống nhất nhận thức về việc xây dựng cơ chế tự chủ trong hệ thống báo chí địa phương không phải là để các cơ quan báo chí tự "bơi", tự tìm kiếm các nguồn thu dịch vụ để bảo đảm hoạt động, mà phải trên cơ sở Nhà nước đặt hàng nhiệm vụ thông tin tuyên truyền thiết yếu.
Thứ hai, phải có cách làm khoa học, vừa đúng với các quy định của Nhà nước, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, vừa phù hợp với thực tiễn địa phương trong việc xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá các sản phẩm, dịch vụ báo chí.
Thứ ba, trong nội bộ cơ quan báo chí phải thống nhất, quyết tâm cao trong việc chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ trên cơ sở Nhà nước đặt hàng; không "tiếc nuối" kể cả khi đang được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động hằng năm cao, bởi tự chủ là hướng phát triển tất yếu, dù sớm hay muộn thì vẫn phải thực hiện. Song song với quá trình tham mưu xây dựng định mức, đơn giá, cơ quan báo chí cũng đồng thời phải xây dựng, hoàn thiện các quy chế quản lý nội bộ, để sẵn sàng cho việc chuyển sang vận hành hiệu quả theo cơ chế tự chủ, ngay sau khi có quyết định đặt hàng của Nhà nước.