Để người có uy tín tiếp tục là “ngọn đuốc” soi đường, dẫn lối đồng bào các dân tộc vượt qua những định kiến, hủ tục, vững lòng tin với Đảng, cần có sự quan tâm đúng mức của các cấp, các ngành.
Với gần 1.200 người có uy tín được suy tôn, Lào Cai được đánh giá là một trong những địa phương có số lượng lớn đội ngũ người có uy tín trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong những năm qua, đội ngũ người có uy tín của tỉnh Lào Cai luôn phát huy vai trò, tích cực tham gia vào các nhiệm vụ ở cơ sở. Họ là “cầu nối” đắc lực giúp chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời là nhịp cầu truyền tải đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến Nhân dân và phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào đến các cấp, các ngành; là hạt nhân trong xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Ông Trần Phùng, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho hay, có những vụ việc ở cơ sở, cấp ủy đảng, chính quyền khó giải quyết nhưng người có uy tín tham gia lại rất hiệu quả. Thuận lợi của đội ngũ này là họ sống cùng dân, gần dân và hiểu rõ cộng đồng dân tộc mình. Cái khéo của người có uy tín là biết lồng ghép, phân tích cái lý, cái tình đi cùng với tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để hàn gắn những tổn thương trong cộng đồng, kịp thời ngăn chặn những xung đột có thể phát sinh trong nội bộ cộng đồng, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác, dân tộc này với dân tộc khác.
Đội ngũ người có uy tín của Lào Cai đã và đang phát huy vai trò của mình như khẳng định của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc gặp mặt các đại biểu Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số tháng 12/2018: Già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, những người uy tín là những người tiêu biểu, gương mẫu, “là điểm tựa cho mọi điểm tựa khác”.
Trong những năm qua, Lào Cai luôn coi trọng công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tổ chức phản bác trực tiếp các quan điểm sai trái liên quan đến chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của đất nước; đồng thời phát đi thông điệp “bảo vệ Đảng là bảo vệ chính mình”.
Trong loạt bài viết này chúng tôi đề cập đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số, nơi biên cương địa đầu của Tổ quốc thông qua việc làm của những người có uy tín.
Trở lại với câu chuyện về cụm Tổng Mo (thời điểm trước khi sáp nhập như bây giờ) ở xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên là minh chứng sinh động, cụ thể, cho thấy vai trò của những người có uy tín với phần việc nhỏ nhưng mang lại ý nghĩa lớn. Trong thuyết phục, cảm hóa đồng bào Mông đi theo tà đạo Dương Văn Mình, những người có uy tín như ông Giàng Seo Khoa, ông Ma Seo Mào, ông Thào Seo Chá đã lặn lội ngày đêm đến tuyên truyền, vận động các hộ. Thậm chí, người có uy tín còn đến giúp, hỗ trợ gia đình đi theo tà đạo tổ chức đám tang cho người thân, lập lại bàn thờ tổ tiên, kéo bà con trở về với tín ngưỡng của dân tộc mình. Nhìn về cuộc sống bình yên hôm nay, ông Ma Seo Mào tâm sự: Với tôi, bảo vệ đồng bào tránh xa những điều sai trái, bảo vệ bản làng bình yên chính là bảo vệ Đảng!
Tại thôn Tả Hà 2, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, nhiều năm nay, ông Nguyễn Hữu Xuyên, Bí thư Chi bộ thôn luôn được bà con tin tưởng. Cách đây nhiều năm, hiện tượng tín ngưỡng, tâm linh, tôn giáo với tên gọi Hoàng Thiên Long xuất hiện trong một nhóm hộ của thôn. Sau khi nắm tình hình, nhận thấy hoạt động này chưa được Nhà nước công nhận, đồng thời mang yếu tố mê tín như khi ốm đau chỉ cần uống nước thánh là chữa khỏi, ông Xuyên thường xuyên tuyên truyền, vận động để bà con không tin, không tham gia. Với ông Xuyên, việc nắm chắc tình hình để tuyên truyền, vận động Nhân dân; báo cáo, phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền xử lý kịp thời, tránh phát sinh điểm nóng trên địa bàn cũng chính là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng từ sớm, từ xa.
Trong số những người có uy tín chúng tôi từng gặp, ở bất cứ địa bàn, dân tộc nào, người có uy tín luôn vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Một số người có uy tín hiện đang gánh trên vai trách nhiệm của người đảng viên, cán bộ thôn, bản, một số đang phấn đấu để trở thành quần chúng ưu tú, được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tiêu biểu như anh Giàng Seo Cũ là Trưởng bản trẻ nhất của bản Điện, xã Điện Quan, huyện Bảo Yên từ trước tới nay. Từng là tín đồ tôn giáo, sau này, khi nhận thấy bản thân không phù hợp nên anh Cũ xin không tham gia sinh hoạt tôn giáo. Tiếp đó, anh nỗ lực phấn đấu để trở thành đảng viên người Mông đầu tiên của xã Điện Quan.
Để có cái nhìn toàn diện hơn về những “điểm tựa” ở vùng cao, vùng biên, chúng tôi mở rộng câu chuyện đến một số địa phương trong khu vực Tây Bắc. Năm 2011, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên là địa bàn rất phức tạp về hoạt động ly khai tự trị, lập “Nhà nước Mông”. Từ ngày 30/4 đến ngày 6/5/2011, đã có khoảng 7.000 người Mông ở khắp nơi ồ ạt kéo về bản Huổi Khon, xã Nậm Kè dựng lều bạt để tụ tập, chờ đợi sự xuất hiện của “vua Mèo”; biểu tình đòi tự do tôn giáo và các quyền tự trị.
Ông Giàng A Dế, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Nhé cho hay, sau sự việc đó, một trong những bài học kinh nghiệm mà địa phương rút ra trong công tác tuyên truyền, kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề ngay từ cơ sở, đó là cần xây dựng, tranh thủ có hiệu quả lực lượng cốt cán trong đồng bào các dân tộc, già làng, người có uy tín; phát huy vai trò của đội ngũ này trong củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về dân tộc, tôn giáo. Bài học đó đến nay vẫn được địa phương quan tâm thực hiện, góp phần gìn giữ sự bình yên và xây dựng môi trường phát triển cho vùng biên này.
Tại huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu hiện có 170 người có uy tín. Theo đánh giá của lãnh đạo địa phương, trong những năm qua, người có uy tín luôn là những nhân tố tích cực vận động người thân và đồng bào tránh xa các tệ nạn xã hội; không tin, không nghe, không làm theo những luận điệu lôi kéo, ép buộc, kích động của kẻ xấu, nhất là các thủ đoạn tập hợp, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các tổ chức phản động…
Điểm chung của Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu đều là các tỉnh vùng cao, biên giới, địa hình chia cắt, đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước còn chưa đầy đủ. Trong khi đó, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động trong thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” ngày càng tinh vi, đa dạng, khó lường, khó nhận diện, nhất là việc chúng triệt để lợi dụng Internet, mạng xã hội để chống phá. Thách thức tiếp tục được đặt ra khi đội ngũ người có uy tín trong cộng đồng phần lớn cao tuổi, năng lực ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế, chưa cập được với thực tế.
Để đội ngũ này phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình, các địa phương đều đẩy mạnh việc cung cấp tài liệu, thông tin kịp thời, nâng cao kỹ năng tuyên truyền, nhất là tuyên truyền miệng cho người có uy tín, bởi đây là cách thức chủ yếu và hiệu quả mà họ đang sử dụng. Riêng tại Lào Cai, từ đầu năm 2024 đến nay, cùng với việc chỉ đạo các địa phương duy trì tổ chức gặp mặt động viên người có uy tín, Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức 12 hội nghị tập huấn kỹ năng tuyên truyền cho khoảng 2.000 người có uy tín, chức sắc, chức việc trên toàn tỉnh.
Ở bất cứ thời kỳ nào, Đảng ta đều hết sức coi trọng vị trí, vai trò của đội ngũ người có uy tín nói chung, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng trong quá trình lãnh đạo, tham gia tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở cơ sở. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII chỉ rõ: Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng dân tộc thiểu số.
Để xây dựng đội ngũ người có uy tín đủ về số lượng, mạnh về chất lượng thì các địa phương cần quan tâm đúng mức đến đội ngũ này, kịp thời thông tin về tình hình trên địa bàn, những chủ trương, dự định sẽ triển khai để người có uy tín nắm rõ, tuyên truyền đến đồng bào nhằm tạo sự đồng thuận, ngăn chặn từ sớm những nguy cơ có thể xâm nhập, gây mất ổn định an ninh trật tự ở cơ sở. Đồng thời, cần làm tốt công tác đối thoại, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người có uy tín để họ yên tâm, gắn bó mật thiết với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và Nhân dân.
Ở một góc nhìn khác, để người có uy tín thực sự uy tín thì cần làm tốt công tác bình chọn, suy tôn và uy tín của họ cần đến từ nhiều phía. Như chia sẻ của bà Thào Thị Sáo, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà: Không chỉ là người có uy tín với dân bản, người có uy tín cũng cần xây dựng được sự tin tưởng của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” đưa chủ trương, đường lối của Đảng đi sâu vào cuộc sống.
Thông qua loạt bài, chúng tôi muốn một lần nữa khẳng định đội ngũ người có uy tín đã và đang là những “ngọn đuốc” soi đường, dẫn lối để đồng bào các dân tộc vượt qua những định kiến, hủ tục, vững lòng tin với Đảng, là “điểm tựa của mọi điểm tựa”. Không chỉ ở Lào Cai mà nhìn rộng ra các tỉnh vùng cao, biên giới khác cũng như trên cả nước, muốn cho những “ngọn đuốc” ấy thêm sáng, những “điểm tựa” ấy thêm vững chắc để bảo vệ cộng đồng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm, coi người có uy tín là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở. Cùng với đó cần tạo điều kiện, kịp thời biểu dương để tiếp nguồn động viên giúp họ phát huy tốt vai trò, xứng đáng với niềm tin của Đảng và kỳ vọng của Nhân dân.
Trình bày: Khánh Ly