Mưa lũ đã qua đi, bầu trời u ám đã được thay thế bằng nắng đẹp, xanh trong. Nhưng những hậu quả, nỗi đau do thiên tai để lại thì vẫn còn đó. Cùng với sự nỗ lực của mỗi gia đình, thôn xóm và cả hệ thống chính trị, thì còn có sự chung tay của các hảo tâm, mạnh thường quân trên khắp mọi miền Tổ quốc để mang hơi ấm, sự sẻ chia giúp bà con vùng lũ sớm khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Nghĩa tình ấm áp đó chính là những giá trị được nhân lên trong gian khó.
Những ngày tháng 9, rất nhiều đoàn xe với lá Quốc kỳ đỏ tươi và những băng zôn “Hướng về bà con vùng lũ”, “Hướng về Lào Cai thân yêu” nối đuôi nhau đến với vùng lũ xã Cốc Lầu dù đường đi muôn vàn khó khăn. Rất nhiều câu chuyện về những đoàn xe chạy thông nhiều ngày đêm để nhanh chóng đến được tâm lũ, cứu trợ đồng bào đã làm sáng thêm tinh thần đồng chí, đồng bào đùm bọc, cưu mang nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn.
Những ngày này, chị Hương Giang (thành phố Lào Cai) như “con thoi” giữa các vùng lũ trong tỉnh. Không chỉ tự kêu gọi cộng đồng sẻ chia, rồi tận tay trao cho bà con vùng lũ, chị Giang còn là "cầu nối" giúp các đoàn thiện nguyện trong Nam, ngoài Bắc đến với các vùng lũ được nhanh nhất và an toàn nhất.
Chị Giang chia sẻ: Những ngày đầu sau mưa lũ, chúng tôi chủ yếu đưa các chuyến hàng nhu yếu phẩm đến với những vùng bị cuốn trôi nhà cửa, tài sản, để “cứu đói” trước mắt. Sau đó, chúng tôi vận động các nhà hảo tâm quyên góp tiền, đồ dùng sinh hoạt gia đình để bà con có điều kiện để ổn định cuộc sống. Với xã Cốc lầu, chúng tôi đã kết nối và trao 3 chuyến hàng cứu trợ cho bà con.
Không chỉ những người dân trong tỉnh, các cá nhân, tổ chức của khắp các tỉnh, thành trong cả nước cũng hướng về Lào Cai, trong đó có xã Cốc Lầu để san sẻ nỗi đau với bà con. Vượt hàng ngàn cây số, chị Hồ Thị Ngọc, người huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) có mặt tại vùng lũ Cốc Lầu 3 ngày sau khi trận lũ đi qua. Đứng giữa ngổn ngang đổ nát, bên nền nhà của những người dân xóm Nậm Dẩn, thôn Kho Vàng đã bị lũ cuốn trôi nhà, chị Ngọc xúc động chia sẻ: Sau 2 ngày, nhóm của tôi gồm 4 chị em ở Krông Pắc đã kêu gọi được nhiều vật phẩm như lương thực, thực phẩm và khoảng 180 triệu đồng, trực tiếp trao cho bà con vùng lũ ở xã Cốc Lầu, xã Nậm Lúc (huyện Bắc Hà) và xã A Lù (huyện Bát Xát).
Rưng rưng xúc động khi đón nhận tình cảm của các đoàn thiện nguyện về trao quà cho gia đình và bà con vùng lũ thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, chị Hoàng Thị Mến, dân tộc Dao chia sẻ: Mặc dù chính quyền đã thông báo từ trước, bà con đã nâng cao cảnh giác nhưng không ngờ thiên tai ập xuống quá dữ dội. Thôn chúng tôi thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Bà con cảm ơn sự quan tâm của các nhà hảo tâm và mong tiếp tục nhận được sự trợ giúp của các nhà hảo tâm để vượt qua khó khăn này.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu tâm sự: Đã hơn 2 tuần kể từ khi trận mưa lũ lịch sử xảy ra trên địa bàn xã Cốc Lầu, cùng với sự chủ động phòng chống, tìm kiếm cứu nạn “4 tại chỗ” ở địa phương, chúng tôi còn đón nhận hàng trăm đoàn đến với Cốc Lầu để chia sẻ cùng bà con. Trong lúc khó khăn, sự chung tay, giúp đỡ của các cấp, các ngành, các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh là những điều vô cùng quý giá, giúp bà con vơi bớt khó khăn, đứng dậy sau mưa lũ.
Cốc Lầu là xã khó khăn của huyện Bắc Hà với 610 hộ dân, hơn 3.000 nhân khẩu. Đây là nơi quần cư của 10 dân tộc anh em, trong đó, nhiều nhất là đồng bào Mông, Dao, Tày. Xã có đến 78% hộ dân trong diện nghèo, cận nghèo.
Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Cốc Lầu, sau ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, trên địa bàn xã có 18 hộ dân với 97 nhân khẩu bị ảnh hưởng về nhà ở trên 70% trở lên (trong đó 10 hộ mất nhà, 8 hộ bị sập, sạt nhà), 14 hộ dân với 65 nhân khẩu bị ảnh hưởng dưới 30% về nhà ở. Toàn xã có 97 hộ với 510 nhân khẩu bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, ở vùng có nguy cơ sạt lở đề nghị di chuyển đến nơi an toàn. Đau lòng hơn, trận lũ kinh hoàng rạng sáng 9/9 đã khiến 3 người dân bị cuốn trôi, hiện đã tìm được 2 thi thể bàn giao cho gia đình lo hậu sự.
Cuộc sống thường ngày vốn dĩ đã khó khăn, trận mưa lũ khiến Nhân dân các dân tộc xã Cốc lầu khó khăn hơn gấp bội. Do đó, ngay sau khi mưa lũ xảy ra, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ mọi sự ủng hộ để giúp người dân tạm cư ở nơi an toàn, không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc. Trong khi 17 hộ dân ở thôn Kho Vàng được di chuyển từ nơi lánh nạn trên núi xuống Nhà văn hóa xã Cốc Lầu, thì UBND huyện Bắc Hà và xã Cốc Lầu cũng phối hợp với Công an tỉnh dựng khu lều dã chiến để bà con ở tạm.
Sau những ngày mưa lũ, tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Cốc Lầu, tiếng các em nhỏ đọc bài đã rộn vang trong các lớp học. Thật xúc động khi chúng tôi được thầy giáo Phan Văn Bảo, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho xem những hình ảnh 15 thầy, cô giáo của trường vượt 5 km đường rừng lên khu lán tạm trên núi Bản Vàng đón 21 học sinh xuống trường ở bán trú và học tập đảm bảo an toàn.
Buổi chiều muộn, chúng tôi gặp anh Lù A Dìn, thôn Kho Vàng từ khu ở tạm tại Nhà văn hóa xã lên trường thăm các con. Anh Dìn bảo, gia đình rất cảm ơn cấp ủy Đảng, chính quyền xã đã bố trí cho bà con có nơi ở trong những ngày khó khăn; các thầy, cô giáo đưa các con xuống trường học tập, chăm lo cho các cháu ở bán trú tại trường. Bà con rất phấn khởi khi biết thời gian tới sẽ được Đảng, Nhà nước, các nhà hảo tâm xây cho nhà mới ở khu tái định cư an toàn.
Đến xã Cốc Lầu sau đợt mưa lũ, chúng tôi gặp những đoàn khảo sát của một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp đến nắm thông tin, thực hiện các chương trình hỗ trợ cho người dân, như Vingroup, Dầu khí Việt Nam. Đặc biệt, để an cư cho người dân, tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xây dựng tái thiết khu dân cư thôn Kho Vàng (được khởi công vào ngày 21/9, khánh thành trước ngày 31/12/2024). Khu vực tái thiết có diện tích khoảng 3,5 ha, bố trí khoảng 40 hộ dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ của xã Cốc Lầu chuyển đến sinh sống, đảm bảo an toàn và là địa chỉ tụ cư lâu dài cho người dân.
Có mặt tại lễ khởi công, anh Ma Seo Chứ, Trưởng thôn Kho Vàng chia sẻ: Trong số 7 thôn, bản của xã, Kho Vàng chịu nhiều thiệt hại nhất với 3 người thiệt mạng, 6 nhà bị cuốn trôi, 4 nhà bị sập, hơn 50 gia đình trong vùng có nguy cơ bị sạt lở, ảnh hưởng. Vốn là thôn ở xa, kinh tế nghèo và khó khăn nhất xã, nên khi thiên tai xảy ra, bà con gặp rất nhiều khó khăn. Sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân là nghĩa tình rất lớn động viên bà con khắc phục khó khăn, cố gắng vươn lên. Đồng bào vùng lũ thôn Kho Vàng luôn khắc ghi sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp và tình cảm của Nhân dân cả nước trong những ngày này.
Sau mưa lũ, ngoài khu tái định cư thôn Kho Vàng đang được xây dựng, các hộ dân bị thiệt hại nặng do thiên tai ở những thôn khác trong xã Cốc Lầu sẽ được sắp xếp ở tái định cư xen ghép. Toàn xã còn hơn 20 hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở có nhu cầu chuyển đến nơi an toàn. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu thông tin, xã sẽ tiếp tục trình cấp trên có bố trí, phân bổ kinh phí hợp lý để hỗ trợ người dân có nơi ở mới an toàn.
Cùng với ổn định nơi ở cho Nhân dân, xã Cốc Lầu cũng sẽ tập trung giúp Nhân dân khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống. Trong trận mưa lũ lịch sử, toàn xã có hơn 300 ha cây nông, lâm nghiệp các loại bị thiệt hại, tập trung ở các thôn Kho Vàng, Cốc Lầu, Bản Giàng, Khe Thượng Làng Mới. Trong số đó, nhiều diện tích đất khó khôi phục lại sản xuất, cần kinh phí đầu tư cải tạo lớn.
Đứng trên khu đồi rộng, nơi chỉ ít tháng nữa thôi sẽ là nơi an cư của 40 hộ dân xã Cốc Lầu, anh Đặng Văn Bình, Bí thư Chi bộ thôn Kho Vàng đôi mắt chứa chan niềm hy vọng. Anh bảo, biết rằng, để tái thiết cuộc sống mới sau mưa lũ sẽ có nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết một lòng của Nhân dân, sự chia sẻ của cộng đồng, thì mọi khó khăn rồi cũng sẽ qua đi, mọi nỗi đau rồi cũng sẽ dịu vợi, cần phải nhìn về phía trước, phấn đấu có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Điều anh Bình nói với bà con thôn bản mình cũng chính là những gì mà bà con vùng lũ Bắc Hà đang hướng đến. Bởi trong trận mưa lũ lịch sử, không chỉ có thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, mà rất nhiều nơi của Bắc Hà cũng bị ảnh hưởng nặng nề, cướp đi sinh mạng 28 người, 6 người mất tích, 19 người bị thương, hàng ngàn gia đình phải rời bỏ nhà cửa đi tránh trú, hàng trăm ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng, tổng thiệt hại toàn huyện ước tính hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó, thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc là nơi thiệt hại nhiều nhất về người, với 18 người chết và mất tích, 11 người bị thương.
Vĩ thanh: Tạm khép lại loạt bài này, câu chuyện ở thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà trong những ngày mưa lũ để lại cho chúng tôi nhiều suy nghĩ. Đằng sau câu chuyện di chuyển khẩn cấp 17 hộ dân xóm Bản Vàng đến nơi tránh trú an toàn giữa đợt mưa lũ của Trưởng thôn Ma Seo Chứ là những nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị địa phương trong công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai; tình cảm đáng trân quý của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hướng về vùng lũ, đặc biệt là những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đang đi vào cuộc sống để giúp người dân vượt qua cơn hoạn nạn, hướng đến tương lai tươi sáng.
Sau cơn bão số 3 lịch sử, tỉnh Lào Cai chịu thiệt hại rất nặng nề. Giữa những đau thương, mất mát ấy, giữa những thời điểm tưởng như tuyệt vọng, thì những điều giá trị thực sự ở thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu đã nhân lên niềm tin vào một ngày mai tươi sáng.
Lào Cai ơi mưa lũ đã qua rồi! Nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong những ngày mưa bão ở khu lánh nạn trên núi Bản Vàng, đến lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong ngày mới nắng vàng ở khu tái định cư của người dân vùng lũ Lào Cai, như Làng Nủ (huyện Bảo Yên), Nậm Tông (huyện Bắc Hà), A Lù, Sàng Ma Sáo (huyện Bát Xát), Si Ma Cai… và đoàn cán bộ, chiến sĩ hành quân về vùng thiên tai, những đoàn xe rực rỡ màu cờ từ khắp nơi trên cả nước hướng về vùng lũ Lào Cai, trong lòng ta những đau thương như dịu lại, niềm tin và khát vọng lại được thắp lên.
Tính đến ngày 22/9, toàn tỉnh Lào Cai có 131 người chết, 20 người mất tích, 50 người bị thương; 6.749 nhà bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi (trong đó có 1.101 nhà bị thiệt hại hoàn toàn); nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sụt sạt, hư hỏng mặt đường; 382 công trình thủy lợi, 188 công trình cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng; 141 điểm trường học bị ảnh hưởng, thiệt hại… Ước thiệt hại về kinh tế ban đầu hơn 6.000 tỷ đồng.
Nội dung: Tô Dung - Tuấn Ngọc
Trình bày: Khánh Ly