Quay vềE-magazineTheo dõi Báo Lào Cai trênGoogle News
Bài 1: Những cán bộ miền Nam trưởng thành ở Bảo Thắng

Bài 1: Những cán bộ miền Nam trưởng thành ở Bảo Thắng

Năm 1954, trong số hơn 70 nghìn cán bộ, bộ đội, học sinh, người có cảm tình sâu sắc với Việt Minh tại miền Nam tập kết ra Bắc, nhiều người sau đó đã đến tỉnh Lào Cai. Tại huyện Bảo Thắng, một số cán bộ miền Nam tập kết tiếp tục được đào tạo, có cơ hội rèn luyện, phấn đấu, trở thành cán bộ với năng lực công tác tốt, được bổ nhiệm, phân công giữ các chức vụ lãnh đạo, chủ chốt, các ngành của huyện, đúng như khẩu hiệu trước lúc lên đường ra Bắc hồi bấy giờ là “Đi vinh quang, ở (lại) anh dũng”.

Lịch sử Đảng bộ huyện Bảo Thắng ghi rõ: Hòa bình lập lại năm 1954, huyện Bảo Thắng gặp nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, nạn đói xảy ra nhiều nơi, dịch kiết lỵ và sưng phổi khiến 140 người chết, thổ phỉ nổi lên một số nơi, có đến 80% dân số mù chữ.

Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bảo Thắng xác định rõ một số nhiệm vụ cấp bách, lâu dài, trong đó có nâng cao sức lãnh đạo của Đảng, chính quyền. Một trong những việc làm cụ thể là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, chất lượng đội ngũ đảng viên. Một số cán bộ diện tập kết ra Bắc có trình độ, năng lực đã được lựa chọn, bổ sung vào các cơ quan, đơn vị, góp phần củng cố hệ thống chính trị các cấp huyện Bảo Thắng trong giai đoạn cách mạng có nhiều khó khăn.

70-nam-dong-bao-mien-nam-tap-ket-ra-bac-tai-lao-cai-2.png
(Ảnh: Hữu Thanh)

Ông Nguyễn Ngọc Dương, nguyên Chủ tịch Hội Văn học và Nghệ thuật tỉnh Lào Cai có nhiều năm công tác tại huyện Bảo Thắng, từng giữ chức vụ Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Bảo Thắng cho hay, cán bộ cấp huyện, cấp xã là người miền Nam tập kết cuối những năm 1950, những năm 1960, 1970 khá đông.

Điểm chung của cán bộ người miền Nam đó là do được tuyển chọn nên có lý lịch trong sạch, gia đình có truyền thống yêu nước nồng nàn và sớm giác ngộ lý tưởng bởi tham gia hoạt động cách mạng từ nhỏ. Cán bộ từ miền Nam ra rất hăng hái trong mọi công việc, lĩnh vực được giao, mạnh dạn và năng động, ăn nói, hành động ngay thẳng, trung thực, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc.

Một số cán bộ có năng lực công tác tốt, có uy tín, được phân công các chức vụ chủ chốt, đầu ngành như ông Hồ Sĩ Kiên, sinh năm 1929, từng giữ chức vụ Ủy viên Thư ký Thường trực Ủy ban hành chính huyện, công việc tương đương với chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện ngày nay. Ông Hồ Sĩ Kiên mất năm 2022 tại thành phố Lào Cai, sau khi nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

5.png

Năm 1976, ông Võ Ngọc Liên, cán bộ tập kết ra Bắc, quê ở tỉnh Quảng Nam, 1 trong 3 cán bộ nguồn tiêu biểu của huyện Bảo Thắng được Tỉnh ủy cử đi học tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay). Sau khóa học, ông Võ Ngọc Liên được bổ nhiệm chức vụ Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bảo Thắng.

70-nam-dong-bao-mien-nam-tap-ket-ra-bac-tai-lao-cai-10.png

Ngoài ra, còn phải kể tới ông Hà Văn Bền, sinh năm 1933, quê tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Năm 1951, khi vừa tròn 18 tuổi, chàng thanh niên Hà Văn Bền tham gia đội du kích xã Bình Hải, huyện Bình Sơn. Đến tháng 9/1954 thì tập kết ra Bắc, thuộc Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương có phiên hiệu A2, C442, D44, tham gia xây dựng mỏ thiếc tại tỉnh Cao Bằng. Sau đó, được điều động vào Nghệ An xây dựng nhà máy điện Bến Thủy; tham gia công nhân xí nghiệp đánh cá Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình; được điều chuyển về công tác tại Tỉnh đoàn Quảng Bình.

Một thời gian sau, ông Bền được tổ chức cử đi học tại Trường Thủy lợi Hà Nội, tốt nghiệp ra trường được Bộ Thủy lợi phân công công tác tại Ty Thủy lợi tỉnh Lào Cai. Sau đó, ông Bền được điều chuyển về huyện Bảo Thắng giữ chức vụ Trưởng phòng Thủy lợi thuộc Ban Nông nghiệp huyện, rồi Trưởng ban Giao thông - Thủy lợi huyện, đến năm 1985 thì nghỉ hưu.

7-9736.png

Ở cấp cơ sở, những xã như Phố Lu, Sơn Hà, Thái Niên, nơi có cán bộ, bà con tập kết ra Bắc đều có người công tác tại Đảng ủy, Ủy ban hành chính xã hoặc các đoàn thể. Một trong những người như thế là ông Phạm Văn Sáu, sinh năm 1927 tại Tân Bình, thành phố Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh).

Năm 1954, ông Sáu tập kết ra Bắc, lập gia đình và sống tại thôn Tả Hà, xã Sơn Hà. Sau đó, ông quay trở lại miền Nam chiến đấu. Trở về Lào Cai với thương tích mất một chân nhưng là cán bộ có năng lực, trình độ nên ông vẫn được tổ chức phân công công tác tại Ủy ban hành chính xã.

70-nam-dong-bao-mien-nam-tap-ket-ra-bac-tai-lao-cai-11.png

Một người tiêu biểu khác là ông Lê Chí Thanh, sinh năm 1924, trước khi nghỉ công tác là Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phố Lu.

Ông Thanh quê ở xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Năm 1954, với chức vụ Tiểu đội phó thuộc Đại đội Quân báo của Trung đoàn 673, Sư đoàn 335, ông Lê Chí Thanh từ Quảng Ngãi (thuộc Liên khu V) tập kết ra Bắc, đóng quân tại Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Sư đoàn 335 giải thể, ông Thanh được phân công chuyển ngành công tác tại huyện Phong Thổ, nay thuộc tỉnh Lai Châu, đến năm 1970 thì nghỉ hưu.

Khi ông Thanh cùng gia đình chuyển về Phố Lu, huyện Bảo Thắng sinh sống, tổ chức nhận thấy ông là người có năng lực, kinh nghiệm công tác nên mời tham gia là Ủy viên thư ký Ủy ban hành chính xã Phố Lu, sau đó được bổ nhiệm Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phố Lu liên tiếp 3 nhiệm kỳ trước khi nghỉ công tác.

15.png

Còn nhiều cán bộ, chiến sĩ người miền Nam tập kết ra Bắc có trình độ, năng lực tốt đã cống hiến những năm tháng thanh xuân tại quê hương mới, góp phần cùng tỉnh Lào Cai khôi phục kinh tế, trở thành hậu phương vững chắc, tiếp sức người, sức của cho cả nước đánh thắng giặc Mỹ mà phạm vi tìm hiểu của chúng tôi chưa biết tới. Đây là một giai đoạn lịch sử hết sức đáng tự hào của đất nước, dân tộc nói chung và huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai nói riêng.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ phải gắn với nhiệm vụ tăng tốc bứt phá

Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ phải gắn với nhiệm vụ tăng tốc bứt phá

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ yêu cầu: Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không được khoảng trống thời gian; không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân.

fbytzltw