Theo cuốn lịch sử Đảng bộ huyện Mường Khương (giai đoạn 1950 - 2020), cuối tháng 7/1950, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch biên giới, hướng Lào Cai là Chiến dịch Lê Hồng Phong màn II với nhiệm vụ tiêu diệt một phần sinh lực địch và nghi binh cho quân ta đánh mạnh ở các tỉnh Đông Bắc. Để đối phó, quân Pháp cho quân tăng cường tại Lào Cai, tại huyện Mường Khương chúng bố trí Đại đội 12, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn bộ binh số 6 cho xã Bản Phiệt, sau đó liên tục mở các cuộc hành quân tới Bản Lầu và trung tâm huyện. Đầu tháng 9/1950, hai trung đội bộ đội địa phương phối hợp với dân quân tiến công đồn Bản Lầu, đồng thời đánh chặn viện binh từ Bản Phiệt khiến cho địch bị thiệt hại nặng nề. Cuối tháng 9/1950, hơn 100 lính Pháp và bảo an bỏ đồn Bản Lầu, co cụm tại Mường Khương, ngày 23/10 quân ta giải phóng Chợ Chậu (xã Lùng Vai ngày nay), ngày 25/10 giải phóng đồn Bản Phiệt.
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, đầu tháng 11/1950, quân ta mở chiến dịch giải phóng Mường Khương, Pha Long, thiết lập lại trật tự an ninh chính trị, xây dựng và củng cố cơ sở cách mạng. Ngày 10/11/1950, quân ta chia lực lượng thành 2 mũi tấn công phỉ ở Mường Khương, đến trưa 11/11 thì tập trung đánh đồn Mường Khương và giải phóng thị trấn Mường Khương, về sau ngày 11/11 hằng năm được lựa chọn là ngày giải phóng huyện Mường Khương.
Phát huy truyền thống cách mạng vùng đất anh hùng, Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc huyện Mường Khương đã tích cực chăm lo xây dựng, bảo vệ quê hương, cùng tỉnh Lào Cai và các tỉnh miền Bắc chi viện sức người, sức của, góp phần làm nên Chiến thắng Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất nước nhà. Quân và dân huyện Mường Khương còn kiên cường, anh dũng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc, cùng cả nước bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện Mường Khương đã xác định 3 khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nổi bật trong các lĩnh vực đột phá là phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Đến hết năm 2024, diện tích cây trồng hàng hóa tập trung của huyện Mường Khương đạt 10.500 ha, trong đó vùng chè gần 6.000 ha, chuối 900 ha, dứa 1.700 ha, quýt 850 ha, lúa Séng cù 600 ha, hồng giòn 200 ha. Trong sản xuất hàng hóa, huyện Mường Khương duy trì 6 chuỗi sản phẩm an toàn đã được chứng nhận, đó là chuỗi gạo Séng cù, tương ớt, chè với 3 sản phẩm và một sản phẩm từ cây dứa, đồng thời duy trì 21 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên.
Về lĩnh vực đột phá phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, đô thị, huyện Mường Khương tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại V với thị trấn Mường Khương; tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới với các hạng mục như đường giao thông, trường học, trạm y tế, hệ thống thủy lợi, điện lưới quốc gia. Huyện Mường Khương cũng hoàn thiện quy hoạch xây dựng khu hành chính và dự kiến quy hoạch kho bãi thông quan hàng hóa cách cửa khẩu Mường Khương 3,5 km. Khâu đột phá thứ 3 được xác định là đổi mới trong công tác cán bộ, đặc biệt là khâu đánh giá, phân xếp loại cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ từ huyện tới cơ sở đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Về phát triển kinh tế - xã hội, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các chỉ tiêu, mục tiêu quan trọng, cốt yếu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đều đạt và vượt 100%; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân các năm đạt 8,81%; cơ cấu kinh tế của huyện tiếp tục chuyển dịch đúng hướng.
Đồng chí Giàng Seo Vần, Bí thư Huyện ủy Mường Khương cho biết, là huyện nghèo nhất tỉnh, còn nhiều khó khăn nhưng địa phương lại có tiềm năng, lợi thế sẵn có, rất đáng mừng. Đó là Mường Khương có truyền thống đoàn kết, thống nhất cao trong đảng, hệ thống chính trị và toàn cộng đồng xã hội. Người dân Mường Khương cần cù, hăng say lao động, có tình yêu đặc biệt với quê hương, trong mọi hoàn cảnh đều quyết tâm gắn bó với nơi mình sinh ra và lớn lên.
Đồng chí Bí thư Huyện ủy Mường Khương cho biết thêm, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đang rà soát trước khi tổng kết, nghiên cứu, lựa chọn và xác định các nhiệm vụ, mục tiêu đột phá, mũi nhọn phát triển trong giai đoạn tới. Định hướng cơ bản là huyện tiếp tục lấy sản xuất nông nghiệp là nền tảng phát triển, khâu ưu tiên hàng đầu, trong đó tiếp tục nâng cao chất lượng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với ngành hàng chủ lực. Tạo điều kiện để thu hút đầu tư, nhất là các dự án chế biến nông sản, gắn với phát triển thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, phát triển thị trường nhằm tạo sự ổn định, từng bước nâng cao giá trị sản xuất cây trồng. Bên cạnh mũi nhọn kinh tế cửa khẩu, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ, huyện Mường Khương sẽ ưu tiên khai thác, phát triển du lịch để khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo hướng phát triển kinh tế mới cho huyện nghèo. Các sản phẩm du lịch sẽ được quan tâm khai thác như du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp.
Một điểm mới sẽ được huyện Mường Khương coi trọng phát triển là nguồn nhân lực gắn với đào tạo nghề, định hướng, hỗ trợ việc làm, nhất là cho lao động vùng nông thôn. Hiện nay, huyện Mường Khương có khoảng 4.000 lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phố như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng và một số tỉnh phía Nam, đây là lượng lao động đang mang lại nguồn lực kinh tế rất lớn cho địa phương. Huyện ủy Mường Khương đã chủ động hợp tác với trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đào tạo, bố trí việc làm cho con em lao động địa phương. Sau hơn 1 năm hợp tác, có 25 con em huyện Mường Khương được cử đi đào tạo và được các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Than - Khoáng sản Việt Nam sử dụng với mức lương 700 - 800 nghìn đồng/ngày. Dư địa còn rất lớn, do vậy huyện Mường Khương sẽ quan tâm nhiều hơn tới việc hỗ trợ người lao động như định hướng và tổ chức dạy nghề ngắn hạn, kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức để tìm việc làm ổn định cho lao động địa phương, nhất là các doanh nghiệp có ký kết thỏa ước, hợp đồng lao động cùng các chế độ cần thiết với người lao động.
Còn nhiều khó khăn, nhất là những vấn đề nội tại song với việc xác định hướng đi đúng, cùng với những quyết tâm chính trị rất cao của cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân, huyện Mường Khương rất tự tin, vững bước trong giai đoạn mới, thời kỳ bứt phá đi lên.