Đây là các vũ điệu được các giảng viên, nghệ sĩ, diễn viên trong quân đội sáng tạo, dàn dựng. Thông qua đó, phát huy giá trị nghệ thuật cách mạng Việt Nam, bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tạo đổi mới, chuyển biến, thống nhất trong các sinh hoạt văn hóa, tinh thần cho bộ đội. Từ đó, xây dựng nét đẹp quân nhân, nâng cao giá trị thẩm mỹ, xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phù hợp xu thế phát triển và thưởng thức nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Cùng với các đơn vị bộ đội khác trong tỉnh, triển khai các văn bản, hướng dẫn của cấp trên, đầu năm 2024, Trung đoàn 254, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã lựa chọn, cử cán bộ là “hạt nhân” văn nghệ để tham gia tập huấn theo đúng kế hoạch. Sau thời gian tập huấn, Trung đoàn 254 xây dựng kế hoạch tập luyện và phân công cán bộ tổ chức phổ biến, hướng dẫn đến 100% cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị trực thuộc trung đoàn.
Để đảm bảo thời gian thực hiện các nhiệm vụ khác, Trung đoàn 254 đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức hướng dẫn, tập luyện vũ điệu cho cán bộ, chiến sĩ vào ngày nghỉ, giờ nghỉ; thời gian tập luyện thường vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối, khoảng 90 phút/buổi tập.
Những ngày đầu tập luyện, cán bộ, chiến sĩ gặp một số khó khăn khi làm quen với các động tác, cảm nhạc, di chuyển đội hình. Để giúp cán bộ, chiến sĩ dễ tiếp thu, thực hành các vũ điệu thành thục, cán bộ hướng dẫn đã chia thành từng đội, nhóm tập luyện; hướng dẫn tỉ mỉ, nhiều lần từng động tác, từng đoạn, sau đó “khớp” nhạc cho từng phần, từng bài. Với sự lôi cuốn trong tiết tấu, các động tác trẻ trung, dứt khoát, dễ thực hiện cùng tinh thần hào hứng, cán bộ, chiến sĩ tại Trung đoàn 254 đã nhanh chóng thực hành tốt các vũ điệu theo quy định.
Có mặt tại một buổi tập luyện vũ điệu của cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi cảm nhận được không khí phấn khởi, hăng say tập luyện. Khác với hình ảnh quân nhân nghiêm túc thường ngày hay khi thực hiện nhiệm vụ, trong giờ tập luyện dân vũ, với tinh thần thoải mái, vui vẻ, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ hòa mình theo tiếng nhạc, cùng biểu diễn vũ điệu đẹp mắt, đồng đều.
Mỗi vũ điệu lại có những ý nghĩa, động tác khác nhau. Theo đó, đúng như tên gọi, trên nền nhạc hào hùng của bài hát “Vì Nhân dân quên mình”, vũ điệu “Niềm tin” được các chiến sĩ thể hiện với các động tác khỏe khắn, dứt khoát, thể hiện được niềm tin, ý chí quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Lấy cảm hứng âm nhạc từ bài “Giải phóng Điện Biên”, với chất liệu là các điệu múa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc, vũ điệu “Quân dân” cho thấy được tính kết nối, đoàn kết cao.
Đối với vũ điệu “Hành quân” và “Lính trẻ” có động tác trẻ trung, mạnh mẽ, nhanh, phù hợp với tinh thần tuổi trẻ của thanh niên quân đội. Vũ điệu “Hòa bình” là những động tác linh hoạt, uyển chuyển, mang tính biểu tượng theo chủ đề đã xác định.
Việc tổ chức tập luyện các vũ điệu theo quy định đã giúp nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, bổ ích; rèn luyện, nâng cao thể chất; xây dựng tình đoàn kết, gắn bó cho cán bộ, chiến sĩ trong quân đội. Qua đây, cũng khơi dậy niềm tự hào về truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam, tình yêu quê hương, đất nước, rèn luyện ý chí, quyết tâm của người chiến sĩ. Những vũ điệu mới hứa hẹn sẽ là “món ăn” tinh thần hấp dẫn, mới lạ cho bộ đội, được sử dụng để tập luyện, biểu diễn thường xuyên trong các hoạt động của các đơn vị và công tác dân vận tại địa phương.