Phóng viên:Mới đây, Lào Cai đã tổ chức công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vậy, những công việc tiếp theo cần phải làm gì, thưa ông?
Ông Phan Trung Bá: Tại Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành một số công việc cần phải làm để sớm đưa Quy hoạch tỉnh vào thực tế.
Trước hết, các ban, sở, ngành cấp tỉnh; cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương làm tốt công tác truyền thông, công bố, công khai nội dung quy hoạch đối với từng ngành, lĩnh vực, địa phương… Trên cơ sở đó, từng ngành, từng lĩnh vực, UBND cấp huyện và cấp xã công bố, công khai nội dung quy hoạch thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức thuộc ngành nào phải nắm chắc nội dung quy hoạch của ngành đó, từng nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể để triển khai.
Quy hoạch tỉnh Lào Cai: Mở rộng không gian phát triển, phấn đấu trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương
Các ngành, các địa phương cần xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của địa phương, đơn vị mình để tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh; khẩn trương rà soát, điều chỉnh tất cả các kế hoạch, quy hoạch, chương trình, đề án có liên quan để bổ sung phù hợp với Quy hoạch chung của tỉnh.
Chủ động nghiên cứu, sửa đổi cơ chế, chính sách đã ban hành, đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh. Thực hiện tốt chính sách xã hội hóa, đa dạng hình thức đầu tư nhằm huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, duy trì ở thứ hạng cao các chỉ số: PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS; thúc đẩy xây dựng mô hình “Chính quyền đồng hành và phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư”, nhằm đa dạng hóa các nguồn lực, sớm cụ thể hóa các mục tiêu của Quy hoạch tỉnh đã đề ra.
Chú trọng và tăng cường bảo vệ môi trường, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản, nhất là các tài nguyên không tái tạo. Đẩy mạnh thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, dịch vụ bảo vệ môi trường, các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Kêu gọi các tổ chức, định chế tài chính, nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, lựa chọn và quyết định đầu tư tại Lào Cai để làm giàu cho chính mình, góp phần vào sự phát triển của tỉnh Lào Cai theo các mục tiêu đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh.
Phóng viên: Tinh thần chỉ đạo chung và xuyên suốt của tỉnh về việc triển khai Quy hoạch tỉnh vào thực tế là gì, thưa ông?
Ông Phan Trung Bá: Quy hoạch tỉnh Lào Cai được phê duyệt đã mở ra không gian, xác định động lực phát triển, thể hiện khát vọng xây dựng Lào Cai trở thành “Cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết số 11 ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định. Do vậy, tinh thần chỉ đạo chung và xuyên suốt của tỉnh trong triển khai Quy hoạch tỉnh là phải lấy đây là khung định hướng phát triển cho tỉnh Lào Cai trong 10 năm tới, góp phần phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của tỉnh trên các lĩnh vực đời sống xã hội, đặc biệt là thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Quy hoạch đã đề ra.
Đó là, đến năm 2030, phấn đấu GRDP bình quân đầu người của tỉnh Lào Cai đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có GRDP bình quân đầu người cao của cả nước; thu nhập bình quân đầu người đứng trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao; trở thành trung tâm của vùng và cả nước về du lịch, kinh tế cửa khẩu, dịch vụ và công nghiệp chế biến, chế tạo. Đến năm 2050, xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển, là một trung tâm phát triển của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và cả nước; là trung tâm kết nối quan trọng trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh giữa Trung Quốc, Việt Nam, ASEAN và châu Âu với hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại và tích hợp.
Phóng viên:Để việc triển khai Quy hoạch tỉnh đạt hiệu quả cao nhất, chúng ta cần có những giải pháp căn cơ như thế nào, thưa ông?
Ông Phan Trung Bá: Để việc triển khai Quy hoạch tỉnh đạt hiệu quả cao nhất, tỉnh đã xác định những việc cần phải làm với những giải pháp cụ thể. Đó là triển khai từng nội dung của Quy hoạch tỉnh có trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu chắc đến đó...
Tuy nhiên, trong thực hiện cũng cần áp dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế, hoàn cảnh thực tế; không được máy móc. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và đánh giá, tổng kết kinh nghiệm trong triển khai Quy hoạch tỉnh, nhằm đạt các mục tiêu mà Quy hoạch tỉnh đã đề ra ở mức cao nhất.
Phóng viên:Trân trọng cảm ơn ông!