Chiều cuối tháng 10, Sầm Văn Bóng, người thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) ngồi lặng thinh trên ngọn đồi sim nhìn về bản cũ. Nắng chiều xiên chéo vào gương mặt sạm đen của người đàn ông đã mất đi 5 người trong thảm họa hồi đầu tháng 9, ánh lên nỗi buồn vẫn còn ngổn ngang, chất chứa.
Khẽ thở dài, ngoái nhìn vệt đất loang lổ như những vết thương chưa kịp lành phía chân đồi, anh đứng dậy, quay lại làm việc cùng mọi người để tái thiết Làng Nủ mới.
QUYẾT TÂM TRÊN CÔNG TRƯỜNG LÀNG NỦ MỚI
Điểm làm việc của Bóng nằm trên một ngọn đồi cao chót vót của xã Phúc Khánh. Gần 20 ngày sau thảm họa, công cuộc tái thiết được chính thức bắt đầu. Khu tái định cư mới có diện tích khoảng 10ha, sắp xếp 40 căn nhà 2 tầng thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống của bà con với diện tích khoảng 1.000m2 mỗi căn.
Ngoài ra, các hạ tầng thiết yếu khác như nhà văn hóa, trường học... cũng được bố trí để những người như anh Bóng có thể sinh sống, ổn định lâu dài.
Phó Ban quản lý dự án xây dựng huyện Bảo Yên Đặng Văn Mạnh, vừa tất bật kiểm tra các hạng mục trên công trường, vừa thông tin thêm: Để bảo đảm tiến độ đề ra, đơn vị thi công quyết tâm "vượt nắng, thắng mưa", bám công trường, chia ca kíp làm việc liên tục từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm.
"Sau khi lắp dựng những ngôi nhà đầu tiên, chúng tôi gặp thời tiết bất lợi khi mưa khá lớn về đêm trong 3 ngày liền. Nhưng tinh thần của tất cả đều rất cao, nỗ lực để hoàn thiện khu tái định cư trong thời gian sớm nhất", ông Mạnh thông tin.
Là công nhân thuộc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12), anh Phạm Chí Công mướt mải mồ hôi khi nắng trên đỉnh đồi sim ngày càng gay gắt.
Gạt giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt, anh Công cho biết: Trong những ngày qua, các cán bộ, chiến sĩ của Binh đoàn 12 đã nỗ lực hết mình để khắc phục khó khăn.
NIỀM HY VỌNG MỚI Ở "LÀNG HẠNH PHÚC"
Cuối ngày, anh Sầm Văn Bóng lại tranh thủ ngược dốc lên đồi Sim để hỗ trợ bộ đội tái thiết Làng Nủ mới. Trận lũ hồi đầu tháng 9 đã cướp đi của anh 5 người thân cùng toàn bộ nhà cửa và tài sản.
Anh Bóng bảo, anh không thể chỉ ngồi mà không làm gì. "Thỉnh thoảng, sau giờ làm, chúng tôi lên công trường xem có giúp được gì không. Vừa để khuây khỏa, vừa để nhìn ngắm bản tương lai".
Trong khi đó, Thượng tá Vũ Đình Dũng cho biết, theo kế hoạch, Binh đoàn 12 và các lực lượng thi công sẽ hoàn thành lắp dựng 40 ngôi nhà trước ngày 30/11 và hoàn thành toàn bộ hạ tầng, điện nước, cảnh quan khu tái định cư Làng Nủ trước ngày 31/12 để bàn giao cho người dân địa phương bị mất nhà sau lũ quét đưa vào sử dụng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cho biết, thảm họa vừa qua đã để lại quá nhiều đau thương, mất mát cho người dân Làng Nủ nói riêng và cấp ủy, chính quyền, nhân dân Bảo Yên nói chung. Công tác khắc phục hậu quả có thể vẫn còn kéo dài, song, trên tinh thần quyết tâm “biến đau thương thành hành động” tất cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và nhân dân cùng chung sức, đồng lòng, khẩn trương tái thiết mảnh đất này với niềm tin Làng Nủ mới sẽ đẹp hơn, đáng sống hơn, an toàn hơn, nghĩa tình hơn. Với quyết tâm đó, về lâu dài, Huyện ủy Bảo Yên ban hành kế hoạch xây dựng “Làng hạnh phúc” tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh.
Ở góc độ gần hơn, cũng giống như anh Sầm Văn Bóng, những người may mắn còn sống sót sau thảm họa "chưa từng có" vừa qua ước mơ gần gụi hơn nhiều. Họ muốn đưa những bức ảnh thờ còn lấm lem bùn đất lên căn nhà mới trên đỉnh đồi sim; muốn an cư để quên đi nỗi đau vẫn còn rỉ máu dưới chân núi Voi ngày nào. Với họ, hy vọng hiện hình từ ngôi nhà 2 tầng đang được dựng xây trên mặt đồi cao xa xa kia.
Chiều cuối tháng 10. Khói lam chiều từ dãy nhà tạm cư của người thôn Làng Nủ đã bắt đầu lơ lửng bay lên. Người Làng Nủ, vẫn quấn vành khăn trắng, ngày ngày lên đồi thăm quế sắp tới vụ thu hoạch. Cuối ngày, họ trở về "nhà" nấu cơm, hoặc, rảo bộ lên đỉnh dốc cao thăm "làng mới".
Chị Dương Thị Tươi ngồi trước hiên, lúi cúi rửa bát. Ngay bên cạnh, cháu bé hơn 1 tuổi, được đặt gọn lỏn vào một chiếc chậu cỡ to màu đỏ, tròn mắt nhìn người lớn làm việc.