Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
Những “nữ thủ lĩnh” gánh “việc làng” ở Phú Nhuận

Những “nữ thủ lĩnh” gánh “việc làng” ở Phú Nhuận

Tại xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng) có gần 60% bí thư chi bộ, trưởng thôn, gần 70% ban công tác mặt trận là nữ. Bằng lòng nhiệt huyết và sáng tạo kết hợp với sự kiên trì, khéo léo, những nữ “thủ lĩnh” nơi đây được cấp ủy đảng, chính quyền, Nhân dân địa phương tín nhiệm.

1.jpg

Bà Nguyễn Thị Vinh, Bí thư Chi bộ thôn Phú Hợp 2 là nữ cán bộ thôn đầu tiên của xã. Bà làm trưởng thôn từ năm 2001, đến năm 2018 làm bí thư chi bộ. Ở thời điểm đó, quan niệm phụ nữ làm lãnh đạo còn khá nặng nề.

Bà Vinh chia sẻ: Ban đầu, tôi làm trưởng thôn cũng một phần vì “tự ái”. Chẳng là, hôm tôi được giới thiệu vào danh sách bầu trưởng thôn, có người xì xào rằng “thiếu gì người mà phải bầu đàn bà”. Lãnh đạo xã đến dự họp hôm ấy cũng khích lệ “chị cứ làm thử một khóa đi, không được thì nghỉ”. “Sao lại làm thử, đã nhận thì phải làm hết mình chứ!”, tôi tự nhủ khi nhận trách nhiệm được dân bầu.

2.jpg

Những ngày đầu làm trưởng thôn là những ngày bà Vinh lăn lộn với nhiều việc khó như lãnh đạo người dân kéo đường điện về thôn, mở đường giao thông, sản xuất tăng vụ. Dù công việc “vác tù và” phải hy sinh nhiều thời gian nhưng bà Vinh vẫn đảm đang thiên chức làm vợ, làm mẹ. Cho dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất là chồng mắc bệnh hiểm nghèo, thường xuyên nằm viện thì bà vẫn luôn hoàn thành cả hai vai “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Để đường điện mang ánh sáng về thôn được hoàn thành đúng thời hạn, tuyến đường trục thôn được mở rộng đi lại thuận lợi, bà không vắng 1 ngày công. Với việc nhà, bà tần tảo lao động, sản xuất, gom góp tiền đưa chồng đi chữa bệnh từ bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh cho đến tuyến Trung ương.

3.jpg

Đưa chúng tôi đến thăm nhà văn hóa thôn đã được xây dựng khang trang, bà Vinh hồ hởi: Đây là nhà văn hóa xây lần thứ 3 của thôn đấy, những nhà trước chỉ là nhà tạm. Sau hơn 20 năm làm cán bộ thôn, cuối cùng tôi cùng đạt được ước nguyện của mình là góp sức làm một nhà văn hóa thật khang trang để bà con sinh hoạt, họp hành.

2.jpg

Về thôn Phú Thịnh 2, được gặp hai nữ tướng gánh “việc làng”, chúng tôi mới hiểu vì sao đây lại là thôn kiểu mẫu đầu tiên và là thôn kinh tế phát triển nhất nhì xã.

Chị Vũ Thị Liên, Trưởng thôn Phú Thịnh 2 cho biết: Làm cán bộ thôn, công việc khá bận và lại nhiều việc đột xuất nên tôi phải sắp xếp thời gian thật khoa học. Bên cạnh đó, cũng cần sự khéo léo “có tình có lý” khi đi vận động, tuyên truyền Nhân dân. Mình nói đúng mà không khéo, không trân trọng thì người dân cũng không nghe theo và làm theo.

7.jpg

Thôn Phú Thịnh 2 có 106 hộ. Sau khi xã Phú Nhuận “về đích” nông thôn mới, cấp ủy đảng và chính quyền tiếp tục vận động các thôn mở rộng đường giao thông. Ban đầu, việc vận động khó khăn vì mở rộng đường sẽ khiến nhiều hộ mất đất trồng rừng, ao nuôi cá. Khó vẫn phải làm, với vai trò là trưởng thôn, chị Liên xung phong đi đầu, tự chặt bỏ 100 cây quế, hiến 500 m2 đất. Khi trưởng thôn đã là đầu tàu gương mẫu, các hộ rầm rộ làm theo (16 hộ dọc tuyến đường đều tự nguyện hiến đất, cây cối để mở đường). Tiêu biểu là gia đình ông Trần Văn Thìa hiến hơn 100 m2 đất vườn và ruộng, gia đình ông Nguyễn Văn Ngọc lấp 200 m2 ao nuôi cá… Bên cạnh đó, mỗi người dân trong thôn còn đóng góp 900 nghìn đồng và tham gia lao động để mở rộng lòng đường từ 4,8 m lên 7 m với chiều dài 1,4 km.

6.jpg

Nữ Bí thư Chi bộ thôn - Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: Gánh “2 vai” tức là phải “trọn việc Đảng, tròn việc dân”. Tôi luôn tâm niệm phải vừa lo cho dân vừa nghĩ cách để xây dựng chi bộ vững mạnh. “Nói phải đi đôi với làm”, hơn chục năm đảm nhiệm vai trò bí thư chi bộ, tôi đã rà soát trong đội ngũ chi hội thôn để vận động những người đủ tiêu chuẩn phấn đấu vào Đảng. Đến nay, Chi bộ Phú Thịnh 2 có 11 đảng viên tiên phong, gương mẫu đi đầu thực hiện nhiệm vụ ở thôn. Từ phát triển cây ngô, cây sắn, đến nay người dân trong thôn đã tích cực trồng rừng, chăn nuôi lợn, gà thả đồi. Hiện thu nhập bình quân của người dân trong thôn đạt hơn 53 triệu đồng/người/năm.

3.jpg

Chi bộ thôn Làng Đền có 7 đảng viên, 106 hộ dân, trong đó hơn 90% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số (Dao, Tày, Xá Phó). Do nhiều dân tộc khác nhau, trình độ dân trí không đồng đều nên việc tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn, vất vả.

Làm bí thư chi bộ 5 năm, chị Hà Thị Bình chia sẻ: Có hôm 3 - 4 giờ sáng đã bị vực dậy đi hòa giải chuyện hàng xóm xích mích, vợ chồng cãi lộn. Hay chuyện phát triển đảng, không chỉ vận động quần chúng mà còn phải vận động cả gia đình quần chúng đồng ý. Việc vận động người dân phát triển kinh tế cũng gặp nhiều trở ngại do tập quán canh tác của mỗi dân tộc khác nhau. Vậy nên, tôi luôn gương mẫu và kiên trì trong mọi việc.

Trước đây, đồng bào Dao họ chủ yếu chăn nuôi gia súc, gia cầm thả rông, nhiều hộ không làm nhà vệ sinh gây ô nhiễm môi trường. Chị Bình đã đến từng hộ tuyên truyền, thuyết phục về những lợi ích của việc ăn, ở hợp vệ sinh. Vận động một lần chưa được thì chị kiên trì đi nhiều lần. “Nhiều việc nếu mình chỉ nói, bà con chưa nghe thì mình phải làm trước cho bà con thấy. Đến nay, 100% hộ trong thôn đã có nhà vệ sinh và làm chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm”, chị Bình nói.

4.jpg

Điều phấn khởi nhất đối với Bí thư Chi bộ thôn Hà Thị Bình là những năm gần đây, 100% học sinh trong thôn được đến trường. Làng Đền có nhiều con em là học sinh giỏi, thi đỗ các trường đại học, cao đẳng. Tình trạng tảo hôn tại đây đã được loại bỏ. Đặc biệt, thời gian này, Chi bộ và ban lãnh đạo thôn Làng Đền đang gấp rút hoàn thành các công việc để chuẩn bị khởi công làm nhà văn hóa thôn trên nền nhà văn hóa cũ.

5.jpg

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quốc Vương, Bí thư Đảng ủy xã Phú Nhuận chia sẻ: Xã có 14 thôn có bí thư chi bộ, trưởng thôn là nữ, 17 trưởng ban công tác mặt trận ở các thôn cũng là nữ. Ở họ có điểm chung là nhiệt tình, trách nhiệm, khéo léo với công việc, luôn vì lợi ích của cộng đồng thôn xóm, được đảng viên, Nhân dân tin tưởng và yêu mến.

Từ năm 2011 đến nay, xã Phú Nhuận đã huy động được 250 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó người dân đóng góp gần 70 tỷ đồng, hiến gần 100.000 m2 đất và hàng chục nghìn ngày công lao động để đổ bê tông, mở rộng và làm mới hơn 45 km đường giao thông nông thôn. Phú Nhuận là địa phương đầu tiên của huyện Bảo Thắng mở rộng mặt đường giao thông nông thôn từ 3,5 m lên 6 m, mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân. Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của những cán bộ thôn, đặc biệt là các nữ “thủ lĩnh”.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Phát hiện mới ở trẻ tự kỷ

Phát hiện mới ở trẻ tự kỷ

Các nhà khoa học tại Đại học Geneva (UNIGE), Thụy Sỹ vừa công bố phát hiện quan trọng, làm sáng tỏ nguyên nhân phía sau những khó khăn trong tương tác xã hội ở trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ (ASD).

Lào Cai chung tay đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp lễ

Lào Cai chung tay đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp lễ

Dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 cũng là thời gian cao điểm khách du lịch đến các địa phương trong tỉnh, do đó ngành y tế Lào Cai và các doanh nghiệp đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ người dân và du khách. 

Giáo dục lòng yêu nước từ nhà trường

Giáo dục lòng yêu nước từ nhà trường

Trong không khí tưng bừng của cả nước hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), những hoạt động giáo dục lòng yêu nước tại các trường học trên địa bàn tỉnh đã diễn ra sôi nổi, tràn đầy cảm xúc. Các em học sinh từ mầm non đến trung học không chỉ được học về lịch sử mà còn được trải nghiệm những hoạt động thực tế, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ngày lễ không nghỉ của những người thầy thuốc

Ngày lễ không nghỉ của những người thầy thuốc

Trong không khí hân hoan đón chào kỳ nghỉ Lễ 30/4 – 1/5, hàng triệu người lao động được nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình thì ở nơi hành lang bệnh viện, ánh đèn vẫn sáng, tiếng chân rảo bước, tiếng băng ca đẩy hối hả, nhịp độ làm việc khẩn trương. Những “chiến sĩ áo trắng” miệt mài làm việc, túc trực ngày đêm để giành giật sự sống cho người bệnh.

fb yt zl tw