Nước về Đồng Vệ
Những ngày này, người dân thôn Đồng Vệ, xã Chiềng Ken (Văn Bàn) đang khẩn trương thu hoạch vụ lúa hè thu để chuẩn bị làm đất trồng cây vụ đông. Thời tiết thuận lợi, nông dân được mùa khiến những chiếc máy tuốt lúa hoạt động hết công suất; trên trục đường liên thôn, xe chở thóc từ ruộng về nối đuôi nhau. Gia đình ông La Văn Đoan là một trong những hộ có nhiều ruộng nhất thôn, năm nay gia đình thu hoạch 40 bao thóc. Ông Đoan bảo, nhờ thủy lợi kiên cố, nguồn nước đảm bảo, bây giờ làm ruộng vụ nào cũng ăn chắc, không phải nơm nớp lo bơm nước chống hạn.
Đồng Vệ là cánh đồng cao ở xã Chiềng Ken. Trước đây, để đưa nước lên, bà con đắp đập bằng đá rồi làm hệ thống cọn nước ven suối, nhưng cứ đến mùa lũ là bị cuốn trôi. Năm 2004, Nhà nước đầu tư một cây cầu máng dẫn nước từ hệ thống thủy lợi Phai Mường sang Đồng Vệ. Ngày dòng nước dẫn về, bà con mừng như hội. Ông Đoan nhớ lại, con nước về đến đâu, bà con khai khẩn thêm đất sản xuất đến đó, cánh đồng khô cằn trước đây chỉ cấy được 1 vụ lúa thì nay đã được 2 vụ, diện tích đất canh tác cũng được mở rộng lên gấp đôi.
Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Ken - Vấn Thanh Đàm cho biết: Hệ thống thủy lợi Phai Mường gồm 2 đập đầu mối dẫn nước từ xã Liêm Phú về các cánh đồng của Chiềng Ken, tổng chiều dài tuyến kênh hơn 18 km, phục vụ nước tưới cho 6/14 thôn của xã. Nhờ hệ thống nước được đảm bảo, năng suất lúa trên địa bàn luôn đạt cao, trung bình 72 tạ/ha. Hệ thống thủy lợi này còn giúp nông dân nơi đây mở rộng diện tích ao nuôi thủy sản, mỗi năm trung bình người dân Chiềng Ken cung cấp ra thị trường 130 tấn thủy sản các loại.
Thời kỳ bao cấp, hệ thống mương chủ yếu được xếp đá và đắp đất, đến những năm 2000, hệ thống phai, đập, mương dẫn nước dần được kiên cố, đến nay, hệ thống mương kiên cố đã phủ khắp cánh đồng, giúp chủ động nguồn nước.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn cho biết: Cùng với công trình thủy lợi Phai Mường, ở khu vực này còn 1 công trình thủy lợi với quy mô tương đương là thủy lợi TaKô phục vụ sản xuất đa mục tiêu lấy nước từ suối Nhù tưới cho các cánh đồng của xã Khánh Yên Hạ.
Thời kỳ bao cấp, hệ thống mương chủ yếu được xếp đá và đắp đất, đến những năm 2000, hệ thống phai, đập, mương dẫn nước dần được kiên cố, đến nay, hệ thống mương kiên cố đã phủ khắp cánh đồng, giúp chủ động nguồn nước.
Cánh đồng Chiềng Ken, Khánh Hạ cũng là những cánh đồng lúa có diện tích lớn của huyện, năng suất cũng luôn đứng đầu huyện. Hệ thống thủy lợi TaKô, xã Khánh Yên Hạ cung cấp nguồn nước cho 2/3 hộ nông dân trên địa bàn sản xuất, trong khi hệ thống thủy lợi Phai Mường giúp 60% diện tích canh tác trên địa bàn xã Chiềng Ken. Trong định hướng phát triển nông nghiệp của huyện Văn Bàn thì Chiềng Ken, Liêm Phú, Khánh Yên Hạ đã quy hoạch là vùng sản xuất lúa, rau mùa, cây ăn quả.
Tạo đột phá cho sản xuất nông nghiệp
Trên tuyến đường từ Quang Kim lên Phìn Ngan, công trình thủy lợi Quang Kim (xã Quang Kim, huyện Bát Xát) nằm ở hạ lưu ngòi San, con đập lớn chắn ngang dòng suối, nước dâng lên chảy tràn qua đập tuôn chảy như thác suốt ngày đêm. Từ đập tràn, dòng nước được dẫn bằng hệ thống thủy lợi kiên cố dài hơn 6 km len lỏi khắp cánh đồng Quang Kim, làm nên những mùa màng bội thu. Hệ thống thủy lợi này được thiết kế thành 2 nhánh, một nhánh đi từ làng San đến Làng Kim, Làng Pẳn, một nhánh đi từ Làng San đến Làng Toòng. Phó Chủ tịch UBND xã Quang Kim - Vũ Văn Sơn cho biết: Hệ thống thủy lợi này góp phần đảm bảo cho diện tích canh tác của 70% hộ sản xuất nông nghiệp, thuộc 8/12 thôn trên địa bàn.
Về quy mô, nếu so với các tỉnh, thành dưới xuôi thì công trình này chỉ ở mức trung bình, nhưng với tỉnh miền núi Lào Cai thì đây là một trong những công trình lớn, tạo ra đột phá trong sản xuất nông nghiệp ở khu vực Quang Kim, biến nơi đây trở thành một trong những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa trọng điểm với nhiều mô hình được nhân rộng ra các địa phương trong tỉnh. Thiết kế đập dâng cao 9 m, điều kiện thi công ở hạ lưu dòng suối chảy xiết thì với kỹ thuật, phương tiện thi công cách đây 20 năm có thể coi là kỳ tích của những người làm xây dựng ở Lào Cai. Sự vững chãi của công trình này còn được khẳng định khi qua nhiều trận lũ lịch sử, nó hầu như không bị ảnh hưởng.
Đập thủy lợi Quang Kim xây dựng trên ngòi San, một dòng suối có lưu lượng lớn, đầu nguồn là khu vực Ngũ Chỉ Sơn (thị xã Sa Pa) với độ che phủ rừng cao giúp nguồn nước được duy trì ổn định quanh năm. Điều này không chỉ góp phần nâng cao năng suất lúa mà còn mở ra cơ hội chuyển đổi các diện tích sản xuất kém hiệu quả sang nuôi thủy sản.
Gia đình anh Nùng A Tăng ở thôn Làng Kim là một trong những hộ đầu tiên ở Quang Kim thực hiện mô hình chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Anh Tăng cho biết: Hệ thống mương dẫn nước từ đập đầu mối về các thôn nên việc lắp đặt đường nước về ao nuôi cá rất thuận lợi. Năm 2003, gia đình anh bắt đầu chuyển đổi sang nuôi tôm, sau đó nuôi cá theo mô hình bán thâm canh. Với 1.200 m2 ao cá giúp anh có nguồn thu ổn định 30 triệu đồng/năm. Phó Chủ tịch UBND xã Quang Kim - Vũ Văn Sơn cho biết, trên địa bàn xã hiện có 89 ha lúa, 54 ha thủy sản.
Với lưu vực lớn, nguồn nước dồi dào, công trình thủy lợi Quang Kim này hoàn toàn có thể nghiên cứu để khai thác thêm công năng trở thành nguồn sản xuất nước sinh hoạt phục vụ người dân khu vực giáp ranh thành phố Lào Cai và huyện Bát Xát.
Chia sẻ về công trình thủy lợi này, ông Nguyễn Duy Hưng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất tâm đắc. Ông Hưng cho biết: Công trình này thể hiện sự quan tâm của tỉnh với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn nhưng từ khi tái lập tỉnh đến nay, Lào Cai luôn quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi - “huyết mạch” của sản xuất nông nghiệp.
Ông Hưng chia sẻ thêm, với lưu vực lớn, nguồn nước dồi dào, công trình thủy lợi này hoàn toàn có thể nghiên cứu để khai thác thêm công năng trở thành nguồn sản xuất nước sinh hoạt phục vụ người dân khu vực giáp ranh thành phố Lào Cai và huyện Bát Xát.