S.T.T. (huyện Văn Bàn) bước vào hôn nhân khi mới 19 tuổi. Những tưởng cuộc sống sẽ là màu hồng bên người chồng bảnh bao nhưng sau 3 năm vun vén hạnh phúc, T. không thể chịu đựng thêm khi chồng ngày càng ham chơi và có tính vũ phu. Những lần bạo hành về cả thể chất lẫn tinh thần khiến trái tim T. vụn vỡ, con còn nhỏ nhưng T. vẫn quyết định ly hôn.
Anh V. và chị C. (thành phố Lào Cai) từng được cho là chuẩn mực của vợ chồng hạnh phúc. Hai người “trai tài, gái sắc”, công việc ổn định, thế rồi mọi chuyện rơi vào rạn nứt, cái tôi của họ quá lớn không thể cảm thông cho nhau. Ly hôn là giải pháp cả hai người nghĩ đến, nhưng do chưa đạt được thỏa thuận phân chia tài sản và quyền nuôi con nên việc ly hôn chưa thành.
Cặp vợ chồng thứ ba chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân ly hôn là do ghen tuông. Chị vợ có công việc ổn định với thu nhập cao ở một nhà hàng ẩm thực nổi tiếng, chồng là lái xe du lịch nhưng ghen tuông thái quá. Đỉnh điểm là anh chồng nhốt vợ vào phòng thờ rồi tẩm xăng định đốt mà bất thành. Quá sợ hãi với hành vi bạo lực này, chị vợ đã đệ đơn ly hôn.
Ba câu chuyện khác nhau, hàng nghìn cặp ly hôn là hàng nghìn lý do, nhưng tổng kết các nhóm nguyên nhân vẫn là vấn đề tài chính, ghen tuông, bạo hành...
Ly hôn không đơn giản là câu chuyện chia tay giữa hai người mà còn để lại sự đau lòng, tiếc nuối giữa hai bên gia đình, sự tổn thương tâm hồn của những đứa trẻ và nhiều hậu quả hơn thế.
“Đường đến trái tim” em D. (8 tuổi), em H. (mới 4 tuổi), nhà ở huyện Văn Bàn đầy “vết cứa” khi bố mẹ ly hôn, để hai em ở với ông bà nội. Thiếu vắng tình yêu thương của cha mẹ, D. và H. nhiều lúc cảm thấy chán nản, ảnh hưởng đến kết quả học tập. Nhìn các bạn có gia đình đầy đủ bố mẹ bên cạnh, còn mình, những dịp quan trọng không có bố mẹ động viên, chia sẻ, D. không ngần ngại nói lên suy nghĩ rằng đôi khi em cảm thấy “ghét bố mẹ” vì họ bỏ rơi hai em.
Từ khi bố mẹ ly hôn, em T. (thành phố Lào Cai) như bị trầm cảm. Trước đó, chứng kiến những trận cãi vã, thậm chí là bạo hành của bố mẹ, T. thường khóa trái cửa, khóc một mình trong phòng. Em không muốn chia sẻ chuyện này với ai, cho đến khi em được tòa án gọi đến như một giải pháp hòa giải giữa hai bố mẹ. Gặp thẩm phán thụ lý vụ việc ly hôn của hai người, T. không sao ngăn nổi những giọt nước mắt. Dù cuộc sống gia đình không hạnh phúc, bố mẹ thường xuyên mâu thuẫn nhưng T. không muốn họ chia tay.
Trong khi đó, nhiều cặp vợ chồng ly hôn lại để gánh nặng con cái đè lên đôi vai người lớn tuổi. Trường hợp ông Ma Văn Chén, thôn Chiềng 2, xã Võ Lao (huyện Văn Bàn) là một ví dụ. 7 năm trước, vợ chồng con trai ông ra tòa ly dị, để lại hai đứa cháu cho ông chăm sóc. Cố gắng bù đắp cho hai đứa cháu để chúng cảm thấy tình thương yêu ấm áp, dù không có cha mẹ ở bên nhưng ông không khỏi xót xa khi chúng tỏ ra buồn bã, ngày càng ít nói. 7 năm trôi qua, tâm nguyện của ông vẫn là mong con cái hàn gắn trở về, cùng nuôi dạy hai đứa trẻ nên người...
Đứng trước những lá đơn ly hôn, phía tòa án luôn mong muốn hòa giải thành công để các cặp đôi rút đơn, trở về bên nhau. Thẩm phán Nguyễn Thị Thúy Hằng, Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân thành phố Lào Cai chia sẻ: Nguyên tắc giải quyết các vụ việc ly hôn là chúng tôi xem xét họ mâu thuẫn như thế nào, sau đó gặp gỡ từng người để tháo nút thắt, mục tiêu là khiến họ tìm được tiếng nói chung, cùng hàn gắn gìn giữ gia đình, nhưng tỷ lệ hòa giải thành công rất thấp, thậm chí nhiều đôi trở về bên nhau rồi chỉ một thời gian sau lại quyết định ly hôn.
Trong hơn 20 năm tiếp xúc với các vụ việc ly hôn, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng thấy với những cặp đôi trẻ tuổi, lý do ly hôn rất đơn giản, còn với cặp đôi lớn tuổi, nếu họ đưa nhau ra tòa thì đó là những câu chuyện, cảnh đời phụ nữ vô cùng bất hạnh.
Năm 2022, Tòa án nhân dân thành phố Lào Cai giải quyết hơn 500 vụ ly hôn, trong đó 70% là những cặp vợ chồng trẻ. Còn Tòa án nhân dân huyện Văn Bàn, mỗi năm giải quyết khoảng 130 vụ ly hôn, độ tuổi xin ly hôn nhiều nhất từ 21 - 35, trong đó 90% cặp đôi có con nhỏ. Đây là đối tượng dễ bị tổn thương và thiệt thòi khi bố mẹ ly hôn. Tại các địa phương khác trong tỉnh, số vụ ly hôn luôn chiếm hơn 50% vụ, việc dân sự tòa án giải quyết, phần lớn là những đôi trẻ tuổi.
Mặt trái của cơ chế thị trường là tỷ lệ ly hôn trong cộng đồng xã hội ngày càng lớn, giới trẻ đến với nhau nhanh chóng nhưng vì cái tôi quá lớn, họ sẵn sàng quên đi nghĩa vụ với gia đình riêng là chăm sóc, gìn giữ. Hậu ly hôn, người có trách nhiệm sẽ chu toàn cho con cái, người không đủ khả năng đành đẩy các con cho ông bà nội, ngoại. Có thể được bù đắp về vật chất nhưng trong sự lớn lên của những đứa trẻ thiếu cha, thiếu mẹ sẽ vẫn là thiệt thòi vô cùng...