Trong ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày ở tổ dân phố Bản Coóc, thị trấn Khánh Yên (huyện Văn Bàn), ông Hoàng Văn San lật giở cuốn sổ ghi chép những kỷ niệm về chiến trường Tây Bắc năm xưa, trong đó có Chiến dịch Điện Biên Phủ ông và các đồng đội góp phần làm nên chiến thắng. Nhưng có lẽ dấu mốc quan trọng không bao giờ ông Hoàng Văn San quên là tháng 7/1957, chàng thanh niên 22 tuổi dân tộc Tày trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đi qua chiến tranh, chứng kiến những chiến thắng đổi bằng xương máu của đồng đội và quá trình đất nước gạt đau thương vươn mình thức giấc, ông Hoàng Văn San càng hiểu giá trị của hòa bình hôm nay. Là đảng viên đầu tiên trong gia đình, ông Hoàng Văn San phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, giáo dục con cháu về giá trị lịch sử, truyền thống cách mạng, nỗ lực vươn lên để xây dựng quê hương, đất nước. |
Ngược dòng lịch sử, tháng 8/1953, khi ấy ông Hoàng Văn San mới 18 tuổi, là chiến sĩ thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 148, Quân khu Tây Bắc cùng các đồng đội hành quân lên Điện Biên. Mang theo trái tim, lòng dũng cảm của chàng thanh niên người Tày, ông Hoàng Văn San cùng đồng đội đã anh dũng chiến đấu góp sức cho Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, cả đại đội 150 người chỉ còn lại 24 người, trong đó có ông Hoàng Văn San.
Tháng 3/1960, ông Hoàng Văn San phục viên trở về nhà, tiếp tục tích cực lao động, sản xuất góp sức xây dựng quê hương Văn Bàn. Trong vai trò là Chủ nhiệm Hợp tác xã thôn Bản Coóc, ông Hoàng Văn San lặn lội, mày mò gắn bó với thăng trầm của nghề nông. Phát huy vai trò của đảng viên trẻ, ông tiên phong triển khai ứng dụng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới. Từ thành công của bản thân, ông tuyên truyền, vận động bà con trong thôn làm theo. Nhờ sự tâm huyết, sáng tạo của Chủ nhiệm Hợp tác xã Hoàng Văn San, sản xuất nông nghiệp thôn Bản Coóc đạt nhiều kết quả, đóng góp cho kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Sản xuất nông nghiệp của thôn Bản Coóc được nhiều địa phương khác đến học tập.
Sau khi nghỉ công việc tại hợp tác xã, ông Hoàng Văn San trở về cuộc sống đời thường, tiếp tục phát triển kinh tế gia đình với mô hình trồng trọt, chăn nuôi để nuôi các con ăn học. Ông San luôn giáo dục các con chăm chỉ học tập, yêu quê hương, đất nước, trân trọng giá trị hòa bình, phấn đấu trở thành những người có ích cho xã hội. Khắc ghi lời dạy của người cha cựu chiến binh gương mẫu, 5 người con của ông Hoàng Văn San đến nay đều là những người tiêu biểu trong các phong trào của địa phương.
Trong gia đình ông Hoàng Văn San hiện có 4 đảng viên, luôn gương mẫu, chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Gia đình ông San đã tự nguyện hiến khoảng 500 m2 đất để làm đường bê tông và mở rộng đường giao thông nông thôn, ngoài ra, các đảng viên khác trong gia đình cũng đóng góp tiền mặt và ngày công lao động ủng hộ chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ông Hà Văn Toàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Khánh Yên cho biết: Sự đóng góp, ủng hộ của gia đình đảng viên Hoàng Văn San đã lan tỏa tinh thần đoàn kết chung sức xây dựng nông thôn mới tại tổ dân phố Bản Coóc nói riêng, thị trấn Khánh Yên nói chung. Gia đình ông Hoàng Văn San còn phát huy vai trò gương mẫu trên mọi lĩnh vực của địa phương, nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình văn hóa; các đảng viên khác trong gia đình cũng đạt nhiều kết quả trong lao động, công tác...
Gia đình ông Châu A Sình, Hoàng Văn San, anh Tẩn Ỳ Chu là 3 điển hình trong rất nhiều gia đình đảng viên người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, gia đình để giáo dục con cháu trở thành người có ích cho xã hội, nỗ lực rèn luyện, phấn đấu trong học tập, công tác để phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân. Nền tảng gia đình đảng viên gương mẫu người dân tộc thiểu số như gia đình ông Châu A Sình, Hoàng Văn San, anh Tẩn Ỳ Chu tích cực tuyên truyền, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân một cách hiệu quả, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh, thúc đẩy xã hội, đất nước ngày càng phát triển.
Bên cạnh đó, các gia đình đảng viên người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm gìn giữ truyền thống, duy trì các sinh hoạt văn hóa vào dịp lễ, tết, giáo dục thế hệ kế cận về lòng yêu nước, truyền thống cách mạng làm cho các giá trị chân, thiện, mỹ được trao truyền một cách tự nhiên cho thế hệ trẻ. Qua đó góp phần hình thành lối sống lành mạnh, xây dựng và phát triển nhân cách con người; gìn giữ, phát huy cốt cách của con người Việt Nam, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống hiện đại. Cũng từ những gia đình đảng viên gương mẫu ấy góp phần tạo nguồn phát triển đảng viên chất lượng, phần nào giải quyết bài toán khó khăn chung trong tạo nguồn phát triển đảng viên người đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay.