Trải qua dòng chảy của thời gian và sự biến thiên của lịch sử, hai di tích cổ là đền Trung Đô (Bảo Nhai - Bắc Hà) và đền Nghĩa Đô (Bảo Yên) vẫn chung mạch nguồn văn hóa.
Từ thành cổ Trung Đô...
Ngược dòng thời gian và chặng đường dài để đến với vùng “Cao nguyên trắng” Bắc Hà, chúng tôi dừng chân ở xã Bảo Nhai, nơi có ngôi đền linh thiêng, cổ kính - đền Trung Đô. Ngôi đền tọa lạc trên một vùng đất bằng phẳng, phía trước là dòng suối trong mát, hiền hòa, phía sau là ngọn núi cấm cao sừng sững, rợp bóng cổ thụ, cư dân quanh vùng vẫn gọi là “Rừng cấm”.

Theo tư liệu lịch sử, ngôi đền Trung Đô được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII để tri ân công lao to lớn của những người đã có công với vùng đất này. Các vị tướng được thờ là Khánh Dương Hầu Vũ Văn Uyên, Gia Quốc Công Vũ Văn Mật, tướng Hoàng Vần Thùng. Đó là những vị tướng giỏi, tài ba thời nhà Lê, quê ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Họ dời quê hương vào thế kỷ XVI, dừng chân ở vùng đất Tuyên Quang rồi từ đó, khai phá những miền đất mới, mở rộng địa bàn lên đến vùng Bảo Yên, Bắc Hà (Lào Cai). Đi đến đâu, các tướng xây thành bằng đá vững chắc, đến nay, vẫn còn dấu tích của thành cổ. Các vị tướng này đã có công phát triển kinh tế - xã hội, giúp vua Lê đánh đuổi quân nhà Mạc từ vùng Đông Bắc tràn sang, chặn giặc phương Bắc, bảo vệ bờ cõi miền biên ải.

Nhân dân quanh vùng vẫn thường gọi họ là “Chúa Bầu” để ca ngợi đức độ, tài năng, khí tiết của họ. Khi các Chúa Bầu mất, Nhân dân lập đền thờ để tưởng nhớ, hương khói phụng thờ. Với giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, đền Trung Đô đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia vào tháng 8/2005. Cũng từ đó, tín ngưỡng thờ Chúa Bầu đã được đồng bào dân tộc Tày và các dân tộc trong vùng duy trì, thực hành, đồng thời lan tỏa đến các vùng khác dọc miền sông Chảy.
… đến thung lũng Mường Khuông
Từ đền Trung Đô thuộc vùng đất Bảo Nhai, theo hướng xã Bản Liền rồi chạm đến vùng đất Tân Tiến của huyện Bảo Yên, chúng tôi vượt qua chặng đường dài hơn 100 km gian nan với bao con suối, bao ngọn núi cao để về Mường Khuông.
Thung lũng Mường Khuông là nơi quần tụ của đồng bào dân tộc Tày từ lâu đời. Bao bọc xung quanh các bản làng nơi đây là những ngọn núi cao trùng điệp như Khau Rịa, Khau Choong, Khau Ái. Dưới chân núi Pú Chè cao sừng sững, hướng nhìn ra dòng Nặm Luông trong mát là ngôi đền Nghĩa Đô, một điểm nhấn tâm linh trong đời sống của cư dân nơi đây.
Theo lời kể của Nghệ nhân Ưu tú Ma Thanh Sợi (Bản Rịa, Nghĩa Đô, Bảo Yên) và tư liệu lịch sử, vào những năm 1740 - 1760 ở vùng đất Mường Khuông, nạn cướp bóc, giết chóc diễn ra triền miên do những kẻ ở vùng khác gây nên. Điều đó dẫn đến sự bất an trong đời sống tinh thần và nạn đói, thiên tai, địch họa luôn hiện hữu trong cuộc sống của người dân. Vì vậy, những người cao niên cùng đàn ông trong các bản của Mường Khuông đã họp bàn, đi cầu về một vị nhân thần, để lập đền thờ làm điểm tựa tâm linh. Đây cũng là ý tưởng và hành động bắt đầu cho hành trình ngược Bắc Hà xin nhánh đền Trung Đô.

Hành trình đi xin nhánh đền ở Trung Đô của người dân Mường Khuông khá dài và gian nan, kéo dài nhiều năm mới thành công. Sau khi xin được nhánh đền Trung Đô trở về, người dân Mường Luông phải trải qua một năm tìm đất để dựng đền. Đến năm Canh Tuất (1850), người dân nơi đây mới tìm được vị trí đất địa linh dưới chân núi Pú Chè theo hướng mặt trời mọc, nhìn thẳng ra dòng Nặm Luông (vị trí của ngôi đền được phục dựng ngày nay). Người dân Mường Khuông thường tổ chức diễn xướng nghi lễ thờ Chúa Bầu thông qua việc thờ cúng, lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa, tâm linh của dân tộc Tày. Cũng từ đó, người dân Mường Khuông đã tìm được điểm tựa tâm linh trong niềm tin tín ngưỡng và lòng biết ơn công lao của Chúa Bầu.
Để tỏ lòng biết ơn với Trung Đô, nhằm tạo sợi dây tình nghĩa giữa hai vùng đất, người dân trong bản Tày Mường Khuông đã quyết định đổi tên vùng đất này từ “Mường Khuông” thành “Nghĩa Đô” (tiếng Tày: Nghĩa là tình nghĩa, Đô gắn với địa danh Trung Đô). Trải qua nhiều năm sưu tầm, tôn tạo, phục dựng, năm 2016, đền Nghĩa Đô được UBND tỉnh Lào Cai xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh, ngày 14 tháng 7 âm lịch hằng năm là ngày tế đền.
Chung mạch nguồn văn hóa
Hành trình tìm về lịch sử của đền Trung Đô (Bắc Hà) và Nghĩa Đô (Bảo Yên) là tìm về mạch nguồn văn hóa trong sự giao thoa giữa hai ngôi đền. Hai ngôi đền đều là không gian thực hành tín ngưỡng thờ Chúa Bầu - các vị tướng có công lao to lớn với Nhân dân, với bờ cõi miền biên ải. Đây là một tín ngưỡng nổi bật ở vùng Tây Bắc, được đồng bào dân tộc Tày và một số dân tộc khác thực hành, lan tỏa trong đời sống văn hóa, tinh thần và là bệ đỡ tâm linh của Nhân dân.


Hằng năm, lễ hội của hai ngôi đền được đồng bào dân tộc Tày tổ chức với các nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc như lễ rước kiệu trâu, lễ cúng tế trâu, lễ hội cầu đền và các lễ vật như xôi, gà, rượu, bánh, lễ dâng cốm, các lễ hội mùa xuân… cùng các hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng cổ truyền.


Hai vùng đất còn lưu giữ chứng tích thành cổ quan trọng về quá trình khai khẩn, phát triển kinh tế và bảo vệ bờ cõi của anh em Chúa Bầu. Những trầm tích lịch sử, văn hóa này là minh chứng cho quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước của cha ông ta trong quá khứ hào hùng. Bởi vậy, hai ngôi đền còn là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí xây dựng quê hương đất nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.