Ông Phạm Văn Mộc ở tổ 2, phường Phan Si Păng (thị xã Sa Pa) là thương binh, tỷ lệ thương tật 21%. Năm nay ông Mộc ngoài 90 tuổi, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn. Để thuận tiện trong việc nhận tiền chế độ hằng tháng, nhân viên bưu điện thị xã Sa Pa đã đến tận nhà chi trả tiền chế độ cho ông Mộc.
Với chủ trương không dùng tiền mặt trong chi trả an sinh xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố vận động người có công, thân nhân người có công đăng ký mở tài khoản để nhận tiền trợ cấp qua thẻ ATM. Đến nay, huyện Bắc Hà và thành phố Lào Cai đã tổ chức chi trả trợ cấp cho gần 90% người có công qua tài khoản, giúp người có công được nhận tiền trợ cấp nhanh chóng, chính xác và thuận tiện.
Không chỉ cấp phát tiền chế độ hằng tháng đầy đủ, kịp thời, ngành lao động - thương binh và xã hội và các địa phương trong tỉnh còn thực hiện tốt chế độ điều dưỡng cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Theo ông Lê Văn Khiêm, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bắc Hà, vào đầu năm, địa phương rà soát lại các đối tượng chính sách trên địa bàn, sau đó trao đổi với các gia đình chính sách để nắm nhu cầu và hình thức điều dưỡng (tập trung hoặc an dưỡng tại nhà), rồi đăng ký danh sách gửi về Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
Trong ngôi nhà vững chãi được sửa chữa từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước vào cuối năm 2018, niềm vui như còn hiện trên gương mặt ông Lù Văn Xuân ở thôn Kíp Tước 3, xã Hợp Thành (thành phố Lào Cai). Ông Xuân tâm sự: Tôi tham gia chiến đấu và bị thương, thậm chí còn bị ảnh hưởng chất độc hóa học, không thể lao động nặng. Thời gian qua, tôi được hưởng đầy đủ các chế độ dành cho người có công. Năm 2018, được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ sửa chữa nhà ở, tôi yên tâm dưỡng già trong ngôi nhà vững chãi.
Niềm vui của ông Lù Văn Xuân cũng giống nhiều thương - bệnh binh trên địa bàn tỉnh khi được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước.
Với mục tiêu chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn người dân nơi cư trú, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, chi trả trợ cấp hằng tháng, thăm và tặng quà nhân dịp lễ, tết, giúp đỡ gia đình chính sách trong lao động, sản xuất... Cùng với đó, các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa phong trào “đền ơn, đáp nghĩa” nhằm huy động nguồn lực chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần các gia đình chính sách và người có công.
Với tình cảm và trách nhiệm, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã nỗ lực và thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống người có công với cách mạng. Các chế độ dành cho gia đình chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Nhiều nhà tình nghĩa được xây dựng, sửa chữa; các Mẹ Việt Nam anh hùng được đơn vị, cơ quan nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình chính sách ngày càng được nâng lên.
Những hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa” mà cấp ủy đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở hướng về người có công với cách mạng thể hiện nghĩa cử cao đẹp, có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa. Ngoài quà tặng của Chủ tịch nước, tỉnh còn dành 2.250 suất quà tặng người có công, thân nhân người có công, tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng.