Tục ngữ có câu “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” - chính sự khắc nghiệt của thiên tai và những vất vả chông gai mà con người phải đối mặt ấy lại là một “phép thử” đối với mỗi người, trong đó có các cán bộ, đảng viên…
Ngày 9/9, sau nhiều ngày liên tiếp mưa lớn kéo dài, bất ngờ trận lũ đổ về cuồn cuộn, cả thị trấn Phố Ràng bị ngập chìm trong mênh mông biển nước. Nhiều vùng trên địa bàn huyện Bảo Yên bị cô lập. Tiếp đó, thông tin Làng Nủ bị sạt lở, vùi lấp nhiều ngôi nhà, tài sản và hàng chục hộ đồng bào Tày nơi đây bị mất tích. Mất điện, hệ thống giao thông và thông tin liên lạc bị đình trệ, làm thế nào báo cáo cấp trên kịp thời để có phương án chi viện, xử lý. Trong tình thế địa phương bị thiệt hại nặng nề, bị cô lập, mất hoàn toàn liên lạc với bên ngoài, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên, Hoàng Quốc Bảo đã quyết định viết báo cáo tay giao cho một đồng chí công an băng rừng, vượt lũ gửi tới các đồng chí lãnh đạo tỉnh.
Trên mặt trận chống bão lũ, những bản báo cáo tổng hợp tình hình mưa lũ không thể chờ có điện mới đánh máy, chờ có mạng mới gửi thông tin, mà phải cập nhật từng giờ. Vậy là những trang báo cáo viết tay vội vàng, bọc vào nilon, cho người chạy bộ vượt lũ đã kịp thời đến với cấp trên. Thông tin từ nơi cô lập Làng Nủ đã truyền ra bên ngoài, xúc động đến nghẹn lòng. Chỉ vài dòng ngắn gọn trên một mặt giấy với đầy đủ thông tin cô đọng, mực viết vừa ráo, nhưng đã thể hiện trong gian khó - “ló” sáng tạo... của một Bí thư Huyện ủy trẻ tuổi nhưng có tầm.
Thế mới thấy được rằng, càng trong gian khó những cán bộ, đảng viên lại càng thể hiện rõ bản lĩnh, kiên cường, vượt qua thử thách. Có đồng chí bộ đội của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bát Xát đã quyết tâm băng mình qua mưa lũ, từ chiều hôm trước, đến xâm xẩm tối hôm sau anh mới di chuyển được từ xã A Lù đến thị trấn Bát Xát để giao báo cáo viết tay của chính quyền địa phương về tình hình thiệt hại trên địa bàn cho Bí thư Huyện ủy. Lúc ấy, đồng chí bộ đội gần như ngất xỉu vì hai ngày băng rừng không nghỉ.
Tại thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, khoảng 13 giờ ngày 10/9, sạt lở nghiêm trọng vùi lấp 8 ngôi nhà của xóm Bản Cái. Trong câu chuyện chia sẻ, đảng viên Lý A Hải, Trưởng thôn Nậm Tông cho biết: Chạy lên các vị trí nơi có sóng điện thoại để báo cáo không được, mạng lưới thông tin điện thoại không được, sau khi chỉ đạo lực lượng tại chỗ tiến hành công tác cứu hộ, tôi đã đi bộ hơn 10 cây số ra xã để báo cáo nhờ ứng cứu trong điều kiện đường bị sạt lở chia cắt hoàn toàn.
Sau đó, đảng viên Lý A Hải cùng một số cán bộ xã băng rừng, trở lại Nậm Tông. 7 rưỡi tối, sau gần 4 tiếng đồng hồ băng rừng, anh Hải mới về đến thôn. Ngay lúc đó, không ai bảo ai, tất cả đều bỏ qua mọi nỗi mệt nhọc, bắt tay vào cứu hộ, giúp đỡ người bị nạn. Vụ sạt lở này, riêng xóm Bản Cái có 18 người bị chết và mất tích.
Cũng ở địa điểm này, đảng viên Sin Thị Tâm, Trưởng trạm Y tế xã Nậm Lúc đã ngay lập tức cùng đoàn của công an, chính quyền địa phương đến hiện trường để ứng cứu. Dù giờ đây, thời khắc nóng bỏng của mưa lũ đã lắng dịu nhưng chị Sin Thị Tâm vẫn còn đau đáu: Giá như chúng tôi đến được sớm hơn thì sẽ bớt đi những đau đớn của người dân, nhưng lúc đó địa hình chia cắt hiểm trở, sức người không thể vượt sức của thiên tai.
Bên cạnh cấp ủy, chính quyền, người dân, lực lượng tham gia cứu hộ, thì có lẽ không thể thiếu được hình ảnh của các phóng viên báo chí tác nghiệp trong đợt mưa lũ vừa qua. Không quản ngại gian khó, hiểm nguy rình rập đến tính mạng trên hành trình tới tâm lũ, những phóng viên mang theo sự nhiệt huyết, tận tâm yêu nghề, vượt đường trơn, dốc, lầy lội để cập nhật nhanh nhất, kịp thời nhất, hiệu quả nhất thông tin hằng ngày, hằng giờ về tình hình tại các thôn, các xóm để mọi người cùng biết, cùng chia sẻ, giúp đỡ - họ là những chiến sĩ trên mặt trận truyền thông.
Phóng viên Mạnh Dũng, Báo Lào Cai là nhà báo đầu tiên có mặt tại Làng Nủ ngay trong chiều 10/9 sau khi nhận được thông tin sạt lở đất tại đây. Anh đã cùng với đoàn công tác của huyện Bảo Yên tiếp cận điểm sạt lở này bằng cách đi thuyền, đi bộ từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều. “Tôi không bao giờ có thể quên được cảm xúc của mình khi nhìn thấy ngôi làng nhỏ dưới chân núi con Voi đã tan hoang sau mưa lũ. Tôi thấy mình có trách nhiệm thông tin tới độc giả những tin tức, hình ảnh đó một cách trung thực nhất và nhanh nhất” – phóng viên Mạnh Dũng chia sẻ sau khi trở về từ tâm lũ quét Làng Nủ.
Cơn lũ dữ còn là phép thử đối với tinh thần đoàn kết sẻ chia của Nhân dân trên mọi miền Tổ quốc trong công tác cứu trợ. Đó là những đoàn xe chở đầy thực phẩm, nhu yếu phẩm, các vật dụng, phương tiện cho sinh hoạt thiết yếu nối đuôi nhau tiến về vùng lũ; hàng nghìn người tham gia đoàn thiện nguyện; rất nhiều mạnh thường quân cũng lặn lội, băng rừng, vượt núi mang vác, chở nhu yếu phẩm đến tận nơi để đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia. Đó còn là những giọt nước mắt chia buồn, những gương mặt ướt đẫm mồ hôi, những bộ trang phục dính bết bùn đất; hay những chiến sĩ bộ đội, công an, những tình nguyện viên, y- bác sĩ, cán bộ, đảng viên trắng đêm không quản ngại vất vả, cẩn trọng tìm chút hy vọng mong manh dưới lớp đất sâu mong điều kỳ diệu sẽ đến với đồng bào.
Còn có rất nhiều con người bình lặng, những cán bộ, đảng viên ở các đơn vị, địa phương tham gia góp tiếng nói, công sức, tiền của… Họ lặng lẽ làm người xông pha dẫn đường hoặc thông tin, tìm biện pháp, cách thức để cùng đoàn thiện nguyện hỗ trợ Nhân dân, họ phân loại, sắp xếp, vận chuyển nhu yếu phẩm đến với bà con.
Chỉ có thể dùng một từ là “họ”- những con người cùng tổ tiên, dòng máu- đã kinh qua gian nan, thử thách, vượt lên sự sợ hãi, mệt nhọc của bản thân để cùng vượt qua thời điểm khốc liệt nhất của cơn lũ dữ. Giờ đây “họ” là những anh hùng thầm lặng, không nhận công trạng gì về mình với một sự khiêm nhường bình dị và chỉ mong muốn cuộc sống của người dân nhanh chóng ổn định. Đó cũng chính là phẩm chất cao đẹp của dân tộc Việt Nam, được bộc lộ một cách tự nhiên trong hoạn nạn.
Từ phép thử của thiên nhiên khắc nghiệt ấy, cũng sớm nhận ra rằng, có những chỗ, những nơi còn cán bộ, lãnh đạo quản lý chưa quyết liệt trong trực phòng, chống thiên tai, chủ quan không kiểm tra nắm tình hình kịp thời nên khi mưa lũ xảy ra đã để lại hậu quả nặng nề. Cũng vì sự chủ quan, thiếu trách nhiệm ấy, khiến họ trở thành những con người thờ ơ, vô cảm trước sự mất mát, trước những khó khăn của những đồng chí, đồng nghiệp, của đồng bào mình… Trong lúc nước sôi lửa bỏng ấy, họ vẫn thản nhiên “bình chân như vại” ngồi ở nhà để trực bão lũ qua điện thoại. Vì thế, việc cấp có thẩm quyền đình chỉ công tác tạm thời đối với những cán bộ, đảng viên chưa làm tròn trách nhiệm của người đứng đầu chính là tiếng chuông thức tỉnh cho nhiều cán bộ, đảng viên ở địa phương khác. Đó chính là câu chuyện của 2 lãnh đạo, đảng viên ở xã Pa Cheo và Trung Lèng Hồ (huyện Bát Xát). Thực hiện các công điện của UBND tỉnh về triển khai ứng phó và khắc phục hậu quả do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, UBND huyện Bát Xát đã có công điện và các văn bản chỉ đạo đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Trong các văn bản đều yêu cầu UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã tập trung cao độ; chủ động chuẩn bị phương án ứng phó bão lũ; thực hiện nghiêm túc trực ban 24/24h; đảm bảo 100% quân số ứng phó khi có thiên tai xảy ra; tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc triển khai kế hoạch, phương án ứng phó với hoàn lưu bão số 3 tại các địa phương. Tuy nhiên, từ ngày 8/9/2024 đến ngày 12/9/2024 ông Lý A Khoa, Chủ tịch UBND xã Pa Cheo và ông Má A Chúng, Chủ tịch UBND xã Trung Lèng Hồ không có mặt tại trụ sở UBND xã để thực hiện công tác trực ứng phó hoàn lưu bão số 3 theo chỉ đạo của huyện. Căn cứ theo quy định tại khoản 2, điều 4, Quy định - 148 QĐ/TW ngày 23/5/2024, UBND huyện Bát Xát đã ra quyết định tạm đình chỉ với các cán bộ trên với lý do: “Cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao”.
Đó còn là câu chuyện dở khóc, dở cười của một địa phương đang là tâm điểm của thiệt hại do mưa lũ, khi có đoàn thiện nguyện muốn liên hệ để tiếp cận các thôn đang bị cô lập, nơi bà con cần được hỗ trợ gạo, thuốc men, đồ dùng gia đình… lại nhận được câu trả lời vô cảm từ cán bộ xã rằng: “Ngày nghỉ nên tôi không trực”. Hoặc đâu đó vẫn còn những nhận thức hạn chế về tính cấp thiết của công việc, vẫn tư duy chỉ làm việc trong giờ hành chính…
Những biểu hiện đó là sự vi phạm chuẩn mực kỷ cương đối với cán bộ, đảng viên, không thực hiện đúng các nội dung đã được nêu rõ trong điều 4 của Quy định 144 - QĐ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 9/5/2024, quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là “Nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, kỷ cương, nhất là kỷ luật phát ngôn. Nói và làm theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành các quy định của cơ quan, đơn vị; phục tùng sự phân công của Đảng, của tổ chức”.
Thực tế từ đợt thiên tai vừa qua, một lần nữa cho thấy kinh nghiệm được đúc kết từ ngàn đời nay “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” vẫn còn nguyên giá trị. “Phép thử” đề cập trong khuôn khổ bài viết này muốn nhấn mạnh điều mà không ai mong muốn: phẩm chất đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên được bộc lộ thông qua tổng thể các hoạt động của họ trong thực tiễn, nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ đã dẫn đến hành động sai, chỉ đạo sai hoặc không kịp thời. Điều quan trọng là cần nhận thức, cần phát hiện lỗi sai, cá nhân, tổ chức cũng cần kiên quyết xử lý đối với cán bộ vi phạm - là bài học cảnh tỉnh cán bộ, đảng viên. Điều đó cũng cho thấy việc cần phải tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn, đầy đủ hơn chủ đề học tập và làm theo Bác năm 2024 với tinh thần 7 dám “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”.
Khi thiên tai đã qua, là lúc chúng ta cần bắt tay vào tái thiết cuộc sống. Tinh thần ấy, nỗ lực ấy lại thêm một lần nữa không thể ngừng - nghỉ. "Phép thử" với mỗi cán bộ, đảng viên lúc này được tiếp tục trên một khía cạnh khác: Công tác lãnh chỉ đạo cần bổ sung những nhiệm vụ mới, quyết liệt hơn, nhanh hơn, sáng tạo hơn, như việc khởi công xây dựng những ngôi nhà cho các thôn, bản, các gia đình bị thiệt hại do thiên tai; chỉ đạo những biện pháp, cách thức để hỗ trợ cho việc tái sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân... Những yêu cầu đó càng cần ở mỗi cán bộ, đảng viên sự tích cực gần dân, sát cơ sở, thông hiểu địa bàn, nỗ lực hơn nữa trong việc tự rèn, tự học, nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm theo Quy định 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị.
”Lửa thử vàng, gian nan thử sức” - sức mạnh của một dân tộc đoàn kết, anh hùng với khát vọng phát triển đúng nhận định đánh giá của Đảng trong Nghị quyết Đại hội XIII “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…”.
Trình bày: Hoàng Thương
Ảnh trong bài của cộng tác viên và nhân vật cung cấp