Theo chân anh Cư Seo Sáng, thú y viên xã Lùng Thẩn, chúng tôi đến nhà ông Ly Seo Sấu ở thôn Lùng Sán lúc 17 giờ 30 phút, vừa lúc ông Sấu đưa 9 con trâu từ trên nương trở về. Được cán bộ thú y đến tận nhà tiêm vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi, ông Sấu phấn khởi lùa trâu vào chuồng, cột mũi trâu vào gióng tre.
Ngoài sân, anh Sáng mở hộp đồ, chuẩn bị dụng cụ, pha vắc-xin phòng bệnh lở mồm, long móng cho trâu. Thao tác nhanh nhẹn, dứt khoát, việc tiêm vắc-xin diễn ra trong chớp mắt khiến những con trâu to chưa kịp phản ứng với người lạ thì anh Sáng đã tiêm xong. Ngay sau đó, anh Sáng chuẩn bị thuốc tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho 2 con chó đang xích ở góc sân. Mọi việc diễn ra nhanh gọn, rồi chúng tôi tiếp tục di chuyển đến những hộ khác.
Anh Cư Seo Sáng đã gắn bó với công tác thú y viên cơ sở hơn 8 năm. Chỉ cần nhìn động tác tiêm của anh đã thấy được sự bình tĩnh, dứt khoát mà không phải ai cũng làm được. Theo anh, khi tiêm vắc-xin, cán bộ thú y cần nắm được thuộc tính của từng loại vật nuôi, ví dụ như phải đeo rọ mõm cho chó để phòng bị cắn, tránh đứng phía sau bò, ngựa để phòng bị đá và không đứng gần sừng trâu để tránh bị húc…
Anh Sáng cho biết, trước đây người dân vùng cao không tiêm phòng cho gia súc bởi sợ gia súc bỏ ăn, chậm lớn, không sinh sản được. Vì vậy, vào mỗi đợt tiêm phòng là các hộ thường thả trâu, bò trên rừng, không đưa về nhà. Nắm được tâm lý đó, chính quyền và thú y viên đã tới từng nhà tuyên truyền, vận động, giải thích những lợi ích khi tiêm vắc-xin, phản bác những thông tin thất thiệt, đưa ra những ví dụ về tình trạng gia súc, gia cầm chết hàng loạt vì dịch bệnh để người dân thấy tác hại của việc không phòng bệnh. Mưa dầm thấm lâu, người dân dần hiểu và đồng thuận nên mỗi đợt tiêm vắc-xin thuận lợi hơn.
Đối với anh Vàng Văn Phán, thú y viên xã Nàn Sán, nghĩ lại thời gian khi mới bước vào nghề, anh không tránh khỏi sợ hãi, lúng túng khi tiếp xúc với đàn vật nuôi, nhất là tiếp xúc với chó hoặc trâu, bò hung dữ. Tuy nhiên, qua mỗi đợt tiêm phòng, anh rút ra kinh nghiệm, biết cách xử lý để làm tốt hơn công việc của mình.
Theo kinh nghiệm của anh Phán, trước khi tiêm bất kể loại vật nuôi nào đều phải làm quen với con vật bằng cách vuốt ve chúng, cảm nhận thấy con vật lành hơn thì nhanh tay tiêm dứt khoát. Trường hợp con vật dữ quá, nên nhờ người nhà hỗ trợ. Hoặc như tiêm chó cũng cần có kỹ thuật bởi thông thường, chó trong thôn hay theo đàn, dễ xông ra cắn người hoặc cắn trộm. Do đó, thú y viên phải phối hợp với chủ nhà và phải thật bình tĩnh, nhờ chủ nhà giữ chặt chó, đeo rọ mõm hoặc lấy bao tải trùm lên đầu chó rồi mới tiêm...
Với tập quán chăn nuôi thả rông để gia súc tự kiếm ăn, nhiều hộ trên địa bàn huyện Si Ma Cai thường chăn thả trâu, bò trên nương xa, hết mùa mới đưa về nhà. Có hộ đi làm vài ngày trên nương mới về nên cán bộ thú y phải liên hệ với trưởng thôn, căn thời gian đến vận động, tuyên truyền bà con đưa gia súc về nhà để có thể tiêm phủ vắc-xin cho đàn vật nuôi.
Anh Hoàng Văn Kiên, Phó Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Si Ma Cai cho biết: Để công tác tiêm phòng đạt hiệu quả cao, cán bộ thú y phải linh hoạt thời gian tiêm và phương pháp triển khai.
Việc tiêm phòng được thực hiện từ sáng sớm (từ 4 giờ 30 phút đến 7 giờ sáng) vì khi đó người dân chưa chăn thả gia súc, hoặc chiều tối (từ 17 giờ 30 đến 20 giờ) vì lúc này gia súc đã được đưa về nhà. Bên cạnh đó, do đặc thù về địa hình, giao thông khó khăn, các thôn cách xa nhau nên việc triển khai tiêm phòng được tiến hành theo hình thức cuốn chiếu, mỗi thôn tổ chức tiêm gọn trong 2 - 3 ngày.
Với đặc điểm địa bàn rộng, hiểm trở và giao thông đến các thôn, các hộ không thuận lợi khiến công tác thú y gặp rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng bởi lòng yêu nghề, đội ngũ thú y cơ sở trên địa bàn huyện Si Ma Cai vẫn ngày đêm cần mẫn trong công việc, tích cực hỗ trợ người dân phòng, chống dịch bệnh, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi gia súc, gia cầm để phát triển chăn nuôi bền vững.