Sinh ra và lớn lên cùng với những cánh rừng ở thôn Nhìu Cồ San, xã Sàng Ma Sáo, anh Giàng A Chao luôn coi rừng như người bạn thân, là một phần cuộc sống của mình. Với anh Chao và những thế hệ người dân nơi đây, rừng đã góp phần nuôi dưỡng và che chở cho cuộc sống. Tình yêu rừng của anh Chao được bồi đắp từ tấm bé, trong những câu chuyện ông nội kể bên bếp lửa mỗi tối: Trước đây có những năm thời tiết khô hạn kéo dài, nhiều nơi trong huyện thiếu nước sinh hoạt, nhiều thửa ruộng khô cạn không thể cấy thì những thửa ruộng bậc thang của thôn, xã vẫn xanh tốt, cho năng suất cao, đó là nhờ nguồn nước của rừng được bảo vệ tốt. Có những năm thời tiết khắc nghiệt, băng giá, mưa tuyết xảy ra, những cánh rừng già như tấm áo ấm che chắn người dân trong thôn khỏi những đợt gió lạnh và sương muối tấn công. Bên cạnh đó, nguồn cỏ dưới tán rừng cung cấp thức ăn để người dân phát triển chăn nuôi gia súc. Giờ đây, nguồn nước quý từ những cánh rừng tự nhiên còn được người dân trên địa bàn sử dụng nuôi cá nước lạnh.
Tình yêu rừng đã thôi thúc anh Giàng A Chao hành động bảo vệ rừng, nhờ đó, anh được chọn tham gia tổ bảo vệ rừng của thôn ngay khi rời ghế trường phổ thông. Anh Giàng A Chao tâm sự: Chuyện giữ rừng, bảo vệ rừng bây giờ đã bài bản hơn với những tổ, đội tuần rừng được thành lập, trong đó có sự tham gia của chính đồng bào - những người sống với rừng. Những cánh rừng tự nhiên rộng bạt ngàn là thế nhưng mỗi tháng đều đặn 4 lần, tổ bảo vệ rừng đi kiểm tra từng tiểu khu, từng lối mòn. Có những chuyến đi kéo dài cả tuần tận sâu vào lõi rừng để kiểm đếm từng cây gỗ quý và tuyên truyền bà con chăm sóc thảo quả an toàn, không xâm lấn rừng.
Anh Tráng A Khứ ở thôn Làng Mới, xã Sàng Ma Sáo cũng là người tích cực trong công tác bảo vệ rừng của địa phương, vừa là thành viên tổ bảo vệ rừng của thôn, vừa làm porter (người mang đồ và dẫn đường cho khách leo núi). Ngoài những buổi đi tuần rừng theo kế hoạch của tổ và của Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, mỗi chuyến dẫn khách leo núi cũng là buổi tuần tra rừng của riêng anh.
Xã Sàng Ma Sáo đã xây dựng 9 tổ bảo vệ rừng ở mỗi thôn, mỗi tổ có từ 10 - 15 thành viên, do bà con trong thôn bầu, gồm những người có sức khỏe, gương mẫu, có trách nhiệm và uy tín trong cộng đồng. Tổ bảo vệ rừng có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tuần tra bảo vệ rừng định kỳ hằng tháng. Chính quyền xã và Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát phê duyệt, sau đó cắt cử các thành viên thực hiện tuần rừng theo kế hoạch.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát quản lý hơn 18 nghìn ha rừng, trải dài trên 5 xã: Y Tý, Dền Sáng, Sàng Ma Sáo, Trung Lèng Hồ, Nậm Pung. Tại đây, đơn vị đã phát hiện và tổng hợp được 976 loài thực vật, trong đó có 137 loài nguy cấp, quý, hiếm, như hoàng liên gai, kim tuyên tơ, kiền lan sớm hoa to… Về động vật, đã phát hiện 173 loài có xương sống, trong đó 52 loài nguy cấp, quý, hiếm trong Sách đỏ Việt Nam và danh lục đỏ thế giới có giá trị bảo tồn cao như cóc núi, cóc sừng đỏ…
Ông Ngô Kiên Trung, Trưởng Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát cho biết: Để quản lý tốt rừng đặc dụng, đơn vị đã ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng trực tiếp với 32 tổ bảo vệ rừng ở tất cả các thôn. Mỗi năm, đơn vị chi trả hơn 6 tỷ đồng cho hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhận bảo vệ rừng thông qua hợp đồng với các tổ bảo vệ rừng. Ý thức và trách nhiệm của người dân được nâng lên, bởi họ được hưởng lợi trực tiếp từ rừng. Giữ rừng là giữ được vốn tài nguyên phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, kéo được du khách đến huyện vùng cao Bát Xát ngày càng nhiều, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào nơi đây.