Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 37 ngày 3/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới, tại tỉnh Lào Cai, quyền lợi của người lao động được bảo đảm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không ngừng nâng cao.
Công ty TNHH Babeeni Việt Nam chi nhánh Lào Cai chuyên sản xuất hàng may thêu xuất khẩu tại Khu Công nghiệp Đông Phố Mới, thành phố Lào Cai (khánh thành tháng 4/2022), giải quyết việc làm cho gần 400 lao động.
Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Babeeni Việt Nam chi nhánh Lào Cai Lưu Quốc Cường, tổ chức công đoàn công ty được thành lập tháng 1/2023. Ban Chấp hành công đoàn cơ sở đã tham gia cùng doanh nghiệp sửa đổi nội quy lao động phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và tình hình sản xuất của doanh nghiệp cũng như nguyện vọng của người lao động.
Công ty TNHH Babeeni Việt Nam chi nhánh Lào Cai thường xuyên tổ chức đối thoại tại nơi làm việc để kịp thời nắm tâm tư, nguyện vọng của người lao động; thương lượng với người sử dụng lao động ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động về tiền lương, tiền thưởng, đảm bảo việc làm, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, văn hóa ứng xử; thực hiện chính sách bình đẳng giới. Nhờ vậy, đời sống, thu nhập của người lao động được nâng cao, thu nhập bình quân đạt từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng. Hằng năm, người lao động đều được khám sức khỏe định kỳ; chế độ chăm sóc sức khỏe thông qua những bữa ăn trưa đảm bảo dinh dưỡng… giúp người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.
Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 37, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với chủ doanh nghiệp triển khai và thực hiện một số biện pháp, như xây dựng nội quy, quy chế; ký thỏa ước lao động tập thể với các điều khoản có lợi hơn so với luật quy định; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức đối thoại; tham gia với người sử dụng lao động xây dựng quy chế trả lương, thưởng, định mức lao động; đề xuất các giải pháp cải thiện điều kiện làm việc; chăm lo đời sống của đoàn viên, người lao động...
Các cấp công đoàn đã tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền để thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong đơn vị, doanh nghiệp, đồng thời đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cấp dưới, tổ chức công đoàn phục vụ đoàn viên và người lao động; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và giải quyết kịp thời những bất cập, phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của ban chấp hành công đoàn các cấp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lao động, tạo sự đồng thuận trong tổ chức triển khai thực hiện; chú trọng tuyên truyền trong doanh nghiệp, hướng dẫn, giúp đỡ ban chấp hành công đoàn cấp dưới tuyên truyền, vận động, tập hợp người lao động, người sử dụng lao động trong xây dựng quan hệ lao động; kịp thời ngăn chặn, phản bác các thông tin sai lệch gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ lao động và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cụ thể, thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; tổ chức đối thoại với công nhân, lao động và doanh nghiệp... Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh, tình hình quan hệ lao động hài hòa, ổn định, không xảy ra tình trạng tranh chấp lao động, đình công.
Hằng năm, số doanh nghiệp nhà nước tổ chức hội nghị người lao động đạt trên 90%; giai đoạn 2019 - 2024, đã có 896 doanh nghiệp dân doanh có tổ chức công đoàn tổ chức đối thoại định kỳ. Tính đến tháng 4/2024, toàn tỉnh có hơn 84% công đoàn cơ sở các doanh nghiệp trực thuộc đã ký được bản thỏa ước lao động tập thể, các doanh nghiệp còn lại đang trong giai đoạn thương lượng để điều chỉnh, bổ sung thỏa ước lao động tập thể cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành; có 1.241 doanh nghiệp đăng ký nội quy lao động với cơ quan quản lý chuyên ngành, chiếm 55% số doanh nghiệp đang hoạt động. Có 85% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đủ điều kiện đối thoại đã tổ chức đối thoại, nhiều đơn vị đã bầu ra được thành viên tham gia đối thoại và tổ chức đối thoại một cách bài bản, đáp ứng được mong muốn của người lao động về việc làm, đảm bảo việc làm, thu nhập và các chế độ khác.
Thông qua đối thoại đã giải quyết kịp thời những khó khăn, bất cập; xây dựng được mối quan hệ lao động dựa trên sự hiểu biết, chia sẻ, tôn trọng, bình đẳng, hài hòa lợi ích. Nhờ đó tạo được môi trường làm việc đoàn kết, đồng thuận, ổn định việc làm, tăng trưởng hiệu quả sản xuất kinh doanh, cải thiện thu nhập, phúc lợi gia tăng, đáp ứng các yêu cầu về đánh giá khách hàng, tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp; vai trò, vị thế của công đoàn trong quan hệ lao động cũng được nâng lên, tạo được niềm tin đối với cả người sử dụng lao động và người lao động.
Ngoài ra, các cơ chế, chính sách phát triển nhà ở, công trình phúc lợi cho công nhân khu công nghiệp cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện (giai đoạn 2019 - 2023, các cấp công đoàn trong tỉnh đã hỗ trợ 218 cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng).
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động và người lao động về quan hệ lao động đã có chuyển biến tích cực, tạo nền tảng xây dựng quan hệ lao động trong các doanh nghiệp ngày càng hài hòa, ổn định, tiến bộ.
Trình bày: Hữu Huỳnh