Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
Bí ẩn kho vàng Nặm Pạu

Bí ẩn kho vàng Nặm Pạu

Trên đỉnh núi Nặm Pạu nơi thâm sơn cùng cốc nằm ở khu vực giáp ranh huyện Bảo Yên (Lào Cai) và Quang Bình (Hà Giang) ẩn giấu câu chuyện kỳ bí về kho vàng chôn giấu trong lòng núi chưa có lời giải đáp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Rừng cổ thụ, hang rồng và thảm chè hoa vàng

Nhiều lần đi qua vùng Vĩnh Yên, Xuân Hòa (Bảo Yên), chúng tôi vẫn được nghe những người già kể lại câu chuyện ở khu vực này có một mỏ vàng được khai thác từ thời Pháp. Khi giặc Pháp và tay sai bị đánh đuổi, chúng đã phá hủy khu mỏ và xóa sạch mọi dấu vết khu vực khai thác.

baolaocai_vy (2).jpg

Bẵng đi một thời gian không ai nhắc tới mỏ vàng ở đây nữa cho đến khi cách đây vài năm, người dân đi rừng tình cờ phát hiện những cửa hang bí ẩn dẫn vào lòng núi Nặm Pạu. Phải chăng kho vàng vẫn còn lại nơi đây hay còn câu chuyện nào được ẩn giấu đằng sau những lời đồn thổi về nó? Những câu hỏi chưa có lời giải đáp thôi thúc chúng tôi lên đường khám phá.

Để chuẩn bị cho chuyến đi này, anh Hoàng Viết Hồng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Yên đã lên kế hoạch cả tháng, ấy vậy mà cũng phải vài lần lỡ hẹn, chúng tôi mới sắp xếp được chuyến đi đúng trước một hôm gió mùa đông bắc tràn về. Dẫu đã đi rừng, leo núi nhiều lần nhưng lần này chúng tôi vẫn có đôi chút lo lắng, bởi các anh bảo đường đi nguy hiểm, cứ nhìn cuộn dây thừng dài 40 đến 50 m được các anh mang theo để chuẩn bị cho đoạn đường qua vách núi là thấy đôi chút rùng mình.

baolaocai_vy (3).jpg

Ông Thào A Quáng, người dân Nặm Pạu tình nguyện dẫn đường cho chúng tôi. Ông Quáng đã sống gắn bó với vùng rừng núi này từ nhỏ nên thuộc đường đi lối lại như lòng bàn tay.

Từ trung tâm thôn Nặm Pạu, xe máy chỉ đi được chừng 2 cây số thì đến cửa rừng, cả đoàn kiểm tra lại tư trang mang theo và bắt đầu cuốc bộ. Chỉ tay về đỉnh núi mây phủ trước mặt, ông Quáng bảo, cứ men suối theo hướng ấy mà đi thôi, đỉnh núi cũng chính là đầu nguồn suối Nặm Pạu, chảy ra tận trung tâm xã Vĩnh Yên rồi nhập vào dòng Nặm Luông đổ ra sông Chảy. Những năm trước có một dạo người dân đào đãi được vàng cám ở dòng suối này nên người ta càng tin rằng nước lũ đã cuốn theo vàng trên núi xuống.

Thật ngạc nhiên khi mới đi bộ chừng nửa giờ đồng hồ, chúng tôi không kịp nhận ra đã lọt thỏm vào giữa cánh rừng già từ khi nào, ánh nắng chỉ lấp ló vài giọt qua tán cây cổ thụ, chuối rừng mọc nhiều vô kể, đường đi chằng chịt dây leo. Dừng chân bên một gốc cây to chia dòng suối thành hai nhánh, đoàn chúng tôi tranh thủ nghỉ ngơi lấy lại sức. Dòng nước mát lành khiến cho bao mệt nhọc tan biến. Chỉ tay về một vòm hang ẩn sau thác nước, ông Quáng bảo người dân bản địa gọi đây là hang Rồng. Ông Quáng cũng không cắt nghĩa được cái tên ấy từ đâu nhưng thường địa danh được đặt là đất rồng thì cũng có một câu chuyện tâm linh nào đó.

Đoạn đường bây giờ mới bắt đầu nhiều thử thách với những cung đường trơn trượt, những đoạn đá lở sụt sạt, chúng tôi phải đi cách xa nhau đề phòng người đi trước chẳng may va vào tảng đá mồ côi có thể rơi xuống người phía sau bất cứ lúc nào. Càng lên cao, thảm thực vật càng phong phú, những cây to bằng hai người ôm sừng sững vươn cao.

baolaocai_vy (4).jpg

Anh Hồng cho biết, rừng Vĩnh Yên nổi tiếng với nhiều loại gỗ quý như đinh, trai, kháo và nhiều cây thuốc quý. Đặc biệt hơn, ở tầng cao khoảng 600 m so với mực nước biển có một thảm chè hoa vàng.

Câu chuyện của chúng tôi đang dang dở thì ông Quáng cho biết đã đến điểm dẫn vào một cửa hang phụ của mỏ vàng. Chúng tôi bò trên một thân cây to đổ xuống cửa hang như một chiếc cầu bắc lên lưng chừng vách đá, miệng hang nhỏ chỉ đủ một người vào, ngay cửa hang vẫn còn vết một con rắn vừa lột xác. Ông Quáng bảo, người dân trong thôn phỏng đoán cửa hang này thông với cửa hang chính ở khu mỏ vàng.

Trước đây có người trong thôn từng đi thông từ đỉnh núi xuống cửa hang này, tuy nhiên sau đó người này không may mất do tai nạn nên những bí ẩn trong lòng hang này cũng bị chôn vùi theo. Sau khi cân nhắc về những nguy hiểm không lường trước được, chúng tôi quyết định quay trở lại tuyến đường chính vượt lên đỉnh núi.

Mải đuổi theo đoàn vì sợ bị lạc, lúc này tôi mới nhận ra suối Nặm Pạu đã biến mất từ khi nào. Anh Hồng bảo, nó vẫn đang chảy ngầm ở dưới chân, đây là đoạn dòng nước bị hút vào các hang caster, sau đó đổ ra ở hang rồng mà chúng tôi vừa dừng chân. Gần trưa, đôi chân bắt đầu rệu rã, khoảng sáng loang loáng trước mặt báo hiệu cho chúng tôi biết đã gần lên đến đỉnh núi, đúng ngày không khí lạnh tràn về, gió ù ù thổi trên cao.

Đi tìm mỏ vàng

Địa danh mỏ vàng nằm ở điểm cao gần 800 m so với mực nước biển, không có nhà dân, chỉ có một vài lán trại của các hộ chăn thả gia súc. Ông Thào Seo Sừ, 72 tuổi, nhà ở bản Mo, xã Xuân Hòa là chủ của một trong những lán trại. Tuổi cao nên vài năm gần đây, ông Sừ ở lại luôn trên lán, chỉ khi nào có việc mới về nhà. Đường lên mỏ vàng từ hướng bản Mo dốc thoải hơn nên từ lâu nhiều người đưa gia súc lên đây chăn thả.

Biết chúng tôi tìm hiểu mỏ vàng xưa kia, ông Sừ bảo, tôi cũng chỉ được nghe kể lại thời xưa Pháp từng khai thác vàng, sau này, khi chúng rời đi đã đánh sập cửa hang và xóa mọi dấu vết nên chẳng ai biết chính xác thực hư ra sao. Chỉ tay về một cửa hang cuối nương ngô, ông Sừ bảo, đấy là cửa hang lớn nhất được người dân phát hiện, trước đây, nhiều đoàn đến tìm kiếm cơ hội đổi đời khi biết câu chuyện về mỏ vàng nhưng rồi cũng về tay không.

baolaocai_vy (5).jpg

Ông Lù Seo Lao, người dân Nặm Pạu kể, trước đây ông cũng có lần theo vài thanh niên trong thôn khám phá hang vàng nhưng đường vào hang quá nguy hiểm nên đi được nửa chừng thì quay lại. Những câu chuyện dang dở về mỏ vàng khiến chúng tôi càng thêm tò mò nên quyết định thử đi vào một chuyến.

Nằm ở lưng chừng núi, vòm hang nhô ra những tảng đá nhọn như hàm răng khổng lồ. Vừa đi vào được vài bước, chúng tôi giật mình bởi đàn dơi bị đánh thức vỗ cánh bay loạn xạ. Rón rén từng bậc đá, chúng tôi thận trọng tiến vào hang, nước thấm từng giọt khiến vách đá trơn trượt, lòng hang chỉ vừa một người đi. Ánh đèn chiếu vào nhũ đá rực lên một vàng óng đẹp đến ngỡ ngàng.

Ông Quáng trèo xuống vách đá thoăn thoắt, liên tục phải ồ lên vì những nhũ đá óng ánh đủ loại hình dạng như những kỳ quan của tự nhiên. Lòng hang không hình thành vòm rộng mà chỉ là hai vách đá dựng đứng sâu hun hút, chúng tôi đoán hang này có thể thông với cửa hang mà chúng tôi gặp ở gần hang Rồng. Càng đi sâu xuống, lòng hang càng nhỏ hẹp và trơn trượt, chúng tôi phải sử dụng đến dây thừng leo xuống để đảm bảo an toàn.

baolaocai_vy (6).jpg

Mải miết tìm vẫn không thấy dấu vết nào cho thấy nơi đây từng có hoạt động khai thác vàng như câu chuyện lưu truyền. Đu dây thêm vài mét nữa, ông Quáng ra hiệu không thể xuống tiếp vì quá nguy hiểm, chúng tôi đành bỏ dở cuộc thám hiểm với những bí ẩn chưa tìm được lời giải đáp.

Khi chúng tôi trở lại lán của ông Thào Seo Lừ, ông đã đợi sẵn với mâm cơm là đặc sản rau rừng và gà thả đồi. Ông bảo, tôi ở đây bao nhiêu năm nay mà chưa bao giờ tò mò về mỏ vàng cả, với tôi được sống giữa cánh rừng bạt ngàn, uống nguồn nước mát lành từ đỉnh núi đã là quá đủ đầy. Phải chăng câu chuyện bí ẩn về mỏ vàng ở Nặm Pạu chính là vàng xanh, vàng trắng đã nuôi sống người dân vùng này bao đời nay được người dân thêu dệt thành truyền kỳ để cuộc sống tinh thần thêm phong phú?

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Vinh danh hàng trăm sĩ tử tại chung kết toàn quốc "Trạng nguyên nhỏ tuổi"

Vinh danh hàng trăm sĩ tử tại chung kết toàn quốc "Trạng nguyên nhỏ tuổi"

Ngày 26/4, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội đã diễn ra chương trình ngày hội chung kết toàn quốc “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” lần thứ XXII và cuộc thi viết chữ đẹp “Nét chữ - Nết người” - Bảng vàng ghi danh lần thứ IV năm học 2023 - 2024, thu hút 346 sĩ tử đến từ 18 tỉnh thành và 161 trường học (128 trường TH và 33 trường THCS) trên toàn quốc tham dự.

Hội thảo chuyên đề cấp tỉnh “Chuẩn bị tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1”

Hội thảo chuyên đề cấp tỉnh “Chuẩn bị tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1”

Nhằm nâng cao chất lượng nền nếp học tập, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số, ngày 25/4, tại Trường Mầm non Cốc Mỳ (huyện Bát Xát), Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bát Xát đã tổ chức Hội thảo chuyên đề cấp tỉnh “Chuẩn bị tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1”.

Những người trẻ hãy nhắc nhở bản thân trân trọng hòa bình

Những người trẻ hãy nhắc nhở bản thân trân trọng hòa bình

Chiều 26/4, sau 3 ngày hành quân và tổ chức hàng loạt hoạt động an sinh xã hội ở nhiều địa phương, 550 đại biểu thuộc các đoàn Hành trình “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông” kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã hội quân tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1 (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).

Ngày hội việc làm - hướng nghiệp, phân luồng học sinh năm 2024

Ngày hội việc làm - hướng nghiệp, phân luồng học sinh năm 2024

Sáng 26/4, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) thành phố Lào Cai tổ chức Ngày hội tư vấn việc làm, hướng nghiệp, phân luồng học sinh năm 2024 và ký kết hợp tác giữa Trung tâm GDNN-GDTX thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) và Trung tâm GDNN-GDTX huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu).

3 thiếu nhi xuất sắc của Lào Cai tham dự Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” toàn quốc lần thứ V

3 thiếu nhi xuất sắc của Lào Cai tham dự Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” toàn quốc lần thứ V

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” toàn quốc lần thứ V - năm 2024, với sự tham gia của 200 thiếu nhi, 64 tổng phụ trách Đội trên toàn quốc. Trong đó tỉnh Lào Cai vinh dự có 3 thiếu nhi tham dự liên hoan.

fb yt zl tw