Năm 2022, người dân xã Trung Lèng Hồ được tham gia đào tạo nghề về trồng nấm sò. Đối tượng ưu tiên đào tạo là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong độ tuổi lao động, sau đó mở rộng cho thanh niên trong xã có nhu cầu. Sau khi được đào tạo, một số người đã áp dụng và triển khai trồng nấm tại gia đình.
Tiếp đó, trước nhu cầu học tập của nhiều người dân, cuối tháng 6/2023, xã tiếp tục phối hợp với Trường Cao đẳng Lào Cai mở 1 lớp kỹ thuật trồng nấm sò cho những học viên mới. Ngoài ra, một số người dân trong xã cũng tham gia lớp kỹ năng hoạt động du lịch cộng đồng để đón đầu việc phát triển du lịch tại địa phương.
Trong năm 2023, huyện đã mở 54 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, với tổng số học viên gần 1.900 người, là nông dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo với các ngành nghề như nuôi thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi và du lịch cộng đồng tại các xã Bản Qua, Bản Vược, Cốc Mỳ, Dền Thàng, Quang Kim, Tòng Sành, Bản Xèo, Mường Hum, Dền Sáng, Y Tý, Trịnh Tường, Sàng Ma Sáo… Sau khi được đào tạo nghề, nhiều lao động đã mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình sản xuất, trồng chuối mô chất lượng cao ở các thôn Bản Vền, Hải Khe (xã Bản Qua); trồng rau vụ đông theo hình thức thâm canh gối vụ ở xã Quang Kim…
Để hỗ trợ giải quyết việc làm cho người dân của huyện, năm 2023, Bát Xát cũng đã tổ chức 35 phiên giao dịch việc làm, tư vấn cho gần 4.000 lao động, giải quyết việc làm cho gần 1.700 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo hết năm 2023 là 30.118 người.
Dự kiến từ năm 2024-2026, Bát Xát sẽ có khoảng 4.500 người lao động có nhu cầu tìm việc làm trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bát Xát cho biết: Phần lớn lao động nông thôn của huyện là người dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng xa, việc đi lại và điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ văn hóa hạn chế, không thể học nghề tập trung. Việc mở các lớp sơ cấp nghề ngắn hạn cho người dân ngay tại các xã giúp bà con có điều kiện học tập và áp dụng ngay tại gia đình, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.