Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
"Bản giao hưởng" kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai

KHU TƯỞNG NIỆM CHIẾN SĨ GẠC MA:

"Bản giao hưởng" kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai

Trước khi lên tàu bắt đầu hải trình đến với Quần đảo Trường Sa, chúng tôi đã đến tham quan, dâng hương Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

0:00 / 0:00
0:00
1cum-tuong-dai-nhung-nguoi-nam-lai-phia-chan-troi.jpg
Tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời" tại khu tưởng niệm.

Vượt qua những bậc thềm, khu tưởng niệm nằm trên quả đồi rộng 2,5 ha mở ra trước mắt chúng tôi giữa một không gian bạt ngàn màu xanh cây cối. Những cơn gió thổi về từ phía biển rì rào trên vòm lá như tiếng thầm thì của 64 chiến sĩ đã anh dũng hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ đảo Gạc Ma 37 năm trước kể câu chuyện lịch sử chói ngời chất tráng ca bất khuất.

Từ xa, tượng đài Chiến sĩ Gạc Ma nổi bật với chiều cao hơn 15 m có chủ đề “Những người nằm lại phía chân trời”. Trung tâm “vòng tròn bất tử” là những chiến sĩ nắm tay nhau kết thành một khối vững chắc quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc, chính là bảo vệ chủ quyền Việt Nam tại đảo Gạc Ma năm 1988 trước bão đạn của kẻ thù. Những chiến sĩ lấy da thịt chống chọi với “đạn đồng”, các anh ngã xuống cho Tổ quốc bay lên bát ngát những mùa xuân.

2mo-gio-va-chan-dung-64-liet-si-gac-ma-trong-khuon-vien-khu-tuong-niem.jpg
Phóng viên một số cơ quan báo chí tìm hiểu thông tin tại Khu mộ gió và chân dung 64 chiến sĩ hi sinh tại đảo Gạc Ma năm 1988.

Ngay sau cụm tượng đài là khu trưng bày, lưu giữ những hiện vật của các liệt sĩ Gạc Ma, khu quảng trường Hòa Bình, khu mộ gió của 64 liệt sĩ tại Gạc Ma với đầy đủ hình ảnh, tên, tuổi, địa chỉ và 64 bông hoa muống biển tượng trưng cho 64 chiến sĩ Gạc Ma sống mãi cùng non sông đất nước.

Khu tưởng niệm hiện lưu giữ 38 kỷ vật của 64 chiến sĩ Gạc Ma hy sinh ngày 14/3/1988, như lá cờ Tổ quốc, đôi dép, áo chiến sĩ hải quân, bát ăn cơm và những hình ảnh lịch sử, chân dung của 64 liệt sĩ. Đặc biệt hơn là tấm ảnh cưới của liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh cùng vợ là Đỗ Thị Hà chụp năm 1986. Hai năm sau ngày cưới, anh Doanh nhận nhiệm vụ công tác tại Trường Sa và nằm lại mãi mãi giữa biển khơi. Tấm ảnh được vợ liệt sĩ tặng khu tưởng niệm. Hay lá thư cuối cùng của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương viết cho gia đình ngày 6/3/1988 trước khi xuống tàu đi Gạc Ma. Lá thư có đoạn: Từ nay con không viết thư về nữa, vì công việc bận, bưu điện lại quá xa. Gia đình cứ yên tâm, đừng nghĩ ngợi nhiều cho con và con ra đi sẽ không hẹn ngày về…

Thật cảm phục biết bao, những người lính dù biết trước có thể sẽ hi sinh, vậy mà họ đón nhận với một tâm thế thật bình thản. Vì lẽ sống họ đã chọn là mặt trận chiến đấu vì Tổ quốc.

3-64-bong-hoa-muong-bien-tuong-trung-cho-64-liet-si-song-mai-cung-non-song-dat-nuoc.jpg
64 bông hoa muống biển tượng trưng cho 64 liệt sĩ đảo Gạc Ma sống mãi cùng non sông đất nước.

Đến tham quan và dâng hương tại khu tưởng niệm buổi ấy, các phóng viên không khỏi xúc động, nghẹn ngào trước mỗi chi tiết, mỗi câu chuyện của cuộc chiến trên đảo Gạc Ma qua lời giới thiệu của hướng dẫn viên. Mọi người chẳng ai bảo ai, im lặng lắng nghe và càng thấm thía về cái giá của hòa bình, độc lập, tự do của hôm nay có được phải đánh đổi bằng biết bao xương máu của các anh hùng liệt sĩ, để rồi dặn lòng phải sống tốt hơn, cống hiến nhiều hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự hi sinh của các anh!

Cũng trong buổi tham quan, dâng hương, tôi chú ý đến một bạn trẻ đang chăm chú đọc từng dòng tên của các liệt sĩ tại khu mộ gió. Bạn trẻ này còn dùng điện thoại ghi lại những hình ảnh trong khu tưởng niệm. Qua tìm hiểu được biết, em là Nguyễn Đắc Thanh, ở Sơn La, lần đầu đến tham quan, thắp hương tại khu tưởng niệm. “Từ miền núi cao phía Bắc xa xôi, khi được đặt chân đến đây em rất xúc động và cảm phục vô cùng sự hi sinh anh dũng của 64 chiến sĩ Gạc Ma để bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Những thước phim em quay lại tại đây sẽ là một trong những tư liệu để giáo dục truyền thống cách mạng cho các bạn đoàn viên, thanh niên ở cơ quan nơi em công tác”, Thanh bộc bạch.

2.jpg
1.jpg
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Chị Nguyễn Thị Trà My, cán bộ Ban Quản lý Khu tưởng niệm cho biết, 10 năm qua, đơn vị luôn bảo quản chu đáo những kỷ vật của các chiến sĩ. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho nhiều thế hệ, nhất là thế hệ trẻ. Từ năm 2017 đến nay, khu tưởng niệm đã đón trên 2.700 đoàn với trên 580.000 lượt khách đến thăm viếng. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay có 50 đoàn chọn khu tưởng niệm làm nơi tổ chức lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên.

Cách đây 37 năm, ngày 14/3/1988, ở nơi đầu sóng, với phương tiện vũ khí hạn chế, các chiến sĩ trên 3 con tàu HQ604, HQ605, HQ505 và lực lượng bảo vệ đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao đã nêu cao ý chí kiên cường, tinh thần dũng cảm, quyết tâm chiến đấu đến cùng để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Sau khi uy hiếp nhưng không làm lay chuyển được tinh thần các chiến sĩ, tàu chiến của địch đã dùng súng, pháo bắn thẳng vào tàu của ta, làm tàu HQ604 bốc cháy và chìm rất nhanh. Tại đảo Gạc Ma, các chiến sĩ đã nắm chặt tay nhau tạo thành vòng tròn bất tử bảo vệ lá cờ Tổ quốc, lấy thân mình quyết tâm giữ đảo mặc cho pháo đạn kẻ thù trút dội vào thân thể. Các anh đã anh dũng hi sinh, biển xanh ngàn năm ru các anh ngủ trong bài ca bất tử, vô cùng.

Sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi về tinh thần anh dũng, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Máu đào các anh đã nhuộm thắm thêm lá cờ Tổ quốc và trên hết, các anh vẫn sống mãi cùng non sông đất nước.

3.jpg
Nhiều tổ chức đảng của tỉnh Khánh Hòa lựa chọn Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma để kết nạp đảng viên mới.

Tri ân sự hi sinh anh dũng của các anh - những chiến sĩ Gạc Ma, năm 2015 Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã khởi công xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Công trình hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2017 với tổng mức đầu tư hơn 130 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của đoàn viên Công đoàn và người lao động trong cả nước. Để hôm nay, mỗi người dân đất Việt, nhất là thế hệ trẻ có dịp đến tham quan, dâng hương tại khu tưởng niệm và được sống với những sự kiện lịch sử bi hùng của dân tộc, thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trước quê hương, đất nước.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Nghị lực vượt khó của nam sinh thủ khoa tổ hợp A00

Nghị lực vượt khó của nam sinh thủ khoa tổ hợp A00

Cùng với Nguyễn Diệu Linh (Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi), em Trần Hữu Thịnh (lớp 12A1, trường Trung học phổ thông Hưng Nhân) là gương mặt xuất sắc của tỉnh Hưng Yên trên “bảng vàng” thủ khoa tổ hợp A00 cả nước với điểm số tuyệt đối 30/30 điểm ở 3 môn Toán, Vật lý, Hóa học.

Học phí đại học sẽ tăng đến mức nào?

Học phí đại học sẽ tăng đến mức nào?

Dự thảo Nghị định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm, hỗ trợ học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo thay thế quy định tại Nghị định số 81/2021 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trình Chính phủ đưa ra quy định mức thu, lộ trình học phí các cấp học từ bậc phổ thông đến đại học bắt đầu từ năm học 2025-2026.

Hỗ trợ tủ sách cộng đồng, lan tỏa văn hóa đọc

Hỗ trợ tủ sách cộng đồng, lan tỏa văn hóa đọc

Từ ngày 15/7 đến 15/8, Alpha Books phối hợp các thương hiệu sách là Omega Plus, Gamma, Einstein Books, Medinsights và Sống ra mắt và triển khai dự án xã hội "Hỗ trợ xây dựng 100 tủ sách trên khắp cả nước", một sáng kiến nhằm góp phần thúc đẩy thói quen đọc sách và kết nối cộng đồng qua các không gian văn hóa đọc.

Sẽ tổ chức Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề quốc tế năm 2025 tại Hà Nội

Sẽ tổ chức Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề quốc tế năm 2025 tại Hà Nội

Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề quốc tế năm 2025 dự kiến kéo dài 5 ngày từ ngày 14 đến 18-11, tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, cùng nhiều hoạt động bên lề từ tháng 9 đến tháng 11 trên toàn địa bàn thành phố. Sự kiện do UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì.

Chưa thể chỉnh sửa ngay sách giáo khoa

Chưa thể chỉnh sửa ngay sách giáo khoa

Trong năm học 2025 - 2026, giáo viên và nhà trường tiếp tục sử dụng chương trình, sách giáo khoa (SGK) hiện hành; đồng thời chủ động điều chỉnh ngữ liệu, bài học, chủ đề giảng dạy sao cho phù hợp với thực tiễn địa phương và mô hình tổ chức chính quyền hai cấp.

fb yt zl tw