Sau màn chào hỏi, Đại úy Vũ Xuân Quân, Trưởng Công an xã Bản Lầu đưa chúng tôi đến thôn Na Nhung, nơi có dòng họ Lục nổi tiếng với phong trào mô hình “Dòng họ khuyến học”, “Dòng họ tự quản an ninh, trật tự”, “Bản bình yên - gia đình hạnh phúc”. Dọc đường đi, Đại úy Vũ Xuân Quân bồi hồi kể lại ngày nhận quyết định về xã theo chủ trương của Bộ Công an. Mới mẻ, bề bộn, bỡ ngỡ, bất đồng ngôn ngữ, khác phong tục, tập quán… Những khó khăn ban đầu rồi cũng dần qua, tất cả trôi theo guồng quay công việc đến quên ngày quên tháng. Địa bàn xã Bản Lầu khá rộng, dân số chỉ có hơn 8.000 nhân khẩu, thuộc 13 dân tộc, nhưng cư trú ở 15 thôn, bản, biên giới đất liền với nước bạn dài, lại có lối mở với nước bạn qua một đoạn suối nhỏ, nên việc quản lý xuất - nhập cảnh khó. Tội phạm nguy hiểm thường xuyên lợi dụng để xâm nhập hoặc qua biên giới. Trước tình hình đó, Công an xã ngày đêm phải căng ra để xây dựng phong trào, nắm tình hình, tham mưu cho cấp ủy đảng địa phương các phương án phòng, chống, kết hợp tuyên truyền pháp luật trong Nhân dân.
Công an xã đã phối hợp với Đồn Biên phòng Bản Lầu lập và thực hiện các phương án phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, tội phạm buôn bán người, triệt phá nhiều vụ phạm pháp. Năm 2021, phối hợp với Công an huyện phá 2 vụ án ma túy, thu 2.500 viên ma túy tổng hợp. Năm 2022, đấu tranh bắt giữ 1 đối tượng mang 1 bánh heroin. Đồng thời, phối hợp với bộ đội biên phòng bắt giữ nhiều đối tượng cấu kết với người nước ngoài đưa người qua biên giới trái pháp luật. Công an xã đã thực hiện phương châm lấy “tai mắt Nhân dân” làm cơ sở gìn giữ bình yên cuộc sống từ gốc, giải quyết các vụ mâu thuẫn, vi phạm pháp luật bài bản theo đúng trình tự pháp lý, giữ được tình làng, nghĩa xóm, là chìa khóa quan trọng giảm các vụ án, góp phần gìn giữ an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Chúng tôi đến gia đình ông Lục Thượng Khiêm, người đứng đầu dòng họ Lục ở thôn Na Nhung. Trong câu chuyện, ông vui vẻ kể về những thành tích của các mô hình mà dòng họ Lục đã được tặng, như Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an tặng, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Bằng khen của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bằng khen của Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai, Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Mường Khương… Bản thân ông vinh dự được về Thủ đô Hà Nội dự đại hội thi đua toàn quốc…
Chúng tôi hỏi làm thế nào để quy tụ được bà con trong dòng họ thực hiện tốt mô hình, ông Lục Thượng Khiêm không trả lời ngay mà mở tủ tìm bản “Quy ước của dòng họ tự quản an ninh, trật tự” đưa cho chúng tôi. Ông phấn chấn nói: Dòng họ Lục đến đất này theo gia phả đến đời tôi là đời thứ 8. Trải qua bao biến cố, thăng trầm, anh em dòng họ quây quần bảo vệ, giúp đỡ nhau cùng làm ăn, no đói có nhau. Sự cố kết các thành viên trong họ rất khăng khít, bởi vậy ai làm gì sai với dòng họ, với tổ tông đều phải hổ thẹn. Ai không chấp hành các quy ước coi như không phải người của dòng họ. Chúng tôi xây dựng quy ước phù hợp với pháp luật, báo cáo và được Công an xã tư vấn, trình UBND xã phê duyệt, sau đó thông qua các thành viên trong dòng họ, tự viết bản cam kết thực hiện.
Đại úy Vũ Xuân Quân cho biết: Từ mô hình của dòng họ Lục, chúng tôi đã nhân rộng khắp các địa bàn trong xã. Mô hình này cũng được nhân lên trên toàn tuyến biên giới của huyện Mường Khương.
Từ khi công an chính quy về xã, việc nắm địa bàn sâu sát hơn, gần dân hơn, nắm được tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân tốt hơn, hạn chế được nhiều vụ án. Đơn cử như năm 2019 trên địa bàn xã có 26 vụ án vi phạm pháp luật đủ điều kiện truy tố thì năm 2020 giảm còn 4 vụ, năm 2022 còn 3 vụ. Những con số này đủ thấy việc đưa công an chính quy về xã là rất cần thiết và hợp lý.
Rời Na Nhung, Đại úy Bùi Quang Hiếu, Phó Trưởng Công an xã đưa chúng tôi lên các thôn Na Lốc 3, Na Lốc 4, Cốc Phương, Pạc Bo. Tuyến đường chúng tôi đi bà con nơi đây vẫn quen gọi là đường “Nguyễn Minh Triết”. Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, để 2 bản biên giới Cốc Phương và Na Lốc không biệt lập với xã, với huyện, huyện Mường Khương đã huy động lao động công ích của cán bộ, viên chức và người dân trong huyện cùng xã Bản Lầu tổ chức làm 14 cây số đường đất nối Cốc Phương với Quốc lộ 4E. Cuối năm 2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (hồi đó) lên thăm Lào Cai đã theo tuyến đường này lặn lội đến thăm bản người Mông Cốc Phương. Thấy đường đi gập ghềnh, khúc khuỷu, đầy ổ trâu, ổ voi, dọc hai bên đường, dứa, chuối của đồng bào bội thu cả trăm tấn, nghìn tấn mà phương tiện thu hái, vận chuyển đều duy nhất trông chờ vào lưng vào vai những người Mông cần cù, cam chịu, Chủ tịch nước đã hứa cho cải tạo đường để người dân thuận tiện đi lại và tiêu thụ sản phẩm, ổn định cuộc sống lâu dài. Năm 2010, lời hứa được thực hiện, bà con vẫn biết đây là tiền của dân, của Nhà nước, nhưng nếu không có tấm lòng thương dân và tôn trọng chữ tín của Chủ tịch nước thì biết đến bao giờ người dân Cốc Phương, Na Lốc mới được đi trên con đường thảm nhựa.
Chúng tôi vào thôn Cốc Phương, mảnh đất biên ải từng một thời là vành đai trắng, đầy rẫy bom mìn, tàn dư của cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc năm 1979. Nơi này, trong suốt thời gian dài, cuộc sống của người dân đã khốn khó lại càng quẩn quanh đi tìm lối thoát nghèo. Cả dải biên thùy mênh mông hoang vu lau lách ngút ngàn. Hồi ấy nơi đây không có đường giao thông, chứ đừng nói đến điện, trường học, trạm y tế. Thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước hỗ trợ các xã vùng đặc biệt khó khăn, giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số định canh, định cư, cấp ủy đảng và chính quyền huyện Mường Khương đã đưa gần 270 hộ người Mông các xã vùng cao, trong đó có xã Dìn Chin, “hạ sơn” về đất này sinh sống, phát triển vùng kinh tế các thôn biên giới xã Bản Lầu. Từ các chương trình, nghị quyết của tỉnh, của huyện, cùng với việc giao đất, giao rừng cho bà con canh tác và chăm sóc, bảo vệ “lấy ngắn nuôi dài” tạo sinh kế bền vững, thế rồi cứ lần hồi tháng, năm như dòng nước tìm được chỗ chảy, sáng tạo từ lao động mà ra.
Bên ấm trà mới pha, ông Thào Hà, Trưởng dòng họ Thào ở Cốc Phương dáng cao to, bắp tay chân nổi lên chắc nịch, nước da sậm màu nắng gió và nụ cười thân thiện rủ rỉ với chúng tôi như kể chuyện cổ tích. Theo lời ông, chúng tôi được biết, cùng với những khó khăn của đời sống kinh tế lúc bấy giờ là những vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh, như trộm cắp, mất an ninh, trật tự, việc xâm canh, xâm cư biên giới thường xảy ra. Bản Lầu có 10,9 km đường biên đất liền với Trung Quốc. Đây là địa bàn nóng về các loại tội phạm như buôn lậu, vận chuyển chất ma túy, buôn bán người… an ninh, trật tự diễn biến phức tạp.
Ông Thào Hà khẳng định: Để có được cuộc sống như ngày nay là cả một chặng đường dài kiên trì, bền bỉ của bản làng, sự góp sức rất lớn của các chính sách sát thực và đầu tư hiệu quả của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là từ ngày công an chính quy được điều động về công tác ở xã.
Là trưởng họ, lại là người có vai trò tích cực trong xây dựng “Mô hình dòng họ tự quản về an ninh, trật tự ”; “Mô hình bản bình yên - gia đình hạnh phúc” Mô hình “Tổ tự quản về đường biên, cột mốc”, ông Thào Hà đã được các cấp chính quyền khen thưởng, là điển hình để học tập.
Làm việc với UBND xã Bản Lầu, ông Hoàng Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Bản Lầu cho biết: Những năm gần đây, các vấn đề an ninh, trật tự trên địa bàn được duy trì đảm bảo, cuộc sống yên bình của vùng quê đã làm cho người dân phấn khởi, tin yêu, yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo khí thế vui tươi, lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Rời mảnh đất thép Mường Khương, kết thúc chuyến đi với ăm ắp tư liệu về những con người nuôi giữ bình yên nơi biên ải, lòng chúng tôi dâng lên niềm cảm mến, tự hào, mọi lo toan bất trắc dường như xa ngái nơi nào. Nghĩ về các anh, về công việc các anh đang ngày đêm gánh vác, không ai bảo ai, chúng tôi đều chung ý nghĩ: Cuộc sống dù có phát triển kinh tế đến đâu, việc bảo vệ an toàn, an ninh, trật tự, giữ bình yên cho cuộc sống là rất cần thiết, để những miền đất gian nan mà thơ mộng được bình yên và phát triển như ngày hôm nay có đóng góp không nhỏ của những cán bộ, chiến sĩ công an bám cơ sở, bám dân.