Rừng có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội và đặc biệt quan trọng đối với tỉnh vùng cao, biên giới như Lào Cai. Rừng từ xưa là nguồn cung cấp lâm sản phục vụ cuộc sống con người, đóng vai trò quan trọng bảo vệ đất, sinh thủy, tạo môi sinh… Tỉnh Lào Cai đã dành 65% diện tích đất tự nhiên để quy hoạch cho lâm nghiệp. Những năm gần đây, diện tích rừng của tỉnh ngày càng tăng, chất lượng được nâng lên. Minh chứng là hết năm 2023, tỷ lệ che phủ rừng của Lào Cai đạt 58,5% (cao hơn bình quân cả nước hơn 15,6%).
Những năm qua, công tác “giữ rừng” được cả hệ thống chính trị tỉnh quan tâm. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ và các đề án, nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về nông, lâm nghiệp luôn có nội dung về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, từ đó định hướng xuyên suốt cho các cấp chính quyền trong việc gìn giữ tài nguyên rừng và xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp phải gắn với quản lý, bảo vệ rừng bền vững.
Bên cạnh các hoạt động bảo vệ rừng từ thực thi pháp luật lâm nghiệp thì giữ rừng thông qua việc nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho người dân sống nhờ rừng, gần rừng đặc biệt quan trọng và mang tính bền vững. Cây quế được xác định là ngành hàng chủ lực, phát triển kinh tế đồi rừng là 1 trong 2 lĩnh vực trọng tâm theo tinh thần Nghị quyết 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Phát triển kinh tế đồi rừng được hiểu là kinh doanh đồi rừng tổng hợp, phát huy giá trị đa dụng của rừng thông qua khai thác những giá trị kinh tế, môi trường, sinh thái từ rừng, đất đồi rừng một cách hiệu quả, bền vững để mang lại thu nhập cao nhất cho người làm nghề rừng, gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái.
Ngành lâm nghiệp đã phát triển rừng bằng các loài cây gỗ lớn, cây đa mục đích, cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao như quế, bồ đề, trẩu... Hình thành vùng rừng nguyên liệu tập trung 100.000 ha gắn với hệ thống cơ sở chế biến, trong đó sản phẩm chủ lực là cây quế với hơn 58.000 ha. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển dược liệu dưới tán rừng và lâm sản ngoài gỗ với hơn 3.700 ha (sa nhân tím, chè dây, tam thất, thất diệp nhất chi hoa, thuốc tắm...) đem lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho đồng bào vùng cao.
Việc thúc đẩy phát triển kinh tế đồi rừng cũng tạo việc làm cho hơn 43.000 lao động, trong đó hơn 25.000 lao động ổn định và 18.000 lao động thời vụ. Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2023 đạt 3.328 tỷ đồng, tăng hơn 350 triệu đồng so với năm 2022.
Phát triển rừng không chỉ với mục đích kinh doanh lâm sản mà còn hướng tới tăng giá trị rừng từ dịch vụ môi trường rừng và phát triển du lịch sinh thái. Trong tương lai gần, theo định hướng của Trung ương, giai đoạn 2025 - 2030 sẽ triển khai thực hiện việc chi trả dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng trên phạm vi cả nước. Đây sẽ là nguồn thu lớn, ổn định cho các các chủ rừng.
Thời gian tới, để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là khu vực biên giới, ngành lâm nghiệp triển khai các phương án quản lý rừng bền vững, thực hiện đồng bộ các hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, xây dựng kết cấu hạ tầng; phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, đào tạo phát triển nguồn nhân lực gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học với phát triển kinh tế - xã hội.
Để có thêm nguồn lực cho “giữ rừng”, cùng với nguồn dịch vụ môi trường rừng (trung bình khoảng 150 tỷ đồng/năm) thì tỉnh tổ chức triển khai khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng từ các nguồn ngân sách nhà nước (nguồn vốn tiểu Dự án 1, Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nguồn Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững) để bảo vệ toàn bộ diện tích rừng thuộc đối tượng được hưởng chính sách là rừng tự nhiên, rừng trồng phòng hộ, đặc dụng với 277.864 ha. Tỉnh kêu gọi, huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án, Tổ chức NGO như Dự án VFBC, SNRM2 và tới đây là GREAT 2 để phục vụ công tác bảo vệ rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp theo chuỗi giá trị.