Chưa bao giờ người dân ở thành phố Lào Cai chịu cảnh nước sông Hồng dâng cao gây ngập lụt nhiều đường phố, nhà ở như những ngày mưa lũ vừa qua.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thúy Huyền (đường Soi Tiền, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai) đã sống ở đây gần 30 năm nhưng cũng là lần đầu chứng kiến nước sông Hồng dâng cao khiến nhà chị bị ngập sâu đến vậy.
Đồ đạc giá trị đều phải di chuyển lên tầng cao hơn để tránh thiệt hại. Tường nhà bị ngập nước cao đến 1,5 m trong nhiều giờ nên bị hoen ố lớp sơn; rác thải, bùn đất trôi vào, lấp cả ổ điện nên việc dọn dẹp sau lũ rất khó khăn.
Chị Huyền cũng cho hay, nước sông dâng lên nhanh và rút xuống trong đêm nên phải chờ sáng ra mọi người mới bắt đầu dọn dẹp nhà ở. Tuy nhiên, thời điểm mưa lũ, toàn thành phố mất điện, mất nước, do đó rất khó dọn nhà. Gia đình tôi phải bơm nước từ sông Hồng để rửa nhà. Phía ngoài, bùn đất cũng lấp kín mặt đường, cống thoát nước nên lại càng khó khăn. Gia đình tôi may mắn được người thân và bạn bè của các con tới giúp nên đỡ vất vả. Có điều, vì dầm mình trong bùn đất và nước bẩn nhiều ngày liên tục khiến vợ chồng tôi đều bị bệnh ngoài da thể nhẹ.
Cách nhà chị Huyền hơn 1 km về phía chợ Nguyễn Du, gia đình chị Ngô Phương Thanh ở khu Ngõ Cống, phường Kim Tân cũng bị ngập lụt nghiêm trọng. Nơi ở của gia đình chị Thanh vốn là điểm thấp, trũng, hay bị ngập mỗi mùa mưa.
Nhà ở chỗ trũng thấp hơn những nơi khác nên nước dâng nhanh mà rút lâu, kèm với đó là nhiều rác thải đọng lại. Để xử lý vấn đề môi trường, cùng với việc được cán bộ y tế phun khử trùng, gia đình tôi tự mua dung dịch khử trùng, thuốc muỗi… về phun. Qua gần 1 tuần, cuộc sống mới ổn định trở lại.
Không chỉ thành phố Lào Cai, nhiều địa phương trong tỉnh bị ngập lụt, sạt lở, cô lập khiến người dân phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường sống. Chưa có con số cụ thể về việc người dân mắc các bệnh liên quan do mưa lũ, ngập lụt nhưng việc Lào Cai phát hiện 1 ca bệnh Whitmore (bệnh vi khuẩn ăn thịt người) đã gióng lên hồi chuông về việc các cấp, ngành, địa phương và người dân cần đặc biệt quan tâm đến kiểm soát ô nhiễm môi trường sau mưa lũ. Mầm bệnh và chất độc hại trong bùn đất, nước, không khí và trong rác thải vẫn hiện hữu ở nhiều nơi mà mắt thường không thấy được.
Theo báo cáo về kết quả kiểm tra công tác khắc phục, xử lý môi trường sau bão số 3 trên địa bàn tỉnh của Sở Tài nguyên và Môi trường, sở đã chủ động trao đổi với Sở Y tế về các biện pháp xử lý môi trường sau bão lũ để kịp thời có hóa chất xử lý ban đầu. Ngày 12/9, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kêu gọi Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang hỗ trợ 500 kg cloramin B, 500 kg phèn đơn và đã bàn giao cho Sở Y tế để phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố tiến hành khử trùng, vệ sinh môi trường. Các địa phương cũng đã chủ động chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan, trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố tiến hành phun khử khuẩn, xử lý nước thải, thu dọn, vệ sinh chất thải sau mưa lũ.
Ông Lưu Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Từ ngày 20 - 25/9, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập 2 tổ tiến hành khảo sát, làm việc với UBND các huyện, thị xã, thành phố để nắm bắt, hướng dẫn công tác xử lý, vệ sinh môi trường sau bão lũ và tiến hành làm việc với một số cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản có hồ đập thải, bãi thải. Qua kết quả khảo sát và làm việc cho thấy UBND các huyện, thị xã, thành phố đã cơ bản thực hiện đúng quy trình, biện pháp xử lý, vệ sinh môi trường. Các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản đã chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố và xử lý môi trường trước, trong và sau bão lũ. Tuy nhiên, quá trình rà soát cho thấy tại một số địa phương còn gặp những khó khăn nhất định.
Ví như tại huyện Bảo Yên, tuyến đường vận chuyển rác thải vào bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tập trung bị sạt lở nên toàn bộ rác thải hiện nay tập kết tạm thời tại khu bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tập trung cũ của huyện và tập kết tại các ven đường. Tại thị xã Sa Pa, tuyến đường vào khu vực lò đốt chất thải rắn sinh hoạt tại thôn Hoàng Liên, xã Bản Hồ bị sạt lở nên toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực này không được xử lý mà chỉ chôn lấp tạm thời tại bãi chôn lấp chất thải rắn quy mô cấp xã… Ngoài ra, do khối lượng chất thải sau bão lũ phát sinh lớn nên công tác thu gom, xử lý, chôn lấp tại các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tập trung ở một số huyện còn chưa đảm bảo; một số cơ sở khai thác khoáng sản có hiện tượng bị sạt lở tại các bãi thải, hồ thải tuyển gây nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.
Mặc dù tại các địa phương đã có sự chung tay của công nhân các công ty vệ sinh môi trường, đoàn viên, thanh niên, hội viên phụ nữ, dân quân, tự vệ, sinh viên, người dân… dọn dẹp, vệ sinh đường phố, hệ thống thoát nước và tại các nhà dân, trường học nhưng với những hậu quả nặng nề do hoàn lưu bão số 3 gây ra cần nhiều hơn nữa sự chung tay của toàn xã hội để môi trường sống an toàn, trong sạch hơn.