Ngày 30/4/1975 - mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đúng 11 giờ 30 phút ngày này, khoảnh khắc chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập đã khép lại hơn hai mươi năm chia cắt Bắc - Nam, cũng là lúc ngân vang khúc khải hoàn của ý chí kiên cường, bất khuất và lòng yêu nước nồng nàn của cả một dân tộc. Từ những cánh rừng Trường Sơn hùng vĩ đến từng con hẻm của Sài Gòn hoa lệ, cả đất nước vỡ òa trong niềm vui đoàn tụ. Đó là ngày mà đất nước được gọi tên trọn vẹn: Việt Nam!

Cầu Hiền Lương, nơi vĩ tuyến 17 chia cắt hai miền, từng là biểu tượng của nỗi đau chia lìa, nay đã trở thành chứng nhân cho một thời bi tráng. Đằng đẵng bao năm, mỗi nhịp cầu là một nhịp tim Tổ quốc rung lên day dứt và khắc khoải.
Ngã ba Đồng Lộc, nơi 10 nữ thanh niên xung phong đã gửi trọn thanh xuân trong lòng đất Mẹ để con đường chi viện cho miền Nam được thông suốt, đã hóa thành ngọn lửa thiêng soi rọi cho thế hệ hôm nay.

Thành cổ Quảng Trị, nơi máu xương của các chiến sĩ giải phóng hòa cùng gạch vỡ, nhắc nhớ về một mùa hè đỏ lửa trong 81 ngày đêm chốt giữ cổ thành. Nơi từng viên gạch, từng tấc đất đều thấm đẫm tinh thần chiến đấu ngoan cường.
Trong 81 ngày đêm ấy, trên diện tích chỉ rộng hơn 18 ha đã phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hirosima và Nagasaki của Nhật Bản thời chiến tranh thế giới thứ 2. Thật khó có thể tưởng tượng nổi, vậy mà, bộ đội ta đã anh dũng chiến đấu bằng ý chí và nghị lực phi thường, viết lên khúc tráng ca bất tử.

Và, còn đó con đường Trường Sơn huyền thoại được ví như “xương sống” của cả cuộc kháng chiến. Dưới mưa bom, bão đạn oanh tạc của kẻ thù, những bước chân bộ đội vẫn đều đặn hành quân vào mặt trận như nhịp đập của trái tim Tổ quốc. Những đoàn xe vẫn vượt núi, băng đêm ào ạt tiến ra phía trước. Cùng với đường Hồ Chí Minh trên biển, những đoàn tàu không số vượt trùng khơi, đưa vũ khí, lương thực vào miền Nam, như những mạch máu âm thầm nhưng mãnh liệt chảy giữa lòng đại dương.

Trong gian lao, tinh thần sáng tạo và ý chí quyết tâm của dân tộc Việt Nam lại bừng lên mạnh mẽ. Vì miền Nam, hậu phương lớn miền Bắc không tiếc máu xương, nhiều bà mẹ “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”! Cả dân tộc ra trận, vì “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Ngày đất nước nở hoa độc lập, ca khúc khải hoàn, nhiều bà mẹ đã hóa tượng đài trong lòng dân tộc! Nhắc lại những mất mát, hi sinh; nhắc lại những địa danh với những huyền thoại để mỗi chúng ta khắc sâu tận đáy lòng về một thời máu lửa đã qua, về lòng quả cảm đã viết nên bản anh hùng ca bất tử trong sử sách dân tộc.
Hôm nay, khi đất nước đã bước vào thời kỳ hòa bình, độc lập và phát triển, tinh thần của ngày 30/4 vẫn sống mãi trong tim mỗi người dân Việt Nam. Những bước quân hành rộn ràng trên đường phố của thành phố mang tên Bác trong đại lễ diễu binh, diễu hành năm nay không chỉ là niềm kiêu hãnh của một quốc gia độc lập, mà còn là lời tri ân sâu sắc gửi tới những người đã ngã xuống trên dọc dài đất mẹ, cho nền hòa bình mãi mãi mai sau.

Việt Nam hôm nay thế và lực đã mạnh hơn rất nhiều, những thành tựu nổi bật sau gần 40 năm đổi mới đang trên đà phát triển, đặt dấu ấn đậm nét trong lòng bạn bè quốc tế. Đó chính là minh chứng sống động về một quốc gia không chỉ là đất nước của những chiến công vang dội, mà còn của sự sáng tạo, sự đổi mới, hội nhập và khát khao vươn ra biển lớn.

Lịch sử đã trao cho thế hệ hôm nay một trang mới: hòa bình, xây dựng và phát triển, nhưng không vì thế mà ngủ quên trên chiến thắng. Nhớ về quá khứ không chỉ để tri ân thế hệ đi trước, mà còn là lời nhắc về tinh thần cảnh giác, tinh thần trách nhiệm trong mỗi người con đất Việt, nỗ lực hơn nữa trên mặt trận mới - mặt trận của tri thức, của lao động, đổi mới và sáng tạo. Vì một Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.
Tự hào đất nước hôm nay đã liền một dải, từ thẳm sâu rừng núi đến trùng khơi biển đảo, từ đồng bằng mênh mông lên non cao biên giới. Mỗi tấc đất, mỗi ngọn núi, dòng sông, con đường... đều mang trong mình câu chuyện về một dân tộc chưa bao giờ khuất phục!
Nhìn về quá khứ để tự hào, sống ở hiện tại để biết ơn và hướng đến tương lai với niềm tin vững chắc. Đó là cách để gìn giữ hồn cốt dân tộc, dù đi xa nơi chân trời góc bể, giữa muôn trùng sóng gió hay chốn đô thị phồn hoa, hiện đại vẫn không quên nguồn cội. Và, mỗi người dân Việt Nam sẽ luôn tự hào về một dải non sông nối liền, để lòng không hổ thẹn mỗi lần cất lên hai tiếng thân thương: Đất nước!